Để Nam Đàn giữ chân du khách

(Baonghean) - Từ lâu, Nam Đàn – quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh được xác định là tâm điểm du lịch của Nghệ An. Với nhiều lợi thế sẵn có, Nam Đàn đã xây dựng hẳn một nghị quyết về phát triển du lịch và triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy. Thế nhưng đến thời điểm này, hiệu quả đem lại chưa đáng kể, hay nói một cách khác, du lịch Nam Đàn chưa níu chân được du khách…

Nam Đàn là địa phương có số lượng di tích lịch sử văn hóa nhiều nhất tỉnh, với 149 di tích, trong đó có 20 di tích cấp quốc gia và 10 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh Khu Di tích đặc biệt Kim Liên thì còn rất nhiều di tích nổi  tiếng khác như: Cụm Di tích Vua Mai, Nhà Lưu niệm Phan Bội Châu, mộ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, chùa Đại Tuệ, chùa Viên Quang... Hàng năm trên địa bàn diễn ra hai lễ hội lớn: Lễ hội Vua Mai và Lễ hội Làng Sen. Về văn hóa ẩm thực, Nam Đàn nổi tiếng với các đặc sản: tương, bánh đúc Sa Nam, thịt me Nam Nghĩa, dê Cầu Đòn, cá mòi sông Lam, cá rô Bàu Nón... Ngoài những sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể, Nam Đàn còn có rất nhiều danh lam thắng cảnh hấp dẫn khác, hơn 7.500 ha rừng được quy hoạch thành rừng đặc dụng để phát triển du lịch sinh thái. Phải nói rằng, hiếm có một nơi nào hội tụ đầy đủ những tiền đề để phát triển du lịch như Nam Đàn.
Lễ hội Đền Vua Mai 2013.
Lễ hội Đền Vua Mai 2013.
Xác định “công nghiệp không khói” là ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Nam Đàn trở thành một trung tâm du lịch của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ, đầu năm 2012, Huyện ủy Nam Đàn đã có Nghị quyết số 23 về phát triển du lịch giai đoạn 2012 - 2015, có tính đến năm 2020. Nghị quyết này đã đề ra nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để khai thác nguồn tài nguyên du lịch sẵn có của địa phương nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa của một vùng quê giàu truyền thống, vừa đem lại nguồn thu về kinh tế. Thực hiện nghị quyết, Nam Đàn đã huy động các nguồn lực, nguồn vốn để phục dựng, trùng tu tôn tạo các di tích. Được sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh, nhiều tuyến đường giao thông quan trọng được nâng cấp và mở rộng. Từ xã hội hóa, đã có nhiều người cung tiến xây dựng di tích, thu hút các nhà đầu tư phát triển hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ. 
Huyện tích cực quảng bá, xúc tiến du lịch với việc hàng năm tổ chức thành công các lễ hội, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tiềm năng của địa phương, tham gia các triển lãm, hội chợ, các liên hoan văn hóa ẩm thực, tổ chức các hội nghị doanh nghiệp lữ hành, khảo sát và xây dựng các tour du lịch trên địa bàn huyện... Bên cạnh đó, Nam Đàn chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa,  phục vụ du lịch như trồng sắn dây, hồng Nam Anh, chanh vùng 5 Nam, phát triển các trang trại nuôi thủy sản, ba ba, ếch cung cấp cho các nhà hàng. Xác định muốn phát triển du lịch bền vững, cần quan tâm xây dựng phát triển đời sống văn hoá trong nhân dân. Phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, đơn vị văn hoá được thực hiện ngày càng có chiều sâu và hiệu quả. Với phương châm mỗi người dân tại điểm tham quan thực sự trở thành một hướng dẫn viên - một sứ giả du lịch, vì thế mà văn hóa ứng xử tại các điểm tham quan du lịch được nâng lên rõ rệt.
Phải nhìn nhận Nam Đàn đã có rất nhiều cố gắng trong việc phát triển du lịch. Tuy nhiên hiệu quả đem lại rất hạn chế. Mặc dù số lượng khách du lịch đến Nam Đàn rất đông, chủ yếu đi trong ngày, kết hợp với các điểm tham quan khác. Khách không dừng chân nghỉ lại và chỉ chi tiêu rất nhỏ vào các dịch vụ (chủ yếu mua một ít sản phẩm lưu niệm). Các lễ hội như Lễ hội Vua Mai người đến tham dự khá đông nhưng nhìn lại thì đó là người ở trong huyện, khách nội tỉnh, các đoàn thể thao – văn nghệ về tham dự lễ hội… Bà Nguyễn Thị Quý, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội, một du khách trong lần thứ 3 về quê Bác chia sẻ: “Về đây, tôi rất thích vì được cảm nhận không khí bình yên của làng quê Việt Nam, có dịp hiểu thêm về vị Cha già dân tộc… Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan về mặt du lịch thì Nam Đàn đang kém hấp dẫn. Các loại hình du lịch đơn điệu, cơ sở nghỉ dưỡng kém hiện đại, thiếu tiện nghi, sản phẩm du lịch hầu như không có gì. Về Kim Liên muốn nghe một điệu hò ví dặm, thưởng thức một đêm hát phường vải, xem một hội đua thuyền truyền thống mà thấy khó quá”.
Ông Trần Văn Quảng, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng: “Ngoài di tích Kim Liên ra thì ở những nơi khác chỉ còn phần "tích truyện" không còn phần "di vật", hoặc có “di vật” nhưng đơn điệu, kém hấp dẫn…Tương Nam Đàn, me Nam Nghĩa ăn thì được nhưng đó chưa phải là sản phẩm du lịch. Tôi nhớ đi du lịch ở Singapore hay Malaysia, một lọ dầu gió, viên đá đen, rễ cây… cũng được họ cho thành quốc bảo, cách thức quảng cáo, tiếp thị sản phẩm hay đến nỗi ai cũng bỏ tiền ra mua. Sản phẩm du lịch cần gắn với huyền thoại, tích sử - điều này Nam Đàn chưa có. Sao không nghĩ đến “con cá gỗ” với mong ước hóa rồng của các ông đồ Nghệ, quả vải trong chuyện Vua Mai phải đi cống cho nhà Đường, hoặc một cái gì đó trong đêm hát Phường vải…?”. 
Tìm hiểu sâu hơn thì thấy rõ: Nam Đàn có nhiều điểm đến nhưng hiện nay mới chỉ khai thác và đưa vào phục vụ cho khách du lịch đến tham quan có hiệu quả tại Khu di tích Kim Liên, còn điểm đến khả dĩ có thể khai thác du lịch hiện chưa nhiều, mới chỉ thu hút được người dân địa phương đến dâng hương, dâng hoa vào các ngày lễ, ngày hội hay phục vụ cho các hoạt động giáo dục tuyên truyền cách mạng cho tầng lớp thanh thiếu niên tại địa phương; Việc đầu tư, tu bổ tôn tạo các di tích còn ít, dàn trải và không trọng tâm dẫn đến có nhiều điểm di tích lịch sử nhưng thiếu bản sắc. Có làng nghề truyền thống song đơn điệu và quy mô nhỏ lẻ, lại ít người biết và theo đuổi, khó truyền tải những nội dung văn hoá khiến làng nghề chưa có chiều sâu và sức hút đối với khách du lịch. Mặt khác, do điều kiện mưu sinh nên vẫn còn tình trạng lộn xộn trong quy hoạch, kinh doanh chụp giật, nạn buôn bán hàng rong, chèo kéo khách và lấn chiếm khu di tích.
Nguyên nhân có nhiều, nhưng chung quy lại, đó là  sự phối kết hợp giữa các ban, ngành trong việc quản lý, đầu tư, khai thác còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ nên hiệu quả các mặt còn rất hạn chế. Nguồn nhân lực phục vụ trong du lịch còn nhiều bất cập: Chưa thực sự am hiểu tường tận về truyền thống của địa phương cũng như của dân tộc đã làm ảnh hưởng đến việc truyền tải những giá trị văn hoá giảm sức hấp dẫn và thu hút khách du lịch, ý thức làm du lịch của người dân nhìn chung còn kém trong việc gìn giữ và bảo tồn các di tích. Cách thức làm du lịch chậm đổi mới, chưa mạnh dạn tạo đột phá, chưa hình thành được một hệ thống sản phẩm du lịch đồng bộ…
Một nguyên nhân quan trọng nhất đó chính là “chưa thu hút được nhà đầu tư lớn vào phát triển du lịch” – như lời ông Hồ Anh Mai, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nam Đàn thừa nhận. Và “Nhà nước, tỉnh, huyện chỉ có thể tạo tiền đề phát triển du lịch chứ không thể bước vào đầu tư khai thác”. Cụ thể là đến thời điểm này dự án Hồ Trang Đen vẫn dẫm chân tại chỗ, Chùa Đại Tuệ mới được 2 doanh nghiệp quyên tiền… Chính những điều này đã ảnh hưởng đến mục tiêu “Hình thành tour du lịch nội huyện ổn định, hàng năm đón 2 - 2,5 triệu lượt khách, đến năm 2015 có từ 20 -25% khách lưu trú trên địa bàn, đến năm 2020 có từ 25 - 30% khách lưu trú, đến năm 2015 có 250 - 300 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn quy định” mà nghị quyết đã đề ra.
Theo ông Hồ Anh Mai, cuối năm 2013 đầu năm 2014 này, du lịch huyện đã có tín hiệu khởi sắc, bước chuyển tích cực đó là ngày 29/11/2013, Sở VH - TT&DL cùng UBND huyện Nam Đàn, TP Vinh, Thị xã Cửa Lò đã tổ chức Lễ ký kết Chương trình Phối hợp nâng cao chất lượng điểm đến và Xây dựng môi trường văn hoá du lịch giai đoạn 2013 - 2015. Ba địa phương đã bắt tay phối hợp để xây dựng thương hiệu điểm đến bền vững có sức lan toả; liên kết xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá nâng cao chất lượng dịch vụ; hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; phối hợp tổ chức giao lưu văn hoá, tổ chức sự kiện; xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và xây dựng môi trường văn hoá, du lịch lành mạnh, thân thiện, mến khách nhằm phục vụ cho phát triển du lịch giai đoạn 2013 - 2015. Ngay ở Lễ hội Vua Mai đầu năm nay sẽ có sự chung tay, liên kết của 3 địa phương…Tín hiệu thứ hai là nhà đầu tư lớn đầu tiên Công ty TNHH Thương mại Hải Dương tiến hành khởi công 1 tổ hợp khách sạn gồm khu vui chơi, có sân khấu hát dân ca ví, giặm ngay tại xã Kim Liên với tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng.
Để níu chân du khách, tăng hiệu quả du lịch, Nam Đàn phải kêu gọi được nhiều hơn nữa doanh nghiệp đến đầu tư. Và để nhà đầu tư cảm thấy hấp dẫn thì huyện cần tăng cường việc tuyên truyền quảng bá về tiềm năng, chính sách khuyến khích của địa phương. Tu bổ, tôn tạo các di tích, khôi phục lễ hội, nghề thủ công truyền thống như lễ hội rước hến, lễ hội đền Nhạn Tháp. Khôi phục các hoạt động văn hoá dân gian, văn hoá làng xã như: hát ví, hát dân ca phường vải, du thuyền trên sông Lam.
Để tăng sức hấp dẫn đối với du khách, Nam Đàn cần phải tạo những giá trị đặc biệt, không ở đâu có mà chỉ có Nam Đàn, đáp ứng nhu cầu thị hiếu khám phá của du khách. Như  lời ông Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuân (nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hạ Long) khi về khảo sát tại Nam Đàn thì: “Nên quan tâm tới việc hình thành quy trình tham quan cho khách; nghiên cứu có bữa ăn trưa, giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp của vùng quê Nam Đàn: nước chè xanh, khoai lang, rau lang, nộm lạc… Mục tiêu nên hướng tới là điểm đến, sản phẩm du lịch đồng bộ, có đẳng cấp, chất lượng, gắn kết đặc sản của địa phương nổi bật về văn hóa, sản phẩm nông nghiệp”.
Thành Chung

Tin mới