Về chế độ Bảo hiểm thất nghiệp và Bảo hiểm Y tế

+ Hỏi: Tôi làm công nhân ở một xí nghiệp may mặc trên địa bàn Nghệ An. 1 tháng trở lại đây do công ty không có việc nên chúng tôi buộc phải nghỉ việc. Tôi đã đóng bảo hiểm từ năm 2009, vậy có được hưởng Bảo hiểm thất nghiệp không. (Trần Thị Lan - Nam Đàn)?

- Trả lời: Theo quy định của Luật Bảo hiểm và mới đây là Nghị định số 100/2012/NĐ-CP ra ngày 21/11/2012 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm thất nghiệp thì từ ngày 15/1/2013 những người sau khi mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nếu muốn hưởng bảo hiểm thất nghiệp phải có những điều kiện sau: Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật; Đã đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;  Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động theo quy định tại Khoản 2 điều này”.

Để được hưởng, người lao động cần làm  đơn đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo mẫu,  bản sao hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Khi nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp phải xuất trình Sổ bảo hiểm xã hội hoặc bản xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp.”

Ngoài ra, theo nghị định mới này, người lao động thất nghiệp nếu muốn học nghề sẽ được hỗ trợ. Mức hỗ trợ học nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tùy theo mức chi phí học nghề của từng nghề, mức hỗ trợ học nghề được tính theo tháng trên cơ sở mức chi phí đào tạo của từng nghề. Thời gian được hỗ trợ học nghề phụ thuộc vào thời gian đào tạo của từng nghề và từng người lao động, nhưng không quá 6 tháng. Thời gian bắt đầu để được hỗ trợ học nghề tính từ ngày người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng”.

+ Hỏi: Ngoài thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo thì người nghèo khi đi khám, chữa bệnh được hưởng những chế độ gì? (Nguyễn Văn Đức – Nghĩa Đàn)?  
                                                                                            
- Trả lời: Theo quyết định số 14/2012/QĐ-TTg mới sửa đổi ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ thì các đối tượng là: Người thuộc hộ nghèo theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn hộ nghèo; Đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 5 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ; Người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước. Người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí được:

1.Hỗ trợ tiền ăn khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên với mức tối thiểu 3% mức lương tối thiểu chung/người bệnh/ngày.

2. Hỗ trợ tiền đi lại từ nhà đến bệnh viện, từ bệnh viện về nhà và chuyển bệnh viện khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên, các trường hợp cấp cứu, tử vong hoặc bệnh quá nặng và người nhà có nguyện vọng đưa về nhà nhưng không được bảo hiểm y tế hỗ trợ.

3. Hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

4. Hỗ trợ thanh toán một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh 5.

Trường hợp người bệnh tự lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (trái tuyến, vượt tuyến) hoặc khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu thì thực hiện việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định hiện hành".

Phòng Bạn đọc

Tin mới