Chuyện người thầy đào tạo thủ môn giỏi ở Sông Lam Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trò chuyện với Lê Mạnh Hùng - một người có dáng vẻ đô con và được gọi bằng biệt danh “Hùng béo”, tôi đã rất ngạc nhiên khi biết rằng, anh đã không thể trở thành cầu thủ trẻ của “lò” Sông Lam Nghệ An chỉ vì quá… còi!

Nhưng rồi, Lê Mạnh Hùng vẫn được thỏa nguyện ước mơ cống hiến cho đội bóng quê hương, ở cương vị khác: Huấn luyện viên thủ môn.

HLV Lê Mạnh Hùng cùng các thành viên ban huấn luyện U17 SLNA. Ảnh: NVCC
HLV Lê Mạnh Hùng cùng các thành viên ban huấn luyện U17 SLNA. Ảnh: NVCC

“Đi đường vòng” để hiện thực hóa ước mơ

Sinh năm 1983 tại xã Bồng Khê (Con Cuông), hồi nhỏ, Lê Mạnh Hùng rất hâm mộ đội bóng đá Sông Lam Nghệ An và luôn ước mơ được trở thành cầu thủ của đội bóng.

Năm 1996, khi 13 tuổi, mang theo ước mơ cháy bỏng đó, Hùng khăn gói xuống thành phố Vinh tham gia khóa tuyển chọn cầu thủ trẻ của Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An. Nhưng cậu thiếu niên vùng cao sớm đón nhận tin buồn khi bị các huấn luyện viên chê là thể hình quá nhỏ con để có thể trúng tuyển.

Tuy vậy, Lê Mạnh Hùng không từ bỏ được niềm đam mê với trái bóng tròn nên hàng ngày mỗi buổi chiều cậu vẫn đi đá bóng với các anh lớn tuổi hơn. Năm 1998, vào lớp 10, Hùng được được thầy giáo dạy thể dục ở Trường THPT Con Cuông đưa vào đội bóng của trường tham gia giải bóng đá của huyện và Hội khỏe Phù Đổng tỉnh ở vị trí thủ môn.

Với phản xạ nhanh nhạy trong khung gỗ, Hùng đã góp phần đưa đội bóng của trường giành giải Nhất giải bóng đá huyện 3 năm liền (1999, 2000 và 2001), giải Ba môn bóng đá nam THPT Hội khỏe Phù Đổng tỉnh năm 2000.

Tốt nghiệp THPT, Hùng đăng ký nguyện vọng 1 vào Khoa Giáo dục thể chất, Trường Đại học Vinh, nguyện vọng 2 vào Khoa Thể dục Thể thao Đại học Hồng Bàng. Thi đỗ nguyện vọng 1, đồng thời trúng tuyển nguyện vọng 2 chuyên ngành võ thuật, Hùng lưỡng lự giữa việc học ở thành phố Vinh cho gần nhà hay vào thành phố Hồ Chí Minh với nhiều điều mới mẻ đang chờ đón.

Sau đó, Hùng quyết định bắt đầu những năm tháng sinh viên tại thành phố mang tên Bác. Để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê bóng đá, Hùng đã làm thủ tục chuyển qua chuyên ngành này. Ở Trường Đại học Hồng Bàng, Hùng tích cực tham gia các phong trào của đoàn, các hoạt động thể dục thể thao, sau đó được chọn vào đội bóng đá của trường tham gia Giải bóng đá sinh viên thành phố Hồ Chí Minh và Giải bóng đá sinh viên toàn quốc.

Thi đấu ở vị trí thủ môn, Hùng đã cùng đồng đội giúp đội bóng Trường Đại học Hồng Bàng giành chức Vô địch Giải bóng đá sinh viên thành phố Hồ Chí Minh các năm 2003, 2004, 2006, Vô địch Giải bóng đá sinh viên toàn quốc năm 2005.

Đầu năm 2006, khi Giải bóng đá U17 Quốc gia được tổ chức tại Trung tâm Thể thao Thành Long (thành phố Hồ Chí Minh), Hùng đến xem, cổ vũ cho đội U17 Sông Lam Nghệ An (giải này đội giành chức Vô địch). Tại đây, Hùng được gặp ông Nguyễn Đình Nghĩa - Phó Giám đốc điều hành và Huấn luyện viên thủ môn Nguyễn Xuân Thủy của Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An.

Và chàng sinh viên năm cuối mạnh dạn xin về Câu lạc bộ Bóng đá Sông Lam Nghệ An thực tập. Trong 3 tháng thực tập tại Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An ở cương vị huấn luyện viên thủ môn, Hùng đã tạo được ấn tượng tốt với lãnh đạo và các huấn luyện viên của đội bóng. Tốt nghiệp đại học, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các lãnh đạo Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An, Hùng nộp hồ sơ về đội và được tiếp nhận vào làm Huấn luyện viên tại phòng đào tạo trẻ của Câu lạc bộ từ tháng 8/2007 và giữ cương vị Huấn luyện viên thủ môn các tuyến trẻ Sông Lam Nghệ An đến nay.

Từ thủ môn phong trào trường học, sinh viên, trở thành Huấn luyện viên thủ môn 1 Câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng như Sông Lam Nghệ An đó là điều may mắn và vinh dự đối với tôi. Cuối cùng, ước mơ được vào Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An của tôi đã trở thành hiện thực, mặc dù phải đi đường vòng.

Lê Mạnh Hùng - Huấn luyện viên thủ môn, Câu lạc bộ bóng đá Sông Lam Nghệ An

Cống hiến hết mình cho bóng đá tỉnh nhà

Theo Lê Mạnh Hùng, công tác huấn luyện cầu thủ trẻ có những đặc thù. Đa phần các cầu thủ trẻ của Sông Lam Nghệ An đều đến từ các huyện và ăn ở tập trung; ngoài huấn luyện bóng đá cho các em trên sân, các thầy kiêm luôn quản lý về việc sinh hoạt, học tập của các cháu, vừa đào tạo nghề, vừa chỉ bảo về tư cách đạo đức, tác phong, lối sống...

HLV Lê Mạnh Hùng bên cúp vô địch Giải U15 Quốc gia năm 2022. Ảnh: NVCC.
HLV Lê Mạnh Hùng bên cúp vô địch Giải U15 Quốc gia năm 2022. Ảnh: NVCC.

Còn trong công việc huấn luyện thủ môn, do đối tượng học trò ít hơn các huấn luyện viên khác nên huấn luyện viên cần gần gũi hơn với các em, nắm bắt được tính cách, đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu của các em, đồng thời hiểu được hoàn cảnh gia đình của các em để chia sẻ mọi vấn đề về cuộc sống, sinh hoạt, học tập, cùng phụ huynh động viên các em trong mọi vấn đề để các em cố gắng tập luyện.

Bên cạnh đó, thường xuyên trao đổi và lắng nghe bạn bè đồng nghiệp chia sẻ về huấn luyện, xem các sách báo về huấn luyện, xem các bài tập trên mạng, để rút kinh nghiệm cho mình, tìm tòi, các bài tập hay, các ý kiến hay, chắt lọc lại cho phù hợp với bài tập để huyến luyện cho vận động viên trau dồi từng ngày…

Hùng cũng cho biết, trong hơn 15 năm làm công tác huấn luyện thủ môn, anh đã “tích lũy” được rất nhiều kỷ niệm, vui thì nhiều mà buồn cũng không ít. Nhưng có 2 niềm vui trong đời mà anh luôn nhớ mãi, đó là vào năm 2008 khi giành chức Vô địch giải U17 quốc gia - chiếc cúp vô địch đầu tiên trên cương vị Huấn luyện viên thủ môn.

“Lúc đó tôi làm trợ lý cho Huấn luyện viên Nguyễn Thành Công, trong đội có một lứa cầu thủ tài năng như: Hoàng Thịnh, Phi Sơn, Thế Nhật, Đình Bảo... và đặc biệt là thủ môn Trần Nguyên Mạnh - cầu thủ giành danh hiệu Thủ môn xuất sắc nhất giải”, Hùng cho biết.

Một kỷ niệm đáng nhớ khác của Lê Mạnh Hùng, đó là vào năm 2011, trong một lần tập trên sân Vinh, nhìn sang đội tuyển điền kinh của Trung tâm Đào tạo Thể dục thể thao (nay là Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Nghệ An) đang tập ngoài đường pitch, Hùng ấn tượng bởi chiều cao, sải tay dài của một vận động viên tên là Trần Văn Tiến.

HLV Lê Mạnh Hùng cùng các thủ môn Nguyễn Cảnh Tiệp (số 1), Chu Văn Tấn (số 6) của đội U19 SLNA năm 2022. Ảnh: NVCC.

HLV Lê Mạnh Hùng cùng các thủ môn Nguyễn Cảnh Tiệp (số 1), Chu Văn Tấn (số 6) của đội U19 SLNA năm 2022. Ảnh: NVCC.

Anh gọi Tiến lại rồi nói: “Em có muốn khoác áo Sông Lam Nghệ An không?” và nhận được cái gật đầu của vận động viên này. Sau đó, Lê Mạnh Hùng đề xuất với ban lãnh đạo tuyển thủ môn Trần Văn Tiến, rồi sau đó chứng kiến học trò của mình dần trưởng thành để trở thành thủ môn của đội 1 Sông Lam Nghệ An.

Là thành viên quen thuộc trong ban huấn luyện các đội trẻ Sông Lam Nghệ An tham gia các giải vô địch trẻ quốc gia, đến nay Lê Mạnh Hùng đã có được bộ sưu tập thành tích khá đồ sộ, gồm:

- Cùng U13 vô địch năm 2014, á quân các năm 2015, 2016; cùng U15 vô địch năm 2018, 2022, giải Ba năm 2017;

- Cùng U17 vô địch các năm 2008, 2009, 2020;

- Cùng U19 giành á quân năm 2014, giải Ba năm 2012, 2013, 2022;

- Cùng U21 vô địch năm 2012, á quân năm 2010, giải Ba năm 2011, Huy chương Vàng Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022;

- Cùng U21 Việt Nam vô địch Giải U21 quốc tế Báo Thanh Niên năm 2010, á quân năm 2012…

“Ở các giải trẻ quốc gia, trong các trận bán kết, chung kết phải phân định thắng thua bằng đá luân lưu, khi các học trò của tôi cản phá thành công các quả đá của đối phương, tôi đều rất vui và tự hào.

Đa phần sau các giải đó các học trò của tôi đều giành danh hiệu thủ môn xuất sắc nhất giải như Trần Nguyên Mạnh (Giải U21 năm 2013), Nguyễn Cảnh Tiệp (Giải U15 năm 2018, U17 năm 2020), Chu Văn Tấn (Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022), Nguyễn Văn Bá (Giải U13 năm 2014)…”, Lê Mạnh Hùng chia sẻ.

Với những thành tích trong công tác đào tạo bóng đá trẻ, Lê Mạnh Hùng được nhận Bằng khen của UBND tỉnh vào các năm 2008, 2012, 2018, 2022, 2023.

“Mỗi lần được khen thưởng, tôn vinh là tôi lại cảm thấy tự hào vì nỗ lực của mình được ghi nhận. Nhưng điều tôi cảm thấy tự hào nhất là trong hơn 15 năm qua đã được cống hiến cho đội bóng mà mình hâm mộ từ bé, để huấn luyện và có nhiều học trò xuất sắc đóng góp nhiều công sức cho tỉnh cũng như cho quốc gia.

Tuy vậy, tôi vẫn trăn trở là còn bỏ sót một số tài năng ở những địa phương vùng sâu vùng xa của tỉnh mà mình chưa tiếp cận được. Tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn, nguồn lực tài chính của Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An trong nhiều năm không được dồi dào như nhiều câu lạc bộ khác nên chế độ đãi ngộ cho cầu thủ trẻ còn thấp, dẫn đến nhiều cầu thủ có tố chất đã chọn đầu quân cho các “lò” đào tạo trẻ khác...” - vị huấn luyện viên thủ môn kể với giọng tiếc nuối.

HLV Lê Mạnh Hùng (thứ 3 từ trái sang) làm trọng tài tại Giải bóng đá Thiếu niên Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An. Ảnh: NVCC.
HLV Lê Mạnh Hùng (thứ 3 từ trái sang) làm trọng tài tại Giải bóng đá Thiếu niên Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Là một người năng nổ nên ngoài công việc huấn luyện thủ môn ở Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An, Lê Mạnh Hùng còn tham gia công tác tổ chức, điều hành các giải bóng đá phong trào, làm trọng tài ở các trận bóng đá thuộc Hội khỏe Phù Đổng tỉnh, Giải bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An…

“Dù ở cương vị nào thì tôi luôn mong muốn được cống hiến tất cả tâm huyết, năng lực của mình cho sự phát triển của bóng đá tỉnh nhà, đặc biệt là ở công tác đào tạo bóng đá trẻ”, Lê Mạnh Hùng tâm sự./.

Tin mới