Dấu ấn lịch sử qua bộ sưu tập tiền cổ

(Baonghean) - Trong gần 20 ngàn hiện vật đang được lưu giữ tại kho Bảo tàng Nghệ An có rất nhiều sưu tập hiện vật có giá trị, trong đó có bộ sưu tập đồng tiền cổ Việt Nam - Trung Quốc. Lịch sử hình thành và phát triển của đồng tiền cổ gắn liền với tiến trình lịch sử của dân tộc, góp phần phản ánh tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của từng thời kỳ lịch sử và dấu ấn của các triều đại.

Bộ sưu tập tiền cổ tại Bảo tàng Nghệ An với 61 loại đồng tiền Trung Quốc và 48 loại đồng tiền Việt Nam, tổng số lên gần 4000 đồng tiền cổ.

Trung Quốc là một quốc gia có lịch sử văn hóa lâu đời, có một nền kinh tế hàng hóa - tiền tệ phát triển rất sớm và có ảnh hướng đến Việt Nam. Với tiền cổ Trung Quốc thì tiền "Ngũ Thù" thời nhà Hán trong sưu tập tiền cổ tại Bảo tàng Nghệ An được xem là một trong những loại tiền cổ nhất, tiếp theo tiền nhà Đường có "Khai Nguyên thông bảo" và "Đường Quốc thông bảo". Nếu như thời nhà Đường và nhà Nguyên chỉ có vài loại tiền thì đến nhà Tống có tới hàng chục loại như: Hoàng Tống thông bảo, Thánh Tống thông bảo, Tống Nguyên thông bảo... Đến đời nhà Minh trong bộ sưu tập tại Bảo tàng cũng có tới 7 loại, nhà Thanh có 6 loại.

Tiền thưởng thời Minh Mệnh “Quốc thái, dân an, phong điều, vũ thuận”

Tiền Thái Bình Hưng Bảo, thời nhà Đinh (Vua Đinh Tiên Hoàng).

Tiền Thuận Thiên Nguyên Bảo, thời nhà Lê (Vua Lê Thái Tổ).

Tiền thưởng “Phú Quý Thọ Ninh” thời nhà Thanh.

Đồng tiền Ngũ Thù, thời nhà Hán -Trung Quốc.

Vào thời điểm đồng tiền "Ngũ Thù" có mặt ở nước ta cũng là thời điểm nước ta đang chìm đắm trong nghìn năm Bắc thuộc. Sự có mặt của người Trung Quốc ở Việt Nam đã kéo theo sự giao lưu, trao đổi và buôn bán giữa cư dân hai nước. Chính vì thế, từ tiền "Ngũ Thù" đến tiền "Càn Long" đều có mặt ở Việt Nam là điều dễ hiểu.

Nếu như tiền "Ngũ Thù" là loại tiền cổ nhất của Trung Quốc, thì tiền "Thái Bình hưng bảo" thời vua Đinh Tiên Hoàng và "Thiên Phúc trấn bảo" thời Lê Hoàn là đồng tiền cổ nhất của Việt Nam. Trong đó, tiền "Thái Bình hưng bảo" có nhiều điểm giống với tiền thời Ngũ Đại (Trung Quốc). Chữ "hưng" trong tiền "Thái Bình hưng bảo" là điểm sáng của tiền Việt Nam. Vì, hầu hết các loại tiền Trung Quốc đều ghi chữ "thông bảo", "nguyên bảo", "trọng bảo"; mặt khác lưng tiền "Thái Bình hưng bảo" còn có đúc chữ "Đinh'' với ý nghĩa là loại tiền này do nhà Đinh - Đinh Tiên Hoàng đúc với niên đại "Thái Bình". Còn tiền "Thiên Phúc trấn bảo" lưng tiền có đúc chữ "Lê" (cũng có loại lưng tiền để trơn) với ý nghĩa loại tiền này do nhà Lê - Lê Hoàn đúc với niên hiệu "Thiên Phúc" (980-988).

Sang thời Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Nguyễn đều có rất nhiều loại tiền với số lượng lên tới hàng chục loại. Với nhà Lý, đồng "Thuận Thiên đại bảo" ra đời đã đánh dấu một kỷ nguyên mới của nước Đại Việt - kỷ nguyên độc lập tự chủ, xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền, thoát khỏi vòng kìm tỏa của các thế lực phong kiến phương Bắc. Nhà sử học Phan Huy Chú trong bộ sách “Lịch triều hiến chương loại chí” đầu thế kỷ XIX đã cho rằng “Các đồng tiền kim loại của Việt Nam phát hành từ thời Lý đến thời Lê Trung Hưng đã đạt đến trình độ khu vực, có thể sánh ngang với đồng "Khai Nguyên thông bảo" của nhà Đường-Trung Quốc”. Là biểu tượng của vương triều nhà Lý, đồng "Thuận Thiên đại bảo" còn chứa đựng trong nó nhiều ý nghĩa mỹ học, được các nhà sưu tầm tiền cổ đương thời đánh giá cao về vẻ đẹp tinh tế cùng chất liệu bền, dẻo dai, trường tồn qua năm tháng.

Còn theo Lê Quý Đôn, đồng tiền "Thuận Thiên nguyên bảo" của vua Lê Thái Tổ và đồng tiền "Hồng Đức thông bảo" thời vua Lê Thánh Tông được xem là đồng tiền đẹp nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Hình đồng tiền xinh xắn, tròn trịa, lỗ vuông sắc cạnh, chữ nét, rõ. Có thể nói, chất lượng đúc loại đồng tiền này khá tốt, nét chữ thể hiện rất đẹp không thua kém tiền đồng Trung Quốc.

Từ đồng tiền Trung Quốc đầu tiên "Ngũ thù" nhà Hán đến đồng tiền "Càn Long thông bảo" thời nhà Thanh; từ đồng tiền Việt Nam đầu tiên "Thái Bình hưng bảo" thời vua Đinh Tiên Hoàng cho đến "Bảo Đại thông bảo" thời nhà Nguyễn, đơn vị tiện tệ cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam, bộ sưu tập đồng tiền cổ tại Bảo tàng Nghệ An phần nào tái hiện lại lịch sử phát triển của dân tộc Việt nam. Ẩn trong hình ảnh những đồng tiền cổ là lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta hơn 1000 năm qua.

Nguyễn Thị Vân (Bảo tàng Nghệ An)

Tin mới