Đi làm thủ tục cấp đổi, 43 tài xế ở Nghệ An bị phát hiện dùng giấy phép lái xe giả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trong quá trình rà soát hồ sơ để cấp đổi, Sở Giao thông và vận tải Nghệ An phát hiện 43 trường hợp giấy phép lái xe giả. Hầu hết trong giấy phép đều có ngày cấp từ 10 đến 20 năm trước.

Ngày 14/3, lãnh đạo Sở Giao thông và vận tải tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa ra quyết định về việc thu hồi giấy phép lái xe mô tô hạng A1 với 43 trường hợp cùng lúc do sử dụng giấy phép lái xe giả.

Theo đó, gần đây những người này gửi hồ sơ đến Sở Giao thông và vận tải đề nghị cấp đổi sang giấy phép lái xe mới. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng xác định 43 giấy phép không do cơ quan quản lý giấy phép lái xe cấp (giấy phép lái xe giả).

Ngoài bị thu hồi giấy phép lái xe giả, 43 trường hợp này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp giấy phép lái xe trong vòng 5 năm tới.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết 43 giấy phép lái xe giả này đều có ngày cấp từ 10 đến 20 năm trước. Có trường hợp ở xã Hồng Long (huyện Nam Đàn), ngày cấp ghi trong giấy phép lái xe giả là từ năm 2002.

Các nhân viên rà soát hồ sơ, cấp đổi giấy phép lái xe tại Trung tâm hành chính công tỉnh Nghệ An. Ảnh: Đặng Cường

Các nhân viên rà soát hồ sơ, cấp đổi giấy phép lái xe tại Trung tâm hành chính công tỉnh Nghệ An. Ảnh: Đặng Cường

Việc mua bán, sử dụng giấy phép lái xe giả không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Đối với việc sử dụng giấy phép lái xe giả, theo quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 21, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng đối với người điều khiển xe môtô và bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng đối với người điều khiển xe ôtô. Ngoài ra, giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy phép lái xe bị tẩy xóa, giấy phép lái xe không hợp lệ còn bị tịch thu.

Trong khi đó, theo Điều 341, Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm./.

Tin mới