Chuyện người hùng và tội đồ ở Asian Cup 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Vòng 1/16 Asian Cup 2023, trận đấu giữa Đội tuyển Iraq và Đội tuyển Jordan (2-3) để lại nhiều dư vị đáng nói.

Từng giành ngôi đầu bảng D, từng giành chiến thắng thuyết phục trước Đội tuyển Nhật Bản (2-1) xếp hạng số 1 châu Á và 17 thế giới, cùng với toàn thắng ở vòng bảng với 9 điểm tuyệt đối, hiện đang xếp thứ 7 châu Á và thứ 63 thế giới, Đội tuyển Iraq đã bất ngờ thua trận ở vòng đấu loại trực tiếp trước đội xếp thứ 13 châu Á và 87 thế giới, là Đội tuyển Jordan.

jordan-iraq-2-2799.jpg
Jordan và Iraq tạo ra màn rượt đuổi tỷ số ngoạn mục ở vòng 1/8 Asian Cup 2023. Ảnh: Reuters

Đáng nói hơn cả là nguyên nhân trực tiếp của trận thua này lại đến từ ngôi sao số 1 của Đội tuyển Iraq, tiền đạo Aymen Hussen(18), người hiện đang ghi nhiều bàn thắng nhất ở giải đấu với 6 bàn thắng và chính là người ghi bàn nâng tỷ số lên 2-1 cho đội nhà trước khi phạm phải sai lầm đáng trách nhất trong sự nghiệp? Từ “người hùng” của trận đấu và giải đấu, trong phút chốc không thể hiểu nổi, Aymen đã trở thành “tội đồ” của trận đấu và giải đấu, để lại bài học vô cùng cay đắng cho không chỉ tiền đạo lừng danh này mà với tất cả các ngôi sao bóng đá Iraq, châu Á và thế giới.

Để nói, trong bóng đá có tính cạnh tranh cao, đẳng cấp cao, điều gì cũng có thể xảy ra. Tài năng được phát lộ, đẳng cấp được chứng minh, bàn thắng để đời được ghi, niềm vui vỡ òa được tận hưởng là điều luôn có thật, sinh động trong mỗi trận đấu, mỗi thành công có được. Nhưng “gót chân Asin” được bộc lộ, sai lầm trong tích tắc diễn ra, sự thái quá vô tình ập đến không cưỡng nỗi… lại có thể đến bất cứ lúc nào, thậm chí ngay sau niềm vui vô bờ bến, như cách Aymen sau khi ghi bàn tuyệt đẹp, liền ăn mừng bằng cách… ngồi xuống và làm động tác được trọng tài coi là “hành vi khiêu khích đối thủ” phải bị trừng phạt!

Nói đâu xa, ở ở Đội tuyển Việt Nam cũng trong trận đấu gặp chính Đội tuyển Iraq ở vòng bảng mới đây, Văn Khang là minh chứng cụ thể, dù ở cấp độ thấp hơn. Văn Khang trước đó có một đường kiến tạo tuyệt đẹp để Việt Anh ghi bàn mở tỷ số, cùng với một thẻ vàng do lỗi ăn vạ, một lần được trọng tài nhắc nhở vì vào bóng lỗi. Nhưng rồi tài năng trẻ này vẫn chơi bóng thiếu kiểm soát, dẫn đến hành vi thô thiển bị phạt thẻ vàng thứ 2, tương đương 1 thẻ đỏ, phải rời sân ngay cuối hiệp 1 trận đấu. Chưa đến mức “người hùng” nhưng Văn Khang đã đạt mức “tội đồ” trong trận thua đó của Đội tuyển Việt Nam, rất giống với tình cảnh thua ngược của Đội tuyển Iraq trước Jordan.

Tất nhiên, câu chuyện không giống nhau ở chỗ Văn Khang là cầu thủ trẻ, thiếu kinh nghiệm thi đấu quốc tế, còn Aymen sinh năm 1996, từng trải qua nhiều năm lăn lộn trên sân cỏ châu lục, không thể nói là non nớt hay bột phát. Phải chăng, lỗi lầm là… một phần của bóng đá, không thể tránh được với bất cứ ai trong những trận đấu quan trọng, kịch tính? Người am tường có thể nhắc đến những tên tuổi như Platini, Zico, Beckham… từng đá hỏng penalty ở những thời khắc quyết định? Và bóng đá thế giới từng chứng kiến biết bao cầu thủ tài năng lập công lớn, nhưng cũng là thủ phạm to trong những trận thua, bàn thua của đội nhà? Điều đó đúng là luôn hiện hữu đó đây, luôn có thật đến mức không tin nổi?

Vấn đề là sau khi phạm sai lầm, sau khi trải qua “chương đen tối”, cầu thủ đó phải có quyết tâm cao hơn, ý chí bền bỉ hơn để vượt qua, để lập công chuộc tội. Không thiếu những cầu thủ do sai lầm của mình khiến đội nhà phải nhận bàn thua, đã biết cách xông lên, ghi bàn cho đội nhà, như cách của nhiều trung vệ thường đạt được trong những trận cầu sinh tử. Như cách các thủ môn ra vào không hợp lý, phá bóng không tốt để nhận bàn thua, nhưng lại biết cách chiến thắng trên chấm luân lưu 11 m hoặc trong các tình huống cứu thua không tưởng. Tất nhiên, không cầu thủ nào muốn hoặc để mình bị coi là “tội đồ”. Cái chính là biết nhận ra sai lầm và biết cách khắc phục sai lầm một cách nhanh nhất có thể, đưa mọi thứ trở lại thế cân bằng. Chưa kể nhiều khi trong bóng đá sự may mắn cũng có thể “cứu” những bàn thua trông thấy, những giải đấu mong manh, khoảng cách mong manh giữa “người hùng” và “tội đồ”.

Vì vậy, các tài năng hãy biết tránh xa khoảng cách mong manh, không ai muốn gặp phải đó, dù điều này nói luôn dễ hơn làm trong cuộc sống và trong bóng đá, dù “thương” và “giận” với một con người nhiều khi luôn song hành, luôn đồng hiện cùng nhau./.

Tin mới