Công chúa bong bóng

(Baonghean) - Hội bạn mình dạo này nói chuyện như gà con, mở miệng ra là “Chip”, “Chip”. Hỏi thì được chúng nó dí vào tay hai quyển sách của tác giả Huyền Chip, bảo là đọc rồi khắc biết. Mình đọc thử, thấy cũng... bình thường!
- Bình thường là bình thường thế nào! Cậu không thấy một cô gái hai mươi mấy tuổi, một mình đi qua 25 nước chỉ với số tiền ít ỏi trong tay là điều gần như không tưởng à? 
- Mình thì thấy quyển sách này chỉ tạo ảnh hưởng xấu đến người đọc, nhất là giới trẻ. Thứ nhất, Huyền Chip có tư tưởng đi đến đâu là tìm cách trốn vé, chui vé đến đấy, rõ là làm xấu hình ảnh người Việt Nam ở nước ngoài. Vả chăng, có gì tự hào khi tuyên bố “Tôi đi du lịch giá rẻ nhờ lậu vé”? Nếu thế thì chúng ta nên khuyến khích những người vượt biên trái phép viết sách về phương thức “đi du lịch” của họ, đảm bảo ít tốn kém hơn Huyền Chip nhiều! 
- Chỉ là cái vé tham quan du lịch, có cần phải làm quá lên đến thế không?
- Mình còn chưa nói đến cái tư tưởng chủ đạo của cuốn sách đấy nhé! “Xách ba lô lên và đi”, hết sức liều lĩnh, hết sức nông cạn, đến mức đáng nghi ngờ về độ tin cậy của chính tác giả! Lại nhớ đến trào lưu đi phượt của giới trẻ: từng đoàn xe máy dắt díu rồng rắn đi, ăn, ngủ trên đường, nguy hiểm biết bao! Có bố mẹ nào không lo lắng khi biết con mình đi phượt? Thế mà Huyền Chip lại “to gan” đi phượt tận châu Âu, châu Mỹ, châu Phi mà chẳng chuẩn bị gì ngoài “xách ba lô lên và đi”. Nếu giới trẻ tiếp cận với tư tưởng tự do đến thái quá như thế này, có phải là rất đáng nghi ngại không?
Mình im lặng ngồi nghe hội bạn bàn tán, cãi cọ chí choé, cảm thấy có chút... lãnh đạm. Trước tiên, phải thừa nhận là mình đồng tình với ý kiến phê bình Huyền Chip có những hành vi vi phạm pháp luật, quy định của các nước em đặt chân đến. Nhưng thú thực là nếu anh bạn mình không nói ra thì mình cũng “nhắm mắt làm ngơ” vì những chi tiết ấy nhỏ quá! Hay vì chính bản thân mình cũng không ít lần có những hành vi tương tự, tặc lưỡi chui qua cửa soát vé ở bến tàu điện ngầm để rồi nơm nớp lo gặp người soát vé? Thừa nhận đi, có phải bạn từng ít nhất một lần chạy xe khi đèn đỏ, lấy lý do là đường vắng và không thấy bóng dáng công an giao thông? Nhưng sự thật là kể cả khi bạn tặc lưỡi thực hiện những hành vi trên, trong thâm tâm bạn vẫn biết việc mình làm là sai, khoe khoang với mọi người thì hầu như rất ít và cổ xuý, tung hô, vận động mọi người làm theo, hẳn là không bao giờ.
Vấn đề của Huyền Chip chính là ở chỗ, em hồn nhiên làm sai, hồn nhiên kể lại và lại lấy đó làm tự hào. Mình có đọc trên mạng một ý kiến bảo vệ Huyền Chip rằng có cần thiết phải làm quá lên chỉ vì những điều nhỏ nhặt? Từ bao giờ chúng ta tự cho mình cái quyền không chấp hành những điều luật được xem là không quan trọng? Vậy thì điều luật nào mới là quan trọng? Nguy hiểm ở chỗ có lần một thì có lần hai, lần ba, đầu tiên chỉ là vi phạm một điều luật “nhỏ”, hành vi vi phạm nếu không được nhắc nhở, sửa chữa sẽ làm bàn đạp cho những vi phạm còn nghiêm trọng hơn. 
Nhưng có nên tẩy chay, thậm chí là cấm đoán sách của Huyền Chip? Sẽ là bất công vì những đầu sách “độc hại” bây giờ nhiều vô kể, cấm làm sao hết? Hơn nữa, liệu việc cách li, sàng lọc tuyệt đối môi trường của chúng ta khỏi những tác nhân xấu có giúp chúng ta sống tốt hơn, lành mạnh hơn không? Chợt nhớ đến nguyên lí của việc tiêm vắc xin: để tạo miễn dịch với một nguồn bệnh, ta cho cơ thể tiếp cận với nguồn bệnh đã bị làm suy yếu để tạo phản ứng, “ghi nhớ” cơ chế “phòng vệ”. Để thấy rằng, những tác nhân xấu không hoàn toàn xấu: có cái xấu để ta biết không phải điều gì cũng đáng tin, đáng yêu trong cuộc sống. Nếu được bao bọc bởi màng vô trùng, có phải hệ miễn dịch của ta sẽ tiêu biến dần để rồi một ngày kia khi lớp bảo vệ vỡ “bóc” như bong bóng xà phòng, ta sẽ ngã gục dễ dàng trước cái xấu? Và mình buột miệng: “Có ai làm công chúa bong bóng mãi được đâu?”.
Hải Triều (Email từ Paris)

Tin mới