Chuyện nhà báo chơi Facebook: "Không cẩn thận, tai bay vạ gió… chẳng chừa ai"

Đó là ý kiến của blogger Truyền thông Xã hội Nguyễn Ngọc Long xung quanh câu chuyện “nhà báo chơi facebook”.
Sau hàng loạt những thông tin như: cựu Nhà báo Đỗ Hùng bị miễn nhiệm, con bị đuổi học vì mẹ lên facebook chê đồng phục nhà trường xấu… Câu chuyện “chơi facebook” lại càng đáng quan tâm hơn bao giờ hết. Vậy tại sao lại có những chuyện như vậy? Cần phải có nguyên tắc nào để tránh tai bay vạ gió khi chơi facebook? Ngoài ra phải làm sao để việc chơi facebook của nhà báo thành những lợi thế của nhà báo?
Dưới góc nhìn của blogger Truyền thông Xã hội, anh Nguyễn Ngọc Long chia sẻ quan điểm của mình qua cuộc phỏng vấn sau.
Gần đây, vấn đề tham gia mạng xã hội của nhà báo đang rất được quan tâm. Theo anh, việc tham gia mạng xã hội của nhà báo có lợi gì cho công việc của nhà báo?
Việc tham gia mạng xã hội giúp nhà báo đa dạng nguồn tin, mở rộng mạng lưới cộng tác viên, có nhiều gợi ý triển khai đề tài mới, đặc biệt ở mảng đời sống, xã hội, công nghệ và giới trẻ. Đây cũng là kênh hiệu quả để họ quảng bá bài viết của mình, đồng thời lắng nghe ý kiến phản hồi từ độc giả một cách nhanh chóng, đa chiều và trực tiếp. 
1
Ảnh minh họa chơi facebook
Thế còn những rủi ro tiềm ẩn như lộ thân phận, phát ngôn phương hại đến hình ảnh tòa soạn thì sao?
Với những thể loại đặc thù như phóng sự điều tra, mà sự bảo mật là quan trọng thì tôi cho rằng nhà báo phải có sự đề phòng kẻo nguy hiểm đến tính mạng và ảnh hưởng về nghiệp vụ.
Còn việc phương hại đến hình ảnh của tòa soạn thì tôi cho rằng đây là một vấn đề rất chung, của mọi ngành nghề chứ chẳng riêng gì báo chí. Dễ dàng để tìm thấy những cuộc thảo luận kiểu như "Cô giáo mầm non vô tư khoe vòng một", "Bác sĩ bệnh viện X đăng hình hút shisha" hay "Học sinh trường chuyên lên mạng nói xấu cô chủ nhiệm"... Tức là, người ta luôn có xu hướng gắn hình ảnh facebook cá nhân vào với con người trong công việc.
Vậy nên, mỗi người khi tham gia mạng xã hội đều phải ý thức việc này để lường trước mọi rắc rối có thể xảy ra chứ chẳng riêng gì nhà báo. Tai bay vạ gió… chẳng chừa ai.
Mặt khác, người dùng Facebook không được chia sẻ những thông tin nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự của cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức, những thông tin khiêu dâm, đồi trụy hoặc những thông tin có mục đích kích động bạo lực, chống phá Nhà nước… Không được lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, cá nhân khác, hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 258 Bộ luật hình sự.
Theo anh có cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử của Nhà báo, PV khi tham gia mạng xã hội hay không?
Thực ra, đã có lần tôi trả lời phỏng vấn Infonet về việc cần có một bộ quy tắc ứng xử cho tất cả mọi người khi tham gia vào mạng xã hội. Và nhà báo thì càng cần hơn nữa. Chúng ta phải hiểu rằng mạng xã hội cũng là một xã hội thu nhỏ, được biểu thị dưới dạng kỹ thuật số.
Vì đặc trưng như vậy, cái "xã hội" này bị chi phối bởi nhiều luật lệ bao gồm cả luật trong xã hội thật, lẫn luật trong "xã hội ảo". Theo dõi cách thức mọi người sử dụng mạng xã hội, dễ dàng nhận thấy họ chưa ý thức hoặc chưa có ý thức cao với việc này. Có thể ngày hôm nay, sự việc của cựu nhà báo Đỗ Hùng khiến một cộng đồng nào đó giật mình nhìn lại. Họ ồ à với nhau rằng, thôi từ nay đừng mang những chuyện "như thế" lên facebook; chỉ đăng hình đi ăn đi chơi, con mèo, con chó cưng cho lành.
Nhưng thực tế, như vậy có phải đã "lành thật" hay chưa, thì tôi dám cá là nhiều người chưa biết. Tôi lấy thí dụ, nếu một nhà báo đăng tải hình ảnh cạo sạch lông cho một chú chó "cho vui". Thế rồi các hội nhóm hoạt động vì quyền động vật lên án và gây sức ép tới tòa soạn nơi nhà báo này đang làm việc thì phía tòa soạn và nhà báo sẽ ứng xử thế nào? Họ có thấy lúng túng và có tự nhận thức được việc làm như vậy là đúng hay sai? Đúng đến đâu và sai đến đâu hay không?
Bên cạnh đó, một bộ quy tắc ứng xử bổ sung vào thỏa ước lao động tập thể, có giá trị một giao kèo giữa nhà báo và tòa soạn cũng tạo ra một đường biên rõ ràng để cả hai phía cộng tác với nhau tốt hơn, dựa trên việc thấu hiểu rõ ràng cái gì được làm và cái gì không được làm. Như thế, tất cả các bên đều có lợi. 
2
Blogger Truyền thông Xã hội Nguyễn Ngọc Long
Trở lại vấn đề, anh có thấy việc xây dựng thương hiệu cá nhân tốt của nhà báo sẽ khiến cho tờ báo có uy tín hơn, gần người đọc hơn, người đọc thiện cảm hơn không?
Nếu so với báo hình, tức là các kênh truyền hình, thì nhà báo làm báo giấy hay báo điện tử sẽ ít được phủ sóng hình ảnh hơn. Sự hiện diện của họ trước độc giả chỉ gói trong hai ba từ để ký tên, nhiều khi còn viết tắt. 
Với đặc thù như vậy, tôi không cho rằng nhà báo có thể gầy dựng được thương hiệu cá nhân chỉ với việc viết bài thuần túy. Và nếu nhà báo nào đó, vì lý do nào đó, có một thương hiệu cá nhân đủ mạnh, thì cũng phải thay đổi cách thức thể hiện của bài báo mới tạo ra được sự ảnh hưởng nơi người đọc. 
Tôi lấy thí dụ, gần đây có nhiều tòa soạn đưa hình ảnh của nhà báo vào bài viết. Đó là một nỗ lực để "thương hiệu hóa" quy trình làm báo, và nó có tác dụng hai chiều. Nhà báo được biết tới nhiều hơn và tòa soạn cũng gây được hiệu ứng hơn nếu nhà báo có sẵn danh tiếng.
Tuy thế, việc làm báo đã khó, việc xây dựng thương hiệu còn khó gấp nhiều lần. Tất nhiên tôi không có ý so sánh hai lĩnh vực với nhau, mà tôi cho rằng, với một đơn vị có chuyên môn làm báo, thì "thương hiệu" sẽ không phải là chuyên môn của họ. Vì vậy, tôi khuyên nhà báo nên có sự đầu tư nghiêm túc cho việc xây dựng thương hiệu cá nhân, bắt đầu từ sự mày mò học hỏi bằng nhiều cách.
Nếu soi xét sự việc dưới góc độ này, sẽ dễ dàng nhận ra ngay, facebook là một phương tiện cực kỳ hiệu quả để nhà báo xây dựng thương hiệu cá nhân. Vì nhà báo có sự hiện diện nhiều hơn, đa dạng hơn, tích cực hơn trước con mắt của độc giả. Nhưng tất nhiên, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn cách thức "ký tên" dưới bài như truyền thống.
Theo anh, làm thế nào để có được thương hiệu cá nhân nhà báo tốt? Tòa soạn cần tạo điều kiện gì để mỗi nhà báo đều có thể trở thành "đại sứ" của tờ báo?
Tôi thấy lúng túng khi trả lời câu hỏi này vì không biết nói bao nhiêu cho đủ. Thông thường, một khóa học thương hiệu cá nhân tôi tổ chức diễn ra trong 5 ngày liên tiếp. Nên để tóm lược lại trong vài câu thì không hết ý.
Nhưng chung nhất, một thương hiệu cá nhân mạnh vẫn phải đi theo quy trình 3 bước là hoạch định chiến lược thương hiệu, tức tự mô tả hình ảnh mà mình mong muốn có được; sau đó tới việc chuẩn bị các nền tảng kiến thức, sản phẩm và thành tích để hiện thực hóa hình ảnh đã thiết kế; cuối cùng là nỗ lực để truyền thông nó tới càng đông đối tượng công chúng mục tiêu càng tốt.
Trong ba công đoạn này, tòa soạn có thể tham gia rất nhiều vào khâu thứ hai là giúp nhà báo tạo ra các sản phẩm, chính là các bài báo, các tập sách hoặc những bài nghiên cứu. Tòa soạn cũng có thể giúp nhà báo có thành tích thông qua việc đăng ký dự thi các giải thưởng xã hội hoặc nội bộ. Còn trong khâu cuối cùng là truyền thông thì là thế mạnh của các tòa soạn rồi, nên đương nhiên nhà báo cần nỗ lực sử dụng kênh "sẵn có" này để phủ sóng tên tuổi và hình ảnh của mình càng nhiều càng tốt.
Xin cảm ơn anh!

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội): Để tránh những hậu quả đáng tiếc, "tai bay vạ gió" có thể xảy ra khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, người dùng facebook cần phải tránh chia sẻ những thông tin liên quan đến bí mật đời tư, hình ảnh cá nhân của người khác những thông tin liên quan đến nội bộ của cơ quan, tổ chức khi chưa được phép.

Theo Infonet

Tin mới