Đấu tranh, ngăn chặn tội phạm tham ô tài sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Tội tham ô tài sản là loại tội phạm điển hình trong nhóm tội tham nhũng. Ở Nghệ An thời gian qua, đã có một số cán bộ, công chức bị bắt giam, khởi tố về tội tham ô tài sản, trở thành những “tấm gương mờ” đối với quần chúng.

Những “tấm gương mờ”

Theo ngành chức năng, hành vi tham ô tài sản xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, với quy mô khác nhau, gây thiệt hại đối với tài sản của Nhà nước và nhân dân và gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Đơn cử, mới đây ngày 28/12/2023, Công an huyện Quỳnh Lưu đã tạm giữ hình sự Trần Thị Thương - cán bộ văn phòng kiêm thủ quỹ của UBND xã Quỳnh Bá để phục vụ điều tra về tội “Tham ô tài sản”.

tran-thi-thuong-la-can-bo-van-phong-kiem-thu-quy-cua-ubnd-xa-quynh-ba-huyen-quynh-luu-da-tham-o-tai-san-voi-tong-so-tien-hon-300-trieu-donganh-quynh-trang-2089-3796.jpg
Đối tượng Trần Thị Thương - nguyên cán bộ văn phòng kiêm thủ quỹ của UBND xã Quỳnh Bá ( Quỳnh Lưu) bị tạm giữ hình sự để phục vụ điều tra về tội “Tham ô tài sản". Ảnh tư liệu Quỳnh Trang

Qua điều tra, Công an huyện Quỳnh Lưu phát hiện, trong quá trình làm việc, đối tượng đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn để chiếm đoạt tiền công quỹ, tiền lương phụ cấp cho các lực lượng bán chuyên trách và tiền chi cho hoạt động thường xuyên của các ban, ngành.

Đặc biệt, trong quá trình khám xét nơi làm việc của đối tượng, cơ quan điều tra phát hiện và thu giữ 32 hồ sơ chi tiền chế độ, chính sách đã được duyệt chi, 1 quyển sổ thu chi trong năm 2023 và nhiều tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội của Thương.

Căn cứ các chứng cứ cùng lời khai của đối tượng, bước đầu Công an huyện Quỳnh Lưu xác định từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/7/2023, Trần Thị Thương đã tham ô tài sản với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân.

co-quan-chuc-nang-tong-dat-quyet-dinh-khoi-to-vu-an-khoi-to-bi-can-va-ra-lenh-bat-tam-giam-doi-voi-ong-ha-tham-canh-nguyen-hieu-truong-truong-ptdtbt-tieu-hoc-ta-ca-anh-hong-ngoc-1997-8612.jpg
Cơ quan chức năng tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Hà Thắm Cảnh nguyên Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tà Cạ. Ảnh tư liệu: Hồng Ngọc

Trước đó, ngày 21/2/2023, Công an huyện Kỳ Sơn phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân huyện Kỳ Sơn tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Hà Thắm Cảnh (SN 1979), trú tại xã Tà Cạ, nguyên Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tà Cạ về tội “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Quá trình mở rộng điều tra vụ án, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn tiếp tục xác định đối tượng Hồ Thị Phượng - nguyên kế toán Trường PTDTBT Tiểu học Tà Cạ đã giúp sức cho Hà Thắm Cảnh lập khống hồ sơ quyết toán rút nguồn kinh phí chi trả cho giáo viên dạy thay từ nguồn ngân sách Nhà nước về cho nhà trường, tạo điều kiện để Hà Thắm Cảnh chiếm đoạt số tiền hơn 40 triệu đồng từ nguồn kinh phí trên.

co-quan-chuc-nang-tong-dat-quyet-dinh-khoi-to-bi-can-doi-voi-ho-thi-phuongnguyen-ke-toan-truong-ptdtbt-tieu-hoc-ta-ca-ve-toi-tham-o-tai-sananh-tu-lieu-hong-ngoc-2180-9271.jpg
Cơ quan chức năng tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Hồ Thị Phượng nguyên kế toán Trường PTDTBT Tiểu học Tà Cạ về tội tham ô tài sản. Ảnh tư liệu: Hồng Ngọc

Sau đó, Hà Thị Phượng cũng bị khởi tố về tội “Tham ô tài sản” quy định tại Khoản 01, Điều 353, Bộ Luật Hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức.

Hay trong tháng 10/2022, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Quỹ Tín dụng nhân dân xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc. 4 người bị bắt về tội “Tham ô tài sản” gồm: Nguyễn Thành Công (SN 1955) - nguyên Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc; Đặng Văn Thành (SN 1968) - Phó Giám đốc Quỹ tín dụng; Trần Thị Ngọc Hà (SN 1980) - kế toán trưởng Quỹ Tín dụng; Trần Thị Hà Phương (SN 1995) - cán bộ Quỹ Tín dụng). Các đối tượng đều trú tại xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc.

co-quan-canh-sat-dieu-tra-tong-dat-quyet-dinh-khoi-to-cac-bi-can-rong-vu-an-tham-o-tai-san-xay-ra-tai-quy-tin-dung-nhan-dan-xa-nghi-hoa-huyen-nghi-loc-anh-vksnd-tinh-nghe-an-7921-370.jpg
Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt quyết định khởi tố các bị can trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc. Ảnh tư liệu: VKSND tỉnh Nghệ An.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, lúc đang đương chức, Nguyễn Thành Công đã chỉ đạo một số cá nhân trong Quỹ Tín dụng lập khống nhiều hồ sơ vay vốn để rút tiền chi tiêu cá nhân; tổng dư nợ tính đến ngày 16/10/2020 là 23.616.515.000 đồng. Do mất khả năng thanh toán nợ, Nguyễn Thành Công tiếp tục chỉ đạo lập hồ sơ khống để tất toán các khoản vay trước.

Quá trình điều tra đã chứng minh Công chỉ đạo Thành, Hà, Phương lập khống 7 bộ hồ sơ vay mang tên người vay là Phạm Thị Thanh Thủy, Lê Thị Sâm, Nguyễn Thị Hường, Lê Thị Loan, Nguyễn Thị Anh Đào, Nguyễn Văn Đồng, Phạm Thị Mận để giải ngân, chiếm đoạt số tiền 1.365.000.000 đồng. Kết luận giám định chữ ký, chữ viết trên tài liệu trong 7 bộ hồ sơ vay đều của Nguyễn Thành Công, Đặng Văn Thành, Trần Thị Ngọc Hà, Trần Thị Hà Phương.
Hành vi tham ô tài sản của các cán bộ, công chức này không chỉ gây thiệt đối với tài sản của Nhà nước mà còn vi phạm đạo đức công vụ, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và hình ảnh của những “công bộc của dân”.

Nâng ý thức thượng tôn pháp luật trong thực thi công vụ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra bản chất của tham ô là hành vi "ăn cắp của công, của riêng của người ta, hay của nhân dân", "lấy của công làm của tư", là gian lận, tham lam", "là không tôn trọng của công”. Người coi tham ô, lãng phí là “giặc nội xâm”, là kẻ thù của nhân dân. Người cũng chỉ rõ “Chỉ vì cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra tham ô hủ hóa", "bệnh quan liêu là chỗ gieo hạt vun trồng cho tham ô lãng phí nảy nở".

Vì vậy, để tẩy sạch nạn tham ô thì trước hết phải tẩy sạch bệnh quan liêu và chủ nghĩa cá nhân. Theo Người "nếu tìm ra, điều tra ra những vụ tham ô, Đảng sẽ thẳng tay kỷ luật và Chính phủ sẽ thẳng tay trừng trị".

bna-diem-cau-3575-5850.jpg
Hội nghị trực tuyến về công tác kiểm soát tài sản, thu nhập tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh tư liệu: Tiến Đông

Để đẩy lùi những nguy cơ dẫn đến nạn tham ô, tham nhũng, Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định cụ thể mức án nghiêm khắc dành cho tội danh này. Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ phạm tội mà người phạm tội tham ô tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng với các khung hình phạt được quy định tại Điều 353, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trong đó, hình phạt tù cao nhất là tù chung thân; Mức phạt cao nhất là tử hình.

Ngoài ra, người phạm tội tham ô tài sản bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Việc áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội tham ô tài sản có tác dụng hỗ trợ hình phạt chính, tăng khả năng trừng trị người phạm tội, giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

bna-12-anh-pv-6846-7787.jpg
Cơ quan Cảnh sát điều tra khám xét nơi ở của các bị can trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Quỹ Tín dụng nhân dân xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc. Ảnh: VKSND tỉnh Nghệ An

Ngoài chịu các hình phạt nghiêm khắc của pháp luật, căn cứ Điều 39 (Vi phạm quy định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực) theo Quy định số 69 ngày 6/7/2022 về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng thì: Đảng viên “Tham ô tiền, tài sản, lợi dụng chính sách an sinh xã hội và quỹ cứu trợ, cứu nạn để tham nhũng, tiêu cực; lợi dụng việc lập quỹ để trục lợi” (Khoản i); Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để chiếm dụng tài sản công (Khoản 0) sẽ bị khai trừ khỏi Đảng.
Tại Nghệ An công tác phòng, chống tham nhũng luôn được thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ; phát hiện và xử lý được nhiều vụ việc tham nhũng (trong đó có tham ô tài sản) qua công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đã triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung vào những khâu yếu, khâu khó, những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực để chỉ đạo giải quyết; đồng thời, bảo đảm xử lý nghiêm minh, đồng bộ, kịp thời giữa kỷ luật của Đảng với xử lý hành chính, xử lý hình sự đối với cán bộ, đảng viên vi phạm.

Trong năm 2023, cơ quan điều tra các cấp trong tỉnh đã thụ lý điều tra 43 vụ/184 bị can, trong đó, phát hiện, khởi tố mới 29 vụ/132 bị can. Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp cũng đã thụ lý giải quyết 22 vụ/58 bị can; Tòa án nhân dân các cấp thụ lý xét xử sơ thẩm 30 vụ/77 bị cáo, trong đó, đã xét xử 23 vụ/45 bị cáo. Thiệt hại do tội phạm tham nhũng gây ra hơn 7,8 tỷ đồng; tài sản đã thu hồi được hơn 5,6 tỷ đồng...”.

Dự báo tình hình tham nhũng trong thời gian tới vẫn còn có diễn biến phức tạp, tập trung xảy ra trên một số lĩnh vực nhạy cảm như: đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, thương mại, tài chính, ngân hàng, y tế...

Do vậy, các cấp, ngành, các địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, cải cách hành chính, dịch vụ công… nhất là Kế hoạch số 840/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập” và Quy định số 114 của Bộ Chính trị “Quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”.

Bên cạnh đó, như Bác Hồ đã chỉ rõ “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng”. Vì vậy, muốn cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham ô, lãng phí có kết quả thì một vấn đề rất quan trọng là đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cấp lãnh đạo, quản lý phải luôn thượng tôn pháp luật trong quá trình thực thi công vụ, “nêu cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Tin mới