Công ty CP Xi măng Hoàng Mai cần thực hiện đúng quy định của Luật Khoáng sản

(Baonghean) Sau khi nhận được đơn của 9 doanh nghiệp sản xuất, khai thác vật liệu xây dựng trên địa bàn Quỳnh Lưu kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc khai thác, chế biến và bán đá xây dựng tại Công ty CP Xi măng Hoàng Mai, ngày 1/6, Báo Nghệ An đã có Văn bản số 256/PC.BĐ.BNA chuyển đến Sở Tài Nguyên & Môi trường, Sở Xây dựng và Sở Công thương kiểm tra, xử lý.

Ngày 21/6/2012, sau khi phối hợp với Sở Xây dựng, UBND huyện Quỳnh Lưu và UBND Thị trấn Hoàng Mai tiến hành kiểm tra hồ sơ thủ tục pháp lý và thực địa khu vực khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của Công ty CP Xi măng Hoàng Mai, Sở Tài nguyên & Môi trường có Văn bản số 1824/STNMT báo cáo UBND tỉnh và trả lời Báo Nghệ An như sau:

Về hồ sơ thủ tục pháp lý, Công ty CP Xi măng Hoàng Mai là đơn vị của Tổng công ty CN Xi măng Việt Nam, được Bộ Công nghiệp cấp giấy phép khai thác mở số 1099 ngày 24/10/1995, diện tích cấp phép 144,5 ha, trữ lượng mỏ 125,6 triệu tấn, công suất khai thác 1,8 triệu tấn/năm, thời hạn 50 năm. Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng được Chính phủ phê duyệt và được Bộ Khoa học Công nghệ & Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) năm 1996.

Thực địa mỏ và khu vực chế biến: Hiện nay, công ty đang tổ chức khai thác khoáng sản được cấp giấy phép khai thác mỏ, theo báo cáo của công ty, quá trình khai thác khoáng sản, công ty đã thực hiện phân loại đá vôi, đối với những tập đá vôi chất lượng không đáp ứng yêu cầu để sản xuất xi măng thì thực hiện chế biến thành đá làm vật liệu xây dựng thông thường. Hiện nay, Công ty xi măng đã đầu tư lắp đặt 2 dây chuyền chế biến đá xây dựng thông thường với công suất 240 m3/giờ, trong đó dây chuyền 1 đi vào hoạt động từ tháng 6/2011 và dây chuyền 2 hoạt động từ tháng 11/2011. Tại thời điểm kiểm tra, công ty đang tạm dừng việc chế biến đá.

Việc lắp đặt dây chuyền theo báo cáo của công ty là có chủ trương của Đảng ủy, Hội đồng quản trị tổng công ty và Hội đồng quản trị công ty cũng ban hành nghị quyết phê duyệt dự án xây dựng 2 dây chuyền chế biến đá xây dựng, công suất 120 m3/giờ/dây chuyền. Kết quả kiểm tra tài liệu thăm dò, thiết kế kỹ thuật, báo cáo đánh giá tác động môi trường cho thấy, khu vực mỏ có đá phi nguyên liệu là các thấu kính, các lớp kẹp đá vôi chứa dolomit kéo dài, nơi dày nhất là T1 thay đổi từ 20m đến 160m, thành phần hóa học cơ bản là đá phi nguyên liệu.

Theo thuyết minh tổng hợp thiết kế kỹ thuật tháng 11/1998, đánh giá chiều dày các lớp kẹp thay đổi từ 3m đến 15m, số lượng kẹp tăng dần về phía Nam mỏ, giữa mỏ kẹp lớn nhất cắt ngay, chiều dày thay đổi từ 20m đến 160m; nơi dày nhất ở phía Đông mỏ hiện thuộc Xí nghiệp đá Hoàng Mai (thuộc Liên hiệp Đường sắt Việt Nam) quản lý; đồng thời tính toán lượng đá kẹp (vôi) trung bình 75.000 m3/năm, riêng khu vực phía Nam mỏ khối lượng đá vôi chuyển ra bãi thải trung bình 180.000 m3/năm. Đặc điểm đá vôi có cường độ kháng nén trung bình, sử dụng tốt làm vật liệu xây dựng giao thông thủy lợi nên có thể khai thác, tận dụng. Tuy nhiên, báo cáo ĐTM của công ty mới chỉ đánh giá đến hoạt động xây dựng, khai thác mỏ và sản xuất xi măng, chưa đánh giá đến hoạt động chế biến đá phi nguyên liệu.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đối chiếu với quy định của Luật Khoáng sản, việc Công ty Xi măng Hoàng Mai thực hiện tận thu đá phi nguyên liệu để chế biến thành đá vật liệu xây dựng thông thường là phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công ty chưa thực hiện báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; chưa thực hiện lập bổ sung đề án bảo vệ môi trường khi lắp đặt 2 dây chuyền chế biến đá. Bên cạnh đó, Công ty Xi măng Hoàng Mai còn tổ chức bán đá với giá thấp hơn so với một số doanh nghiệp khác trên địa bàn là có thật nên cần được xem xét, xử lý.

Căn cứ quy định của Luật Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty Xi măng Hoàng Mai báo cáo kết quả khai thác, chế biến khoáng sản cho cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010; đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước khi chế biến đá làm vật liệu xây dựng; lập bổ sung đề án bảo vệ môi trường hoạt động chế biến đá phi nguyên liệu; báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất Khoáng sản để được hướng dẫn, xử lý giấy phép khai thác khoáng sản theo đúng quy định của Luật Khoáng sản; chỉ đạo cơ quan quản lý giá địa phương xem xét giá bán đá xây dựng thông thường trên địa bàn Quỳnh Lưu để yêu cầu Công ty Xi măng Hoàng Mai điều chỉnh theo hướng đảm bảo cạnh tranh lành mạnh theo Luật Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất vật liệu trên địa bàn.

N.H

Tin mới