Điều kỳ diệu cho người biết yêu thương, hy vọng...

(Baonghean) Cách đây không lâu, báo Nghệ An cuối tuần có bài viết về cô gái 7 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư máu  Hoàng Thị Diệu Thuần (sinh năm 1987, quê Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp). Khi chúng tôi viết xong những dòng chữ cuối cùng của bài viết ấy, Hoàng Thi Diệu Thuần vừa rời khỏi phòng phẫu thuật để vào phòng cách ly chăm sóc đặc biệt tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Và giờ đây, sau ca phẫu thuật một tháng rưỡi, đúng như những mong mỏi, tiên đoán: sự sống đã sinh sôi, nảy nở trên cơ thể Diệu Thuần và mang lại nhiều niềm vui, hy vọng cho kẻ “ham thích những điều vui vẻ hơn nỗi muộn phiền”...

Cũng như bao nhiêu thanh niên khác, Diệu Thuần đã từng hồn nhiên với đôi chân chạy nhảy, trái tim giàu ước mơ, đã hồn nhiên đón nhận niềm yêu thương và những điều đẹp đẽ nhất của cuộc sống. Thế nhưng, chỉ khi đối mặt với những điều khủng khiếp nhất thì cô mới thực sự thấm thía sự mong manh của đời người, mới thấy tiếc, thấy quý giá biết bao những ngày đã trôi miết về phía trước. Cũng từ đây, trong cơ thể tưởng như mỏng manh, yếu đuối ấy, bản lĩnh, khát vọng sống đã bừng lên mãnh liệt. Không đầu hàng! Cái hiệu lệnh ấy đã vang lên trong trái tim tưởng chừng vỡ nát vì sững sờ, buồn đau. Và kể từ ấy, cô sinh viên năm thứ nhất, Khoa Tài chính- Ngân hàng, Đại học Quốc gia Hà Nội đã bắt đầu “cuộc chiến vĩ đại” của mình- cuộc chiến chống lại tử thần, khi được bệnh viện kết luận về căn bệnh mà cô mắc phải: bệnh máu trắng.

Suốt mấy năm đại học, Diệu Thuần vừa học vừa vào viện điều trị. Hóa trị, rồi xạ trị đã có lúc làm cho tóc cô rụng dần. Vậy mà Thuần vẫn lên lớp, vẫn học thêm ghi-ta để có thể đánh được nhạc cổ điển, vẫn viết tự truyện và những dòng thơ “chảy máu”. Năm 2010, tốt nghiệp đại học, Diệu Thuần vẫn làm đơn xin việc gửi tại nhiều cơ quan, nhưng cô không được đón nhận bởi phiếu khám sức khỏe của mình. Nhưng cô đã gượng dậy, bằng những sẻ chia trong tự truyện “Như hoa hướng dương” (Trung tâm văn hóa Đông Tây ấn hành). Đúng vậy, cô gái ấy đã giống như bông hoa hướng về phía mặt trời, hướng về ánh sáng và sự sống với một lòng khao khát khôn cùng. Những sẻ chia ấy đã được nhiều người biết tới, nhiều người giúp đỡ. Cô được tài trợ để ra sách, nhận được tình cảm yêu thương, khâm phục từ phía cộng đồng.

Thậm chí, có một nhà văn Israel đã kêu gọi bệnh viện Israel giúp Diệu Thuần phẫu thuật ghép tủy. Với chi phí quá lớn, cộng với tình trạng bệnh đã nặng, Diệu Thuần đã không có cơ hội được ra nước ngoài phẫu thuật và cô đã quyết định thực hiện ghép tủy ngay tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Đây cũng là cơ hội duy nhất giúp cô có thể duy trì sự sống. May mắn là Diệu Thuần được anh trai cho tủy, song khó khăn là các chỉ số hòa hợp giữa cô và anh trai chỉ đạt 5/6, không phải chỉ số lý tưởng cho việc ghép tủy, thêm nữa thời gian mắc bệnh của cô lại quá lâu, trong khi để có tỷ lệ thành công cao thì phải ghép sớm. Chưa hết, Thuần có virus viêm gan C, khi mà chỉ số đề kháng của cơ thể hầu như bằng không...

Chính vì thế, trong thời gian nằm chờ để có thể ghép tủy từ anh trai, đã có những lúc sức khỏe Thuần rất yếu: tóc rụng hết vì hóa chất, nhịp tim tăng, nhiều khi không thở nổi, các vết loét trên miệng ngày càng ăn sâu, răng yếu không nhai nổi thức ăn... Nằm trong phòng vô trùng,  có những lúc cô không thể cất được tiếng gọi mẹ. Nhưng rồi, không hiểu sức mạnh nào đã giúp cô vượt qua tất thảy.

Diệu Thuần (giữa) được ghép tế bào gốc đồng loại sau 7 năm chống chọi với ung thư máu.

Ca ghép tủy được thực hiện không chỉ trong nỗi chờ mong của những người thân gia đình Diệu Thuần, mà của bao nhiêu người sẻ chia, ngưỡng mộ cô, của những bác sỹ đang đối mặt với ca bệnh đặc biệt, khó, hơn thế nữa còn là sự hướng về, hy vọng của bao nhiêu người mang bệnh như cô. Và điều kỳ diệu đã xảy ra. Ca ghép tủy thành công. Hiện đã hơn 1 tháng, mọi chỉ số xét nghiệm của Diệu Thuần đều rất khả quan: Các chỉ số về tế bào máu trở lại gần như bình thường, xét nghiệm về tổn thương di truyền cho kết quả âm tính, sinh học phân tử PCR gene bệnh cũng âm tính, và Thuần được nghe thông báo: bệnh đã lui, cơ thể đang dần bình phục.

Theo các bác sỹ thì nếu trong thời gian tiếp theo, các xét nghiệm vẫn cho kết quả âm tính thì khả năng khỏi bệnh của Thuần sẽ lên tới 80-90%. Hiện tại, Diệu Thuần vẫn đang được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch chống thải ghép, kiểm tra định kỳ. Sau khi tạm ổn định khoảng 1 năm, Thuần sẽ được tiếp tục điều trị viêm gan C.

Nụ cười đã nở tươi trên đôi môi của Diệu Thuần mỗi khi có người ghé thăm căn phòng trọ của cô, cho dù cô đã từng sững sờ lần đầu tiên ngắm mình trong gương sau thời gian phẫu thuật khi thấy một gương mặt xa lạ, hốc hác, tái xám. Và cô lại đã mơ đến giấc mơ giản dị của cuộc đời mình: sẽ đi xin việc, sẽ gặp lại bạn bè, sẽ đứng trên đôi chân vững vàng, ôm cây đàn và hát những bài ca cảm ơn cuộc đời...

Chúng tôi nghĩ rằng, những nốt nhạc tươi vui và biết ơn, lại một lần nữa đang ngân lên trong lòng cô gái ấy. Diệu Thuần đã cho chúng ta bài học lớn về tình yêu cuộc sống này. Trên hết là niềm tin: điều kỳ diệu sẽ đến với những người biết khát khao, biết yêu thương, biết chờ đợi và hy vọng...

Thùy Vinh

Tin mới