Đến nghị trường không phải để ngồi và "ấn nút" thông qua

Theo Hội đồng bầu cử Quốc gia, đến nay, cả nước đã có hơn 50 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Điều đó cho thấy những đổi mới về thể chế và tính dân chủ, bình đẳng giữa người được giới thiệu ứng cử với các ứng cử viên tự do.Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, những người tự ứng cử cũng cần xác định cho mình một tinh thần nghiêm túc, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

bầu cử
Trang cổ động bầu cử

Tự ứng cử tăng – Một tín hiệu tốt

Hiến pháp nước ta quy định công dân đủ 21 tuổi trở lên có quyền tự ứng cử vào Quốc hội, HĐND. Hiện nay, bất kỳ công dân nào muốn tự ứng cử cũng có thể dễ dàng tìm thấy quy trình tự ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND trên website của Hội đồng bầu cử Quốc gia, hoặc có thể đến Sở Nội vụ là Hội đồng thường trực của Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, thành để lấy hồ sơ.

Với quy trình này, những người tự ứng cử rất dễ dàng để có thể làm các thủ tục pháp lý. Do vậy, đến thời điểm này, Ủy ban bầu cử Thành phố Hà Nội đã tiếp nhận được gần 10 hồ sơ tự ứng cử ĐBQH khóa XIV. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có 24 người tự ứng cử, trong đó có 13 người tự ứng cử ĐBQH và 11 người tự ứng cử đại biểu HĐND. Theo Hội đồng bầu cử Quốc gia, tính đến ngày 5/3, cả nước đã có hơn 50 người tự ứng cử ĐBQH. Theo tính toán, số lượng người tự ứng cử chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số ở đó, vì thời hạn chót nộp hồ sơ theo quy định là ngày 13/3/2016.

Từ thực tế các địa phương và trên phương tiện thông tin đại chúng, người dân ai cũng thấy được “sức nóng” của ngày hội bầu cử. Danh sách các ứng cử viên đang dần “lộ diện” và đặc biệt số người tự ứng cử  đang tăng dần.

Trao đổi với phóng viên về con số tự ứng cử tăng lên, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha nhận định, đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng vì số người ứng cử càng đông thì cử tri càng có thêm sự lựa chọn để tìm ra những người đủ đức và tài. Điều này cũng thể hiện tính dân chủ ngày càng cao trong “cuộc đua” vào cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; thể hiện lòng tin của nhân dân vào sự đổi mới về thể chế. Đó thật sự là tín hiệu tốt.

Đúng vậy, thông thường nếu số lượng ứng cử tăng, việc lựa chọn ứng cử viên sẽ tốt hơn. Ủy ban MTTQ các cấp sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn để qua hiệp thương giới thiệu được những người thực sự tiêu biểu vào danh sách ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.

Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND đã quy định rất rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ trong bầu cử. Ví dụ, việc tiếp nhận hồ sơ ứng cử ĐBQH là trách nhiệm của Ủy ban bầu cử cấp tỉnh mà Sở Nội vụ là cơ quan thường trực. Theo quy định, Sở Nội vụ có quyền thẩm định, xem xét hồ sơ. Nếu thấy đủ điều kiện, sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ đó sang cho Ủy ban MTTQ cấp tỉnh để xem xét hiệp thương…

Quốc hội khóa 13 đã tạo nên nhiều dấu ấn
Quốc hội khóa 13 đã tạo nên nhiều dấu ấn

Đến nghị trường không phải để ngồi và “ấn nút” thông qua

Với tư cách là người tham gia công tác bầu cử nhiều khóa đồng thời là ĐBQH, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết, rất tiếc là có những người tự ứng cử chưa nghiêm túc, không xác định được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, ứng cử theo cách “thử” xem thế nào.

Thực tế, qua các kỳ bầu cử trước đây tỉ lệ những người tự ứng cử trúng cử vẫn còn thấp. Tại kỳ bầu cử Quốc hội khóa XII có 253 người tự ứng cử nhưng chỉ có 1 người trúng cử; đến kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIII, số người tự ứng cử là 83 thì có 4 người trúng cử ĐBQH, nhiều nhất từ trước tới nay.

Tự ứng cử là quyền tự do dân chủ đã được ghi rõ trong Hiến pháp và các bộ luật.  Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha: “Người tự ứng cử phải xác định hết sức nghiêm túc trách nhiệm của mình; cần xác định tự ứng cử với mục đích là trúng cử. Để được trúng cử, người tự ứng cử phải thể hiện rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình; bản thân người tự ứng cử và gia đình họ phải thực sự thuyết phục được sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú”.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tiếp xúc cử tri tại Đắc Lắc.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tiếp xúc cử tri tại Đắc Lắc.

Theo một số chuyên gia, những người có ý định tự ứng cử phải suy nghĩ hết sức nghiêm túc trước khi làm hồ sơ. Ngoài việc đọc, nghiên cứu Luật cho kỹ để xem mình có đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐQBQH hay đại biểu HĐND không thì yếu tố quan trọng là phải xem mình có điều kiện để thực hiện nhiệm vụ người đại biểu hay không? Nếu trúng cử rồi có đủ điều kiện để làm như đã hứa với cử tri hay không? Bởi một nhiệm kỳ 5 năm không phải là ngắn. Là ĐBQH hay đại biểu HĐND thì họ vẫn phải làm việc và phải có trách nhiệm thực hiện tốt, gắn bó, phải tham gia các kỳ họp, phải tiếp xúc cử tri… Những điều này đòi hỏi trách nhiệm cao và mất rất nhiều thời gian.

Điều quan trọng nữa không chỉ được áp dụng đối với những người tự ứng cử mà với cả người được giới thiệu ứng cử. Đó chính là uy tín ở nơi cư trú và nơi làm việc của người ứng cử? Bởi lẽ, trong bầu cử thì dù tổ chức đảng, đoàn thể giới thiệu hay tự ứng cử vẫn phải qua hiệp thương của MTTQ. Việc giới thiệu người ra ứng cử cũng phải trên cơ sở tiêu chuẩn của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND chứ không phải người được giới thiệu thì tiêu chuẩn “nhẹ” hơn so với người tự ứng cử. Cuối cùng, MTTQ sẽ là cơ quan hiệp thương lựa chọn để chính thức giới thiệu người đó ra ứng cử.

Thực tiễn đã khẳng định, người ĐBQH muốn đi vào “lòng dân” thì phải gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến người dân nói và tại nghị trường Quốc hội, người đại biểu của dân phải thể hiện được “hơi thở”, lợi ích của người dân để phản ánh tới cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước là Quốc hội chứ không phải đến nghị trường chỉ để ngồi và “ấn nút” thông qua.

Dù là người tự ứng cử hay được giới thiệu nếu có trình độ, có đạo đức, có uy tín cao, một lòng vì nước vì dân, được đông đảo cử tri tin yêu, tín nhiệm thì cơ hội trúng cử chắc chắn sẽ cao. Tuy nhiên, để có được danh sách chính thức đem ra bầu thì bản thân mỗi cử tri mong muốn, chất lượng ĐBQH bắt đầu “sàng lọc” từ khâu lựa chọn các ứng viên./.

Theo ĐCSVN

Tin mới