Đề xuất giảm biên chế công chức tài chính, địa chính, tư pháp cấp xã

(Baonghean.vn) - Bí thư Huyện ủy Diễn Châu Trần Văn Cương đề nghị giảm biên chế công chức tài chính, địa chính, tư pháp ở cấp xã, đồng thời bố trí một công chức cho văn phòng cấp ủy.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Bí thư Huyện ủy Diễn Châu Trần Văn Cương đã báo cáo với đoàn công tác về việc đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng cơ sở; đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền cơ sở; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với HĐND huyện; UBND huyện; các cơ quan tư pháp; MTTQ và các đoàn thể; công tác tổ chức cán bộ…

Sáng 12/5, đoàn khảo sát số 4 Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 do đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy, MTTQ và các đoàn thể - chính trị xã hội huyện Diễn Châu về việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cùng dự có các đồng chí: Ngô Thị Doãn Thanh – Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Huỳnh Quang Hải - Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Hữu Lậm - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Hồ Phúc Hợp - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Văn Huy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An và đại diện lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh.

Đặc biệt về xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị, Bí thư Huyện ủy Diễn Châu cho biết, địa phương này xác định rõ tỷ lệ tinh giản biên chế từng năm và tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% tổng số biên chế được giao.

Đến nay, cơ quan Đảng, MTTQ và các đoàn thể huyện nghỉ hưu và chuyển đi 7 người, tuyển dụng và tiếp nhận 4 người. UBND huyện 89 người, các đơn vị trực thuộc huyện 52 người, viên chức trường học hiện nay 3.767 người.

Tuy nhiên, theo ông Cương, bộ máy của tổ chức trong hệ thống chính trị chưa thật tinh gọn, vận hành chưa thật hiệu quả; kỷ cương, kỷ luật hành chính có lúc chưa nghiêm.

“Một số cấp ủy, MTTQ và các đoàn thể chưa thực sự đổi mới phương thức hoạt động, cải tiến lề lối làm việc còn chậm, triển khai công việc chưa nhịp nhàng, đồng bộ”, ông Trần Văn Cương cho biết thêm.

Từ thực tế trên địa bàn huyện, Bí thư Huyện ủy Diễn Châu đề xuất, kiến nghị với đoàn khảo sát 19 nhóm vấn đề nhằm năng cao hơn hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đáng chú ý, ông Trần Văn Cương đề nghị cần mở rộng để đại hội trực tiếp bầu Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó bí thư và các chức danh lãnh đạo cấp ủy Đảng các cấp; đồng thời tăng thêm số lượng cấp ủy đối với đơn vị có tổ chức Đảng và số lượng đảng viên đông.

Bên cạnh đó, huyện Diễn Châu cũng kiến nghị có quy định việc thành lập và sử dụng phục vụ chung văn phòng, kế toán, văn thư, thủ quỹ của khối cơ quan MTTQ và các đoàn thể chính trị cấp huyện. Thủ trưởng là Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện.

Đặc biệt, với việc tổ chức bộ máy ở cấp xã, người đứng đầu Huyện ủy Diễn Châu cho biết qua khảo sát, một số địa phương đề nghị tổ chức lại biên chế để phù hợp với tình hình.

“Giảm biên chế công chức tài chính, địa chính, tư pháp; đồng thời bố trí một công chức văn phòng làm nhiệm vụ văn phòng cấp ủy, bổ sung thêm Phó chủ tịch UBND cấp xã trong tổng số biên chế được giao”, ông Cương đề xuất.

Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Ngô Thị Doãn Thanh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Ngô Thị Doãn Thanh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn khảo sát và huyện Diễn Châu đã trao đổi, thảo luận làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến những đề xuất, kiến nghị của huyện, cũng như một số nội dung đoàn đặt ra như: việc Trưởng ban Dân vận kiêm nhiệm Chủ tịch Ủy ban MTTQ; mô hình bí thư kiêm chủ tịch ở cấp xã; hoạt động của khối dân; cho phép cơ sở được chủ động sử dụng biên chế phù hợp với từng địa phương trên tổng số biên chế được giao; việc sáp nhập Ủy ban kiểm tra với Thanh tra, Ban Tổ chức với Sở Nội vụ...

Kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trao đổi về tầm quan trọng của việc cần thiết phải ban hành Đề án tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước chuyển biến nhanh chóng; đặc biệt tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XII vừa qua đã ban hành 3 nghị quyết hết sức quan trọng là "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"; "Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước"; "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc đổi mới tổ chức bộ máy còn chậm. “Nếu không tin gọn, tinh giản bộ máy thì vấn đề cân đối ngân sách vô cùng khó khăn. Hiện nay, công chức cấp huyện trở lên ít, tuy nhiên cán bộ cấp xã, bán chuyên trách quá đông. Đội ngũ viên chức đơn vị sự nghiệp cũng hơn 2 triệu”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Trên cơ sở phân tích đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá, các ý kiến góp ý, thảo luận tại cuộc làm việc rất quan trọng và đoàn khảo sát tiếp thu trình ban soạn thảo Đề án, qua đó tham mưu để khi Trung ương ban hành nghị quyết về vấn đề này thì phải đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trong đó có nội dung rất quan trọng là tái cơ cấu ngân sách nhà nước và xử lý nợ công. 

Thành Duy

TIN LIÊN QUAN

Tin mới