Đoàn giám sát HĐND tỉnh Nghệ An về công tác bảo vệ môi trường làm việc với UBND tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Sáng 12/6, tại TP. Vinh, đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An làm việc với UBND tỉnh.
Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì cuộc làm việc.

Dự cuộc làm việc các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, cùng một số địa phương.

XỬ LÝ DỨT ĐIỂM NHỮNG ĐIỂM Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NGHIÊM TRỌNG, KÉO DÀI

Trước khi làm việc với UBND tỉnh, đoàn đã giám sát thực tế tại một số doanh nghiệp, đơn vị, địa điểm; làm việc trực tiếp với các cơ quan, đơn vị: UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, UBND các huyện: Nghĩa Đàn, Hưng Nguyên, thành phố Vinh và giám sát qua báo cáo đối với một số cơ quan, đơn vị.

Qua đó, đoàn đánh giá: Nhìn chung, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo đúng pháp luật và có nhiều chuyển biến tích cực.

Đồng chí Cao Tiến Trung - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Phó trưởng Đoàn giám sát trình bày báo cáo của đoàn giám sát. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Cao Tiến Trung - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Phó trưởng Đoàn giám sát trình bày báo cáo của đoàn giám sát. Ảnh: Thành Duy

Các cấp, các ngành đã vào cuộc quyết liệt, cụ thể hóa các văn bản quy định về bảo vệ môi trường của Trung ương, của tỉnh; gắn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường vào các chương trình, chiến dịch, phong trào mang tính chất cộng đồng, kết nối với nhiều tổ chức, đoàn thể tại các địa phương, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp.

Các chỉ tiêu về môi trường đô thị, nông thôn được quan tâm, cải thiện đáng kể. Kết quả thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị đạt 96,5%; tại nông thôn đạt 63%. Kết quả xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị đạt 97,18%; tại nông thôn đạt 96%. Tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thu gom, xử lý chất thải nguy hại tăng dần theo từng năm.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu giải trình một số nội dung thuộc thẩm quyền. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu giải trình một số nội dung thuộc thẩm quyền. Ảnh: Thành Duy

Các điểm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được quan tâm chỉ đạo xử lý. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đều đã chú trọng vào công tác đầu tư xây dựng hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống quan trắc, đầu tư công nghệ chế biến, dây chuyền sản xuất hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo môi trường.

Ngân sách chi cho hoạt động môi trường đã được quan tâm bố trí. Nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế được thu hút, tổ chức để huy động các nguồn lực, kinh nghiệm, tiếp thu các công nghệ tiên tiến trong các dự án thuộc lĩnh vực môi trường.

Đồng chí Lê Tiến Trị - Trưởng ban Quản lý KKT Đông Nam phát biểu giải trình một số nội dung thuộc thẩm quyền. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Lê Tiến Trị - Trưởng ban Quản lý KKT Đông Nam phát biểu giải trình một số nội dung thuộc thẩm quyền. Ảnh: Thành Duy

Đồng thời, qua giám sát, đoàn đã chỉ ra 8 tồn tại, hạn chế liên quan đến chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; đặc biệt là hiện nay, còn 17 đô thị loại V ở các huyện, 5/6 khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung ngoài Khu Kinh tế Đông Nam, 12/24 cụm công nghiệp và 182 làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định; đồng thời, chỉ ra các nhóm nguyên nhân khách quan, chủ quan và 8 nhóm kiến nghị với UBND tỉnh.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các sở, ngành liên quan như: Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng; Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giải trình về các tồn tại, các vấn đề đoàn giám sát chỉ ra như: Việc xây dựng, ban hành một số văn bản để triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 theo quy định còn chậm; công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật về môi trường ở một số nơi chưa thường xuyên, chưa liên tục, nên hiệu quả chấp hành quy định về bảo vệ môi trường của người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa cao; việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn một số bất cập; công tác kiểm soát, thu gom, xử lý các điểm ô nhiễm môi trường do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật đạt tỷ lệ chưa cao; công tác thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời…

Đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu giải trình một số nội dung thuộc thẩm quyền. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu giải trình một số nội dung thuộc thẩm quyền. Ảnh: Thành Duy

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cũng đã trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình - Trưởng đoàn giám sát trao đổi thêm về các kiến nghị của UBND tỉnh; đồng thời nhấn mạnh một số nội dung đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm như: Xử lý dứt điểm những điểm ô nhiễm nghiêm trọng, kéo dài, gây bức xúc từ trước đến nay, trong đó, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đặc biệt là có phương án thay thế bãi rác Nghi Yên sau khi bãi rác này hoàn thành chức năng; xử lý ô nhiễm tại một số cơ sở y tế, cũng như vấn đề tập kết, xử lý rác thải là vật liệu xây dựng…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung khẳng định, việc HĐND tỉnh tổ chức đoàn giám sát chuyên đề về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là việc làm rất đúng và trúng đối với tình hình của tỉnh; thể hiện sự quan tâm, đồng hành của HĐND tỉnh đối với UBND tỉnh. Đây cũng là vấn đề được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các cấp, các ngành hết sức quan tâm, do đó, đã có những chuyển biến tích cực được đoàn ghi nhận.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thống nhất cao với những tồn tại, hạn chế được đoàn chỉ ra và sẽ chỉ ra rất sát sao để xử lý. Trước hết, là tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan chủ trì về công tác bảo vệ môi trường.

Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

UBND tỉnh cũng sẽ ưu tiên phân bổ nguồn lực có thể cho công tác bảo vệ môi trường, bao gồm cả đầu tư công, kinh phí sự nghiệp môi trường để xử lý những vấn đề môi trường trên cơ sở rà soát, sắp xếp, ưu tiên, không bố trí phân tán; tập trung thu hút các dự án đầu tư ngoài ngân sách trong lĩnh vực xử lý môi trường, nhất là xử lý rác thải, nước thải.

Đặc biệt, theo Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay, Nghệ An đang rất quyết tâm trong việc thu hút các dự án đầu tư để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển, song quan điểm là cần đảm bảo phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường để có dự án đầu tư, lấy sự phát triển kinh tế.

Do đó, quá trình thẩm định các dự án đầu tư, nhất là đánh giá tác động môi trường của dự án, UBND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện hết sức chặt chẽ, đảm bảo quy định, phù hợp yêu cầu phát triển của tỉnh, nhất là có tầm nhìn dài hạn về vấn đề môi trường để không ảnh hưởng sự phát triển bền vững của tỉnh. UBND tỉnh sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên công tác kiểm tra, giám sát để thực hiện công tác phòng ngừa tốt hơn về bảo vệ môi trường, và xử lý kịp thời nếu phát hiện vấn đề về môi trường.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đối với các kiến nghị của đoàn giám sát, đồng chí Nguyễn Đức Trung cho biết: UBND tỉnh nghiêm túc tiếp thu; đồng thời sẽ chủ động xây dựng kế hoạch, giao các sở, ngành theo các chức năng, nhiệm vụ thực hiện theo thứ tự ưu tiên như: Xử lý những vấn đề cấp bách, nội dung trọng điểm, các điểm ô nhiễm kéo dài…

KHÔNG ĐÁNH ĐỔI BẰNG MỌI GIÁ

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, môi trường là vấn đề toàn cầu, gắn liền với biến đổi khí hậu. Do đó, Nghệ An trong quá trình phát triển phải thống nhất nhận thức là phát triển phải gắn với bảo vệ môi trường; không đánh đổi bằng mọi giá; không máy móc, song phải hết sức chú ý để bảo vệ các nguyên tắc, tiêu chuẩn, quy định về môi trường.

Từ đó trở thành hành động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đặc biệt là nêu cao trách nhiệm trong quá trình điều hành của cơ quan thường trực là Sở Tài nguyên và Môi trường và chính quyền các cấp.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An phát biểu kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An phát biểu kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Bởi nếu trong quá trình phát triển, mà không quan tâm, không chú ý, không có kế hoạch bảo vệ môi trường thì khi hệ quả xảy ra sẽ không những tốn công sức, tiền bạc để khắc phục, mà còn tác động đến đời sống, sức khỏe, tâm lý của người dân.

Nhấn mạnh, nhận thức phải gắn liền với trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, trong đó, đánh giá cao giải pháp và cũng là kiến nghị của UBND tỉnh là xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn trách nhiệm cao với người đứng đầu, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, điều này phải bắt đầu từ cơ quan quản lý Nhà nước là UBND tỉnh, cụ thể là Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu để xây dựng quy chế phối hợp; gắn trách nhiệm cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp.

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Thái Thanh Quý đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo để có hành động, kế hoạch mới nhằm xử lý trong thời gian tới các vấn đề về môi trường; đặc biệt là các vấn đề về rác thải, chất thải sinh hoạt cả ở đô thị, nông thôn; từ các cơ sở khám, chữa bệnh và từ sản xuất, kinh doanh, làng nghề, hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế.

Gắn với đó là thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tiến tới quản lý thông minh, quan trắc, giám sát từ xa; từ đó, xử lý dứt điểm các điểm tồn đọng về môi trường.

Tin mới