'Dân vận khéo' phải đảm bảo quyền lợi của người dân và giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Đó là nhấn mạnh của đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy tại cuộc họp Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phong trào "Dân vận khéo" tỉnh Nghệ An.

bna_ MH11.jpg
Sáng 19/12, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh tổ chức cuộc họp đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào năm 2023 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh chủ trì cuộc họp. Ảnh: Mai Hoa

Cùng tham dự cuộc họp có các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ: Ngọc Kim Nam - Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh; Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh; Nguyễn Thị Kim Chi - Bí thư Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh; cùng lãnh đạo một số ngành, đoàn thể, cơ quan cấp tỉnh.

Xây dựng 3.340 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”

Năm 2023, các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với nhiều điểm sáng, cách làm hay, hiệu quả.

bna_ MH6.jpg
Thượng tá Đinh Trọng Dung - Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh nêu những nội dung xây dựng các mô hình "Dân vận khéo", nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật trong học sinh. Ảnh: Mai Hoa

Các cấp uỷ tiếp tục chỉ đạo củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên ban chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Trong năm, toàn tỉnh xây dựng 145 điểm sáng về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và 127 điểm sáng dân vận chính quyền; ban hành cuốn sách “Một số điểm sáng về công tác dân vận chính quyền và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Nghệ An”.

Các cấp cũng đã xây dựng mới 3.340 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; góp phần thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.

bna_ MH5.jpg
Đồng chí Trần Văn Hùng - Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An nêu sự quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lan toả các mô hình, điển hình "Dân vận khéo". Ảnh: Mai Hoa

Lần đầu tiên, Nghệ An tổ chức cuộc thi báo chí viết về mô hình, điển hình "Dân vận khéo" tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2023; thu hút 178 tác phẩm tham gia dự thi, trong đó có 44 tác phẩm được trao giải, góp phần lan toả các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong toàn tỉnh, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong trào “Dân vận khéo” lên một cấp độ cao hơn.

bna_ MH.jpg
Đồng chí Ngọc Kim Nam - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh nêu một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Ảnh: Mai Hoa

Tại cuộc họp, các thành viên trong Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh trao đổi nhiều vấn đề cần tập trung đẩy mạnh công tác “Dân vận khéo” trong năm 2024. Như “Dân vận khéo” nâng cao hiểu biết, chấp hành pháp luật; hiểu biết và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc trong học sinh, thanh niên.

bna_MH2.jpg
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh nêu trăn trở đẩy mạnh phong trào "Dân vận khéo" trong cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ chính trị. Ảnh: Mai Hoa

Hay “Dân vận khéo” trong bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hoá, bài trừ các hủ tục, tôn giáo lạ trong đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình, dự án và thực hiện nông thôn mới; công tác bảo vệ môi trường; giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, những điều đảng viên không được làm, thực hiện quy chế dân chủ trong cán bộ, công chức, đảng viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra…

bna_ MH4.jpg
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phong trào "Dân vận khéo tỉnh cho rằng, phong trào "Dân vận khéo" cần tăng cường phối hợp để tạo ra các mô hình trong giải quyết các vấn đề khó như giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường. Ảnh: Mai Hoa

Chú trọng mô hình “Dân vận khéo” có tính lan toả lớn

Kết luận tại cuộc họp, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh Nghệ An đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo và các thành viên ban chỉ đạo trong thực hiện các chủ trương, yêu cầu nhiệm vụ công tác. Các cấp, ngành, địa phương đã chủ động tham mưu, triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” với nhiều nội dung sáng tạo, huy động cả hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, người dân vào cuộc, góp phần tác động tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế cần tiếp tục trăn trở, đề ra các giải pháp khắc phục có hiệu quả; nhất là cần nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” có quy mô, tầm ảnh hưởng lớn.

bna_ MH8.jpg
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh nhấn mạnh yêu cầu lựa chọn mô hình “Dân vận khéo” có tính lan toả lớn đến người dân và xã hội để nhân rộng. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh: Năm 2024, dự báo có nhiều khó khăn; trong khi đó, đây là năm yêu cầu tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Đồng thời chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, bởi vậy các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác dân vận, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ cũng nêu quan điểm, tư tưởng chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo” cần phải đảm bảo hài hoà, trong đó cần lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân về các chủ trương, nhiệm vụ, phong trào “Dân vận khéo”; đồng thời quan tâm tiếp thu các sáng kiến từ cơ sở, giúp người dân hiểu được quyền lợi và trách nhiệm để tham gia. Phong trào “Dân vận khéo” phải lấy việc đảm bảo quyền lợi của người dân làm thước đo; từ đó, chia sẻ và giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhằm tập trung lực lượng toàn dân, tạo sức mạnh đoàn kết, sự đồng thuận thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Về nhiệm vụ cụ thể trong năm 2024, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Nghĩa Hiếu yêu cầu các cấp, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với thực hiện có hiệu quả chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết số 39, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng các cấp.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai sâu rộng, thiết thực, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tăng cường xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình "Dân vận khéo" có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, huy động cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân làm công tác dân vận; trong đó quan tâm đổi mới công tác dân vận, xây dựng mô hình “Dân vận khéo” vùng đặc thù, trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, trong các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, trường học./.

Tin mới