Con Cuông: Gần 74% lao động xuất khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số

(Baonghean.vn) - Đây là số liệu được UBND huyện Con Cuông cho biết trong cuộc làm việc với đoàn giám sát của Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh về thực hiện các chính sách xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh sáng 21/9.

Bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi
Bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi

Theo báo cáo từ UBND huyện, từ năm 2015 đến nay, toàn huyện có 493 lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài; chủ yếu tại thị trường Đài Loan, Malaysia, Ả rập Xê út và Hàn Quốc.

Qua điều tra của huyện, bình quân thu nhập của người lao động là 8 - 10 triệu đồng/tháng và thị trường Hàn Quốc là 18 - 25 triệu đồng/tháng.

Công tác xuất khẩu góp phần cao đời sống của người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số với 363/493 lao động ở nước ngoài là người dân tộc thiểu số, chiếm 73,63%.

Bên cạnh số lao động đi theo hợp đồng chính thống thì trên địa bàn Con Cuông hiện có hơn 300 lao động đi lao động tự do tại Lào, Trung Quốc, Thái Lan...

Tuy nhiên, từ 2015 đến nay, trong tổng số 493 lao động đi xuất khẩu; trong đó có 363 đồng bào dân tộc thiểu số và 109 lao động thuộc diện hộ nghèo thì mới chỉ có có 46 lao động được thụ hưởng chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, cận nghèo xuất khẩu theo các chính sách của Trung ương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kha Thi Tím giải trình một số vấn đề đoàn quan tâm. Ảnh: Minh Chi
Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Kha Thị Tím giải trình một số vấn đề đoàn quan tâm. Ảnh: Minh Chi

Sau khi nghe UBND huyện báo cáo, các thành viên đoàn giám sát nêu nhiều vấn đề băn khoăn và yêu cầu UBND huyện và các xã làm rõ.

Đó là công tác quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp đối với công tác xuất khẩu lao động khi có nhiều lao động đi tự do; người của doanh nghiệp không về trực tiếp tuyển dụng mà sử dụng người địa phương; không thực hiện đầy đủ yêu cầu tuyển dụng như đưa người đi làm thủ tục trước mới thông qua địa phương xác nhận các giấy tờ, làm không đúng ngành nghề được cam kết ban đầu...

Đó còn là việc thực hiện các cơ chế, chính sách của các cấp trong xuất khẩu lao động cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, cận nghèo còn hạn chế. Số lượng  xuất khẩu lao động đang có chiều hướng chững lại...

Trên cơ sở ghi nhận những khó khăn, hạn chế và những kiến nghị của địa phương, bà Nguyễn Thị Lan  -Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đề nghị UBND huyện Con Cuông và các xã tiếp tục tăng cường công tác quản lý xuất khẩu lao động; rà soát và đẩy mạnh tuyên truyền cũng như ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện các cơ chế, chính sách xuất khẩu lao động trong cán bộ và các đối tượng được thụ hưởng; đồng thời tuyên truyền để hạn chế rủi ro cho người lao động khi tham gia xuất khẩu lao động tự do.

Bà Lan cũng đề nghị huyện và xã chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm thời phát hiện những khó khăn, bất cập, vướng mắc và sai phạm ở cơ sở để giải quyết, xử lý kịp thời, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động./.

Minh Chi 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới