Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở

(Baonghean) - * Hỏi: Tôi là cháu của ông Đinh Văn Thuận và bà La Thị Thuận - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng có con trai duy nhất đi bộ đội hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1995, Nhà nước xây cho gia đình một ngôi nhà tình nghĩa, năm 2003 ông, bà Thuận qua đời. Hiện nay nhà của ông, bà do tôi trông nom và thờ cúng (ông Đinh Văn Thuận là anh trai bà nội của tôi), nhưng do nhà làm đã lâu nên đã xuống cấp. Nay tôi làm đơn tu sửa nhà cho ông, bà thì có được Nhà nước hỗ trợ kinh phí không? (Ông Vi Văn Hợi - trú tại xã Cam Lâm, huyện Con Cuông).

Trả lời: Tại Điều 2, Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở” quy định về đối tượng và điều kiện hỗ trợ nhà ở thì ông Vi Văn Hợi không thuộc đối tượng là “thân nhân” của bà La Thị Thuận (Mẹ Việt Nam Anh hùng đã qua đời), nên không được hỗ trợ nhà ở theo chính sách của Đảng và Nhà nước. Bởi theo Điểm 1, Điều 4, Nghị định 31/2013/NĐ- CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì “thân nhân” người có công gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi). Thân nhân liệt sỹ còn là người có công nuôi dưỡng liệt sỹ.

* Hỏi: Trong thời gian tôi nghỉ chữa bệnh, giám đốc công ty đã ra quyết định cho tôi thôi việc với lý do không đủ sức khỏe để tiếp tục công tác. Tôi muốn khiếu nại quyết định trên nhưng vì đang điều trị bệnh ở xa nên ủy quyền cho em trai khiếu nại được không? Pháp luật quy định như thế nào về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại.? (Bùi Đình Sơn – Nghĩa Bình- Nghĩa Đàn)

Trả lời: Theo quy định, quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại được quy định tại Điều 12, Luật Khiếu nại năm 2011:

1. Người khiếu nại có các quyền sau đây:

a) Tự mình khiếu nại.

Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại; trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại;

b) Nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Trường hợp người khiếu nại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình;

c) Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại;
d) Được biết, đọc, sao chụp, sao chép tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;

đ) Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để giao nộp cho người giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;

e) Được yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại;

g) Đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó;

h) Nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại;

i) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

k) Khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính;

l) Rút khiếu nại.

Như vậy trường hợp của ông được quyền ủy quyền cho em trai đã thành niên khiếu nại quyết định cho thôi việc đối với mình. Việc ủy quyền phải lập thành văn bản có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi ông cư trú.

Q.A

Tin mới