Cần siết chặt quản lý dịch vụ cầm đồ

(Baonghean) - Theo thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có gần 500 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, riêng địa bàn TP.Vinh có 357 hiệu cầm đồ, phần lớn tập trung ở trung tâm thành phố và quanh các trường đại học, cao đẳng..., nơi thường có nhiều người có nhu cầu vay nóng hay cầm cố tài sản để lấy tiền. Bên cạnh đặc điểm thuận tiện, nhanh gọn về giao dịch, các hiệu cầm đồ cũng đã và đang trở thành nơi "tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có"...
 
Trong vai một tín đồ môn túc cầu cần tiền để đặt cược vào mấy trận đấu ở giải Ngoại hạng Anh, tôi được C (sinh viên) dẫn xuống mấy hiệu cầm đồ ở đường Bạch Liêu nằm sau Đại học Vinh. Theo quan sát, cả một con đường dài chưa đầy 3km này, các hiệu cầm đồ mọc san sát và không ngớt người ra vào. Chúng tôi tấp xe vào một hiệu cầm đồ, chủ hiệu hất hàm hỏi: "Cầm đồ à!". C đẩy tôi vào, nhanh nhẩu trả lời: "Cho ông anh của em gửi tạm "con lap" (máy tính xách tay) chỗ bác. Qua đêm ni là anh rút ra ngay ấy mà, tối ni Man xanh thắng chắc". Tôi liền lấy máy tính cá nhân trong ba lô ra đưa cho chủ tiệm. Cầm chiếc máy tính cá nhân, chủ tiệm đánh mắt "nghề" nhìn vật thế chấp rất chuyên nghiệp. Sau khi khởi động máy, kiểm tra cấu hình, hỏi han thêm dăm ba câu về thời gian sử dụng, chủ tiệm thản nhiên ra giá: "1 triệu, tiền lãi 10.000 đồng/ngày. Cầm trong một tháng. Đồng ý thì làm giấy tờ mà nhận tiền".
 
Nghe vậy, chúng tôi liền "rút" với lời hứa sẽ quay lại sau. Rời khỏi hiệu cầm đồ, tôi hỏi C: "Tại sao lãi suất cao vậy?" C giải thích: "Cũng phải chịu thôi anh à. Sinh viên đứa nào chẳng có lúc thiếu tiền. Mình cần họ chứ họ có cần mình mô. Nhiều đứa bạn em, trả được tiền lãi vài tháng là đành ngậm ngùi cho "trôi" máy tính, xe máy, xe đạp... vì không thể thanh toán. Vậy mà nhiều khi bí tiền nhà, tiền học phí quá cũng phải đi cầm cái gì đó".
 
Ngoài đường Bạch Liêu, nhiều đường phố lớn khác tại TP. Vinh cũng xuất hiện nhiều cửa hiệu cầm đồ như: Đinh Công Tráng, Nguyễn Thị Minh Khai... Một trong những vi phạm phổ biến nhất hiện nay tại các hiệu cầm đồ là cho vay thế chấp tài sản với lãi suất cao gấp nhiều lần so với quy định. Theo Khoản 1, Điều 476 Bộ Luật Dân sự quy định: Lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Với quy định trên, so với lãi suất cho vay cơ bản hiện nay là 14%/năm thì mức cho vay tối đa theo quan hệ dân sự cao nhất là 21%/năm (1,75%/tháng). Tuy nhiên, trong thực tế, theo khảo sát, tại các hiệu cầm đồ, lãi suất cho vay dao động ở mức từ 10 -20%/tháng, cá biệt có trường hợp lãi suất lên đến 30%/tháng. Lãi suất cho vay cao, thu lợi nhanh, trong khi nhu cầu cầm cố trong dân ngày một nhiều, đang là những nguyên nhân giải thích cho hiện tượng các hiệu cầm đồ mọc lên như nấm sau mưa.
 
Trung tá Phan Xuân Hiền - Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP. Vinh cho biết: Theo quy định, cá nhân hoặc tổ chức sau khi có đầy đủ các điều kiện (vốn, thủ tục pháp lý, ANTT, PCCC...), muốn kinh doanh dịch vụ cầm đồ thì chỉ cần làm giấy phép đăng ký kinh doanh là có thể mở một cơ sở cầm đồ. Tuy nhiên, cấp phép thì dễ, nhưng quản lý loại hình kinh doanh này thì không hề đơn giản, bởi nguồn lợi nhuận của hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ (kể cả có phép hay không phép), đều dựa vào việc tính lãi hàng ngày, hàng giờ, dựa trên giá trị tài sản. Tại các hiệu cầm đồ thường xảy ra tình trạng gian lận, tàng trữ, tiêu thụ những tài sản không rõ nguồn gốc, thậm chí là cho vay nặng lãi. Để che mắt các lực lượng chức năng, các hiệu cầm đồ thường bố trí điểm giao dịch một đằng và nơi để tài sản một nẻo, vì thế rất khó kiểm soát, phát hiện những tài sản không rõ nguồn gốc, nếu có phát hiện thì cũng không có đủ bằng chứng, vì khi đến nơi, các đối tượng đã kịp thời phi tang, hoặc nếu bắt được tang chứng, vật chứng thì cũng chỉ phạt dưới hình thức cảnh cáo nên chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, việc cầm đồ với lãi suất cao, cho vay nặng lãi thường là thỏa thuận miệng giữa 2 bên chứ hiếm khi ghi vào trong văn bản, giấy tờ nên càng khó xử lý. Các đối tượng cầm đồ cũng rất đa dạng, phức tạp, trong đó phần nhiều là đối tượng nghiện ma túy, cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá, các đối tượng thanh niên, học sinh, sinh viên hư hỏng, chơi bời...
 
Từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra tại các hiệu cầm đồ, lực lượng chức năng đã lập biên bản 113 trường hợp, thu phạt số tiền 83.400.000 đồng, với các lỗi vi phạm hành chính ở các dạng khác nhau như: Không thực hiện đầy đủ các quy định về an ninh trật tự; quá trình giao dịch không làm hợp đồng cầm đồ; cho, cầm, cắm các giấy tờ, tài liệu sổ sách không có giá trị trao đổi, mua bán như: giấy CMND, giấy phép lái xe, bằng chứng chỉ học tập... Đây chính là sơ hở để bọn tội phạm lợi dụng làm giả các loại giấy tờ nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của chính chủ cửa hiệu cầm đồ.
 
Đơn cử như vào ngày 1/6/2010, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH Công an tỉnh đã bắt giữ 2 đối tượng Trương Quang Hải (SN 1977, trú tại khối 12, phường Quang Trung) và Nguyễn Ngọc Thắng, (SN 1983, trú tại Khối 5, phường Bến Thủy, TP. Vinh) khi chúng đang thực hiện hành vi dùng giấy phép lái xe ô tô, mô tô giả để cầm cố, thế chấp ở một hiệu cầm đồ trên đường Nguyễn Phong Sắc (phường Hưng Dũng, TP. Vinh). Qua khai thác, lực lượng chức năng đã khám phá ra một đường dây chuyên làm giả giấy phép lái xe cùng các văn bằng, chứng chỉ do Trần Thanh Tình (SN 1979, trú tại khối 9 phường Trường Thi) làm chủ, với mục đích chính là đưa cho các con nghiện đến các hiệu cầm đồ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 
Ngoài ra, từ sự lỏng lẻo của các cơ sở cầm đồ, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự tín nhiệm đem tài sản của người khác đi cầm cố để lấy tiền, như trường hợp Hà Huy Hoàng (SN 1984) trú tại khối 11, Thị trấn Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cùng đồng phạm bị lực lượng cảnh sát bảo vệ và cơ động (PC65) Công an tỉnh bắt giữ vào ngày 5/7/2011. Trước đó, lợi dụng sự quen biết, ngày 2/7/2011, Hoàng đã mượn chiếc xe Exciter BKS 38B2 - 0468 của người bạn công tác tại Bưu điện Can Lộc (Hà Tĩnh) và chạy thẳng ra TP. Vinh, đưa tới hiệu cầm đồ đặt lấy 10 triệu đồng để đánh bạc. Qua điều tra được biết, đầu năm 2011, Hoàng còn lấy chiếc xe Wave của vợ đi cắm với giá 5 triệu đồng, đến tháng 3/2011, hắn tiếp tục mượn chiếc xe máy Future Neo của bố vợ đưa đến hiệu cầm đồ lấy 7 triệu đồng tiêu xài.
 
Dù loại hình kinh doanh này đã bộc lộ nhiều bất cập, thế nhưng công tác quản lý vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm ngặt, bởi hiện nay, chế tài xử lý những vi phạm trong hoạt động này còn quá nhẹ. Theo Nghị định 73/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, hành vi nhận cầm cố tài sản mà không có giấy tờ sở hữu hoặc đăng ký; cầm cố, thế chấp tài sản mà không có hợp đồng theo quy định chỉ bị phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng, cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do các hành vi vi phạm pháp luật khác mà có bị phạt từ 5 đến 15 triệu đồng. Mức phạt như vậy so với lợi nhuận mà hoạt động này mang lại thì chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, việc cấp giấy phép kinh doanh còn quá dễ dãi dẫn đến các hiệu cầm đồ mọc lên tràn lan, gây khó khăn trong công tác quản lý.
 
Thiết nghĩ, để hạn chế những lỗ hổng trong lĩnh vực cầm đồ, không để dịch vụ cầm đồ biến thành nơi tiêu thụ của gian, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để người kinh doanh dịch vụ cầm đồ nắm chắc để từ đó tuân thủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực cầm đồ, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm, biến tướng của loại hình kinh doanh phức tạp này, nếu cần thiết thì rút giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, cần hạn chế việc cấp giấy phép kinh doanh cầm đồ một cách ồ ạt, đồng thời có phương thức tổ chức để hệ thống ngân hàng mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh cầm cố, một lĩnh vực kinh doanh hợp pháp của giới doanh nghiệp này.

Đặng Cường - Thành Duy

Tin mới