Bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh trong dịp nghỉ lễ 30/4

(Baonghean.vn) - Ngày 8/4/2015, UBND tỉnh Nghệ An có công điện số 04/CĐ-UBND-NC về việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 0/5/2015. Nội dung như sau:
Trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần làm giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.
Nguyên nhân chủ yếu do công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở một số địa phương, đơn vị chưa thường xuvên, thiếu quyết liệt, chưa huy động tối đa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa được triển khai đồng bộ, sâu rộng đến với mọi tầng lớp nhân dân, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn hạn chế; công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm chưa tập trung quyết liệt, chưa kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm, việc huy động công an xã tham gia phối hợp xử lý vi phạm về an toàn giao thông chưa đồng bộ, còn hạn chế; vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn diễn ra nhiều, nhất là tình trạng vi phạm trong lĩnh vực vận tải khách, hàng hóa trên địa bàn; xe chạy dù, không đúng luồng, tuyền, dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng nơi quy định; xe chở quá khổ, quá tải, xe công nông, xe cơ giới tự chế vẫn hoạt động trên một số tuyến đường...
Để tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5 và kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia 2015, đồng thời triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện sổ 433/CĐ-TTg  ngày 31/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. UBND các huyện, thành, thị:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tham gia giao thông nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật và các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông, nhất là tai nạn xe mô tô, xe khách, tai nạn đường thủy; chấp hành việc không lái xe khi đã sử dụng  rượu bia, tự giác tháo gỡ công trình lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, vi phạm hành lang an toàn giao thông... đảm bảo đường thông, hè thoáng, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
- Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động vận tải hành khách trên các tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Huy động các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu vực bến xe, nhà ga, bến khách ngang sông, khu du lịch, lòng hồ thủy điện và trên các tuyến đường trọng điểm.
- Tổ chức ra quân giải tỏa hành lang giao thông, vỉa hè, đô thị, nhất là trên các tuyến giao thông, khu vực trọng điểm. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm hành lang giao thông, vỉa hè đô thị.
- Kiểm tra rà soát bổ sung hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông; kiểm tra, lắp đặt bổ sung thiết bị cảnh báo tại các vị trí tiềm ẩn mất an toàn giao thông, đặc biệt là các nút giao thông, các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, các cầu treo, cầu dân sinh; các đơn vị thi công và bảo trì kết cấu hạ tầng tăng cường tổ chức, bảo đảm giao thông, hướng dẫn phương tiện lưu thông an toàn, không gây ùn tắc giao thông, có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố.
- Đối với các địa phương có bến đò hoạt động, phải sửa chữa đường lên xuống bến đảm bảo thuận lợi, an toàn; thường xuyên kiểm tra để ngăn chặn tình trạng chở quá số người quy định, không đảm bảo an toàn kỹ thuật tại các bến đò; bổ sung các thiết bị cứu sinh, giám sát việc sử dụng thiết bị cứu sinh khi đi đò.
- Riêng TX Cửa Lò, Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai quản lý chặt chẽ hoạt động mô tô nước và các phương tiện khác hoạt động vận tải khách trên biển trong mùa du lịch (điều kiện an toàn, khu vực hoạt động....); phòng ngừa tối đa tránh xẩy ra đuối nước...
2. Sở Giao thông Vận tải
- Có phương án vận tải bảo đảm đáp ứng tối đa nhu cầu vận tải phát sinh trong kỳ cao điểm, nhất là tại các đầu mối giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng ùn tắc, nhất là trên các tuyến giao thông trọng điểm; đổi mới phương thức bán vé đảm bảo phục vụ thuận tiện cho hành khách; công bố và duy trì hoạt động của điện thoại đường giây nóng... nhằm kịp thời xử lý các tình huống phát sinh có liên quan.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải, bến xe có kế hoạch bổ sung thêm phương tiện vận tải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, tăng thêm chuyến, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện, an toàn trong các dịp cao điểm.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện; đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện vi phạm quy định về an toàn giao thông, chú ý việc lái xe không có giấy phép lái xe đúng quy định, không đủ điều kiện sức khỏe; ngăn chặn và xử lý nghiêm hoạt động chở quá tải trọng hàng hóa hoặc vượt quá số người quy định, tự ý tăng giá vé, giá cước vận tải. Chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động chở khách ở các bến đò ngang, các điểm du lịch.
- Chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng công an xây dựng phương án tổ chức phân luồng giao thông; bố trí lực lượng ứng trực thường xuyên tại những khu vực giao thông phức tạp để điều tiết, giải tỏa kịp thời, kiên quyết không để xẩy ra ùn tắc giao thông. Phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tổ chức giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
- Chỉ đạo các đơn vị thi công trên các đoạn, tuyến vừa thi công vừa khai thác phải thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hướng dẫn phương tiện lưu thông an toàn, thu dọn vật liệu, máy móc thiết bị thi công, bố trí đèn và biển báo hiệu đầy đủ, những nơi chưa thi công xong phải xử lý vuốt nối êm thuận, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn nhằm phòng ngừa ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.
- Phối hợp với chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã tăng cường quản lý nhà nước về an toàn đường thủy tại các bến khách ngang sông, các điểm du lịch. Kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến trái phép, phương tiện không đảm bảo điều kiện và dụng cụ cứu sinh. Tích cực tuyên truyền, vận động, nhắc nhở hành khách sử dụng áo phao, dụng cụ nổi khi đi thuyền, đò qua sông.
3. Công an tỉnh
- Tiếp tục duy trì và mở rộng các tổ công tác đặc biệt phối hợp với các lực lượng (cả công an cấp xã) tăng cường tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, tuyến đường trọng điểm. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông nhất là xe khách, taxi không đảm bảo an toàn kỹ thuật phương tiện, xe chạy dù, xe buýt nhái, xe phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách, vòng vo dừng, đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định, vi phạm quy định về thời gian lái xe, xe khách chở chất cháy nổ, độc hại, điều khiển phương tiện trong tình trạng đã sử dụng rượu, bia; các vi phạm của người điều khiển mô tô, xe máy, xe đạp điện...
- Bố trí lực lượng tại các tuyến, nốt giao thông trong điểm để phân làn, phân luồng, hướng dẫn đảm bảo giao thông thông suốt, nhất là các dịp cao điểm. Xây dựng các phương án tổ chức, điều tiết giao thông, bố trí đủ phương tiện cứu hộ, cứu nạn để giải quyết kịp thời các sự cố, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.
- Triển khai phương án phòng, chống đua xe, tổ chức đua xe trái phép tại thành phố Vinh, các thị xã và địa bàn vùng phụ cận.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn tỉnh:
Tăng cường thời lượng, chuyên mục tuyên truyền an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ; tập trung tuyên truyền cảnh báo việc không chấp hành pháp luật gây ra tai nạn giao thông, chế tài xử phạt, các biện pháp phòng tránh và kỹ năng tham gia giao thông; cảnh báo tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia quá nồng độ quy định, đuối nước ở các bãi biển, lòng hồ thủy điện...
5. Tỉnh Đoàn thanh niên:
Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đoàn viên thanh niên, nhất là sinh viên, công nhân lao động về quê nghỉ lễ; huy động lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia tuyên truyền, hướng dẫn giao thông tại các nút giao thông trọng điểm, khu vực đông người, các bến đò, khu du lịch... nhằm đảm bảo an toàn giao thông trước, trong và sau dịp nghỉ lễ. 
6. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Chỉ đạo các nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên trước kỳ nghỉ lễ, nhất là tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho học sinh tham gia các kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia; tổ chức ký cam kết trong học sinh, sinh viên về chấp hành pháp luật an toàn giao thông...
7. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, hội viên, gia đình chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tự giác di dời, tháo dỡ các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông.
8. Thường trực Ban an toàn giao thông tỉnh chú trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh:
Thường xuyên, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Công điện này. Tham mưu thành lập đoàn liên ngành chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện ở một số địa phương. Tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và phê bình các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, kém hiệu quả (nêu đơn vị, địa phương cụ thể) để xem xét phân loại thi đua năm 2015.
9. Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh:
Thường xuyên phối hợp với Thường trực Ban an toàn giao thông tỉnh, đoàn liên ngành của tỉnh để tổng hợp, theo dõi làm căn cứ xem xét đề nghị phân loại thi đua năm 2015.
Yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan; UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc. Báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh) để theo dõi, chỉ đạo./.

Tin mới