Còn nhiều 'lỗ hổng' trong việc xác nhận thủ tục bảo vệ môi trường

(Baonghean) - Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Kế hoạch bảo vệ môi trường là công cụ kiểm soát ô nhiễm môi trường hiệu quả trong điều kiện chất lượng thẩm định và hậu kiểm từ phía cơ quan chức năng; đạo đức và ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp tốt. Tuy nhiên, thực tiễn đang đặt ra nhiều tồn tại, bất cập cần có giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.
Gắn thẩm định với giám sát, kiểm tra 
Theo quy định của pháp luật, các dự án, cơ sở sản xuất đều phải xây dựng và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường (KHBVMT), hay đề án bảo vệ môi trường (ĐABVMT) - gọi tắt là thủ tục môi trường (tùy theo quy mô dự án để làm ĐTM hoặc KHBVMT, hay ĐABVMT) trước khi đầu tư xây dựng và các trách nhiệm BVMT trong quá trình hoạt động. 
Hoạt đông chế biến đá ở các doanh nghiệp tại Quỳ Hợp đang gây ô nhiễm môi trường
Hoạt đông chế biến đá ở các doanh nghiệp tại Quỳ Hợp đang gây ô nhiễm môi trường
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh, tùy theo quy mô, tính chất, khu vực sản xuất của các dự án, cơ sở để phân cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thủ tục môi trường, gồm  Trung ương, cấp tỉnh (Hội đồng thẩm định của tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam) và cấp huyện. Theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, công tác thẩm định thủ tục môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng được các cấp quan tâm, có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng thẩm định, đảm bảo đúng quy trình, quy định.
Bên cạnh việc xem xét kỹ các hồ sơ thủ tục theo đúng quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng còn tăng cường khảo sát thực địa, nắm bắt và phân tích rõ hiện trường khu vực dự án để có phương án khả thi trong giảm thiểu tác động xấu đến môi trường của dự án, mời các chuyên gia về môi trường và lĩnh vực liên quan dự án để tham gia hội đồng thẩm định. Kết quả thẩm định của tất cả các báo cáo đánh giá tác động môi trường là thẩm định lại hoặc thông qua sau khi chỉnh sửa, bổ sung. Cơ quan thường trực thẩm định không xem nhẹ việc rà soát chỉnh sửa, bổ sung các thủ tục môi trường của chủ đầu tư theo Kết luận của chủ tịch Hội đồng tại phiên họp thẩm định.
Từ năm 2010 đến nay, cấp tỉnh đã thẩm định 504 báo cáo ĐTM; 77 đề án BVMT chi tiết. Riêng năm 2016 là 75 báo cáo ĐTM; 14 đề án BVMT chi tiết; 9 kế hoạch bảo vệ môi trường. Ở cấp huyện, trong năm 2016 đã xác nhận đăng ký kế hoạch BVMT cho 85 dự án và 53 đề án BVMT.
Gắn với công tác thẩm định, các cấp chú trọng và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát sau phê duyệt các thủ tục môi trường. Việc thanh tra, kiểm tra được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung chủ yếu vào các cơ sở có nguy cơ gây ÔNMT; những cơ sở thuộc danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT); những cơ sở có phản ánh của nhân dân, các cơ quan báo chí hoặc đề xuất của chính quyền các địa phương.
Trong vòng 5 năm lại đây, các cơ quan chức năng cấp tỉnh đã thành lập 34 đoàn kiểm tra định kỳ đối với 541 dự án, cơ sở sản xuất; 143 cơ sở được kiểm tra đột xuất. Ngoài ra, trong 3 năm 2014 – 2016, các cơ quan chức năng cấp tỉnh đã thành lập 37 đoàn thanh tra đối với 234 tổ chức; ban hành 76 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 76 cơ sở vi phạm về BVMT. Cấp huyện tổ chức được hơn 297 đợt kiểm tra về việc tổ chức thực hiện các biện pháp BVMT theo cam kết BVMT đã được xác nhận. 
Vẫn còn dự án “bỏ qua” ĐTM
Quá trình tìm hiểu thực tiễn cho thấy, mặc dù cơ quan quản lý đã thực hiện tốt công tác thẩm định gắn với giám sát kiểm tra nhưng nhận thức của chủ đầu tư trong công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, nên hầu hết các dự án đi vào vận hành mà chưa có các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường hoặc có nhưng không đảm bảo đạt yêu cầu của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; chưa lập hồ sơ báo cáo hoàn thành công trình bảo vệ môi trường gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Khu kinh tế Đông Nam để được kiểm tra, xem xét và cấp giấy xác nhận. 
Liên quan đến chất lượng thẩm định, ông Võ Văn Hồng – chuyên gia môi trường và cũng là một trong những thành viên trong Hội đồng thẩm định của tỉnh, khẳng định: Các dự án đầu tư làm báo cáo ĐTM hay KHBVMT do Hội đồng thẩm định của tỉnh thẩm định, phê duyệt đảm bảo đúng quy trình, bài bản, chặt chẽ và chất lượng. Tuy nhiên, rủi ro nhất là ở khoảng cách giữa làm báo cáo ĐTM, kế hoạch hay đề án theo quy định của luật là rất ngắn. Điều này dẫn đến các chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp lợi dụng và lách luật để không bị Hội đồng thẩm định cấp tỉnh “soi, chiếu”. 
Đề cập ở góc độ khác, ông Hồ Sỹ Dũng - Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh thẳng thắn thừa nhận: Việc chủ đầu tư thực hiện các thủ tục môi trường vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều trường hợp chủ đầu tư, chủ dự án giao khoán, phó mặc cho đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư và thủ tục môi trường, xem thủ tục môi trường như một thủ tục “phụ” để được thông qua, phê duyệt dự án, nên nội dung trong dự án đầu tư còn sai khác so với triển khai trong thực tế. 
Nước thải từ cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ở Diễn Ngọc,Diễn Châu, ảnh tư liệu
Nước thải từ cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ở Diễn Ngọc,Diễn Châu, ảnh tư liệu
Ông Hồ Sỹ Dũng, khẳng định: Thủ tục môi trường là công cụ dự báo quản lý nhà nước về môi trường ngay từ khâu vào của dự án. Nếu các dự án có thiết bị công nghệ hiện đại thì đi kèm là công nghệ xử lý chất thải tốt. Tuy nhiên, có tình trạng một số chủ đầu tư khi làm dự án chỉ là dự án “vẽ”, kèm theo đó cũng là công nghệ “vẽ” trên giấy, còn thực tiễn lắp đặt thiết bị gia công, chắp vá là nguy cơ gây ÔNMT. Cũng có doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại và hệ thống xử lý chất thải theo nội dung thủ tục môi trường được phê duyệt nhưng vì lợi nhuận mà không vận hành thường xuyên. 
Tình trạng dự án, doanh nghiệp đi vào hoạt động trước, sau đó mới hoàn thiện thủ tục môi trường vẫn còn diễn ra. Chủ đầu tư thường không lập lại thủ tục môi trường trước khi nâng công suất, quy mô sản xuất và chỉ khi cơ quan quản lý kiểm tra phát hiện và yêu cầu thì các cơ sở này mới làm thủ tục môi trường lại. Vẫn có một số trường hợp chây ì chưa thực hiện.
Không đánh đổi môi trường lấy đầu tư
Theo nhiều ý kiến, cần tập trung nâng cao năng lực thẩm định, phê duyệt thủ tục môi trường ở các cấp, nhất là cấp huyện. Bởi thực tế năng lực ở cấp huyện thiếu cán bộ chuyên môn thẩm định, dẫn đến nhiều thủ tục môi trường kém chất lượng. Có ý kiến nêu rằng “nhìn vào bản thủ tục môi trường mà không thấy doanh nghiệp phải làm gì để BVMT”; đây chính là loại hình gây phát sinh ÔNMT nhiều nhất thời gian qua trên địa bàn tỉnh.
Thực trạng được nhiều địa phương thừa nhận và đang có những giải pháp để khắc phục. Đơn cử như huyện Diễn Châu, theo cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, UBND huyện đang chỉ đạo rà soát toàn diện tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh để yêu cầu bổ sung, làm lại thủ tục môi trường đối với các cơ sở chưa đảm bảo và kiến nghị các cơ quan chức năng phê duyệt, xác nhận đối với các cơ sở chưa có thủ tục môi trường.
Ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu), hoạt động từ các cơ sỏ chế biến hải sản đang gây ô nhiễm môi trường.
Ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu), hoạt động từ các cơ sỏ chế biến hải sản đang gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải tăng cường phối hợp, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các chủ đầu tư không chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Theo quy định, các dự án khi đi vào đầu tư xây dựng phải niêm yết công khai Kế hoạch quản lý môi trường tại UBND cấp xã nơi triển khai dự án để chính quyền địa phương và nhân dân theo dõi, giám sát. Quá trình xây dựng, lắp đặt dây chuyền, thiết bị cho đến thu gom, xử lý các chất thải cũng phải được giám sát của các cấp ngành. Trong thời gian qua, khâu này còn hạn chế dẫn đến có những dự án nhiều hạng mục không được thực hiện hoặc thực hiện, không đúng theo phê duyệt, xác nhận trong thủ tục môi trường. 
“Khi việc giám sát không được thực hiện một cách bài bản thì dễ xảy ra sự đối phó của chủ đầu tư trong lắp đặt, có khi là xây dựng ống ngầm xả thải không qua xử lý ra môi trường mà không kiểm soát được, khi xảy ra phát thải thì cũng không có cách mà kiểm tra” - ông Võ Văn Hồng, chuyên gia môi trường bày tỏ lo lắng. 
Hiện nay, muốn hậu kiểm tốt thì phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý nhà nước từ phía các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nhằm giảm phiền hà cho doanh nghiệp, quy định của UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, mỗi năm thanh tra, kiểm tra đối với các dự án, cơ sở sản xuất không quá 1 lần; đây là quy định thật sự đang “trói” công cụ quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Vậy bằng cách nào để giám sát, kiểm tra, đôn đốc các dự án chấp hành các quy định về BVMT?  Đây là vấn đề tỉnh cần nghiên cứu để tháo gỡ, nhằm xây dựng một cơ chế giám sát chặt chẽ, thường xuyên và gắn trách nhiệm thật sự của các cấp, các ngành, của doanh nghiệp cũng như toàn xã hội. Đồng thời, cần có sự thống nhất từ tư duy đến hành động, kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy dự án, từ đó có thái độ kiên quyết đối với các dự án chưa làm cam kết BVMT, kể cả dự án có thủ tục môi trường nhưng chưa chấp hành đầy đủ đúng theo phê duyệt, và các dự án mới đầu tư yêu cầu phải chấp hành nghiêm túc từ làm hồ sơ thủ tục về môi trường đến khâu triển khai xây dựng, vận hành hoạt động của dự án. 
Từ năm 2003, trên địa bàn tỉnh có 42 cơ sở nằm trong danh sách cơ sở ÔNMTNT; 35 cơ sở nằm trong danh sách cơ sở gây ÔNMT. Đến thời điểm này đã có 15 cơ sở ÔNMTNT và 10 cơ sở ÔNMT hoàn thành xử lý triệt để hoặc di dời hay dừng hoạt động. Còn lại 27 cơ sở ÔNMTNT và 25 cơ sở ÔNMT đang tiếp tục triển khai các biện pháp xử lý, khắc phục ÔNMT.
Mai Hoa
TIN LIÊN QUAN

Tin mới