Coi chừng biến tướng

(Baonghean) - Ngày 26/5 tới đây, Thông tư liên tịch 13/2014 về phân công quản lý an toàn thực phẩm giữa các Bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực trên toàn quốc.
Theo đó, Bộ Y tế sẽ quản lý an toàn thực phẩm các mặt hàng gồm: nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng, phụ gia và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước đá uống và các sản phẩm khác không có trong danh mục quản lý của hai bộ kia. Còn Bộ Công Thương thì quản lý các loại đồ uống có cồn như bia, rượu, nước giải khát, một số loại sữa đã qua chế biến, bột, tinh bột và bánh, mứt, kẹo… Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm cho các mặt hàng liên quan tới nông sản như: ngũ cốc, rau, củ, quả, chè, cà phê, sữa tươi nguyên liệu, trứng, thịt tươi và đông lạnh và các sản phẩm chế biến có sử dụng thịt động vật…
Thông tư cũng nêu chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ phải có giấy xác nhận đủ kiến thức về an toàn thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ là cơ quan đầu mối tổ chức việc cấp giấy xác nhận. Như vậy, nếu một quán bán chè chén trên vỉa hè hay một gánh  hàng rong bày bán vài quả ổi, quả cóc… cùng ít chai bia, lon nước ngọt với một, hai chai nước suối sẽ phải chịu sự quản lý, giám sát chất lượng của cả 3 bộ nói trên. Và nhất thiết phải có giấy xác nhận đủ kiến thức về an toàn thực phẩm vì ông (hoặc bà/anh/chị/em) chủ gánh hàng đó với tư cách là người “trực tiếp kinh doanh thực phẩm” thuộc diện chịu sự chi phối của thông tư này.
Đứng về mặt lý thuyết thì thấy, thông tư này sẽ giúp cho người tiêu dùng có cơ hội sử dụng các đồ ăn, thức uống bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cho dù chúng được bày bán ở bất cứ đâu. Dù là trong các nhà hàng, khách sạn sang trọng hay quán cóc ở góc chợ, bên hè đường đầy bụi bặm. Nhưng đọc xong thông tư chẳng thấy vui mà cũng không thấy tin tưởng cho lắm. Vì đứng trên bình diện thực tế thì thấy còn nhiều băn khoăn và lo ngại quá đỗi. Trước hết là băn khoăn về tính khả thi. Vì chiểu theo đó, sẽ có hàng trăm nghìn, hàng chục vạn người trong cả nước, từ chủ các gánh hàng rong cho đến chủ các công ty, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn, bé phải chịu sự chi phối của thông tư này. Vậy các bộ chủ quản cần phải có bao nhiêu người để có thể quán xuyến được cái việc xem xét, xác định ai, cơ sở nào đủ điều kiện để được cấp  “giấy xác nhận đủ kiến thức về an toàn thực phẩm”.
Chưa kể là phải cần bao nhiêu nhân lực, cơ sở vật chật để phổ cập kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cho chừng đó người trong cả nước, trước khi tiến hành việc kiểm tra, soát xét việc “có giấy hay không có giấy”. Cho nên, xin được mạo muội làm cái việc “cầm đèn chạy trước ô tô” mà khẳng định luôn: Tính khả thi trong thực tế cuộc sống của thông tư này là không cao. Không khả thi thì có nghĩa là không có tác dụng, nhưng sợ nhất là tác dụng ngược. Đó là điều đáng lo ngại hơn cả khi thông tư này có hiệu lực. Vì một lẽ, thông tư này mà cụ thể là cái “giấy xác nhận đủ kiến thức về an toàn thực phẩm” rất dễ bị biến tướng thành một loại “giấy phép con” để cho những người quản lý lĩnh vực này lợi dụng nhằm trục lợi cá nhân.
Vì nhìn vào quy định này thì thấy rõ ngay một điều là muốn được tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này thì nhất thiết phải được cơ quan chủ quản cấp giấy chứng nhận. Muốn được cấp thì chỉ có hai cách, một là tham gia các khóa đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cách này vừa tốn thời gian mà không chắc đã “đậu” để được cấp giấy xác nhận. Cách thứ hai nhanh và hiệu quả nhất là chi một khoản tiền nhất định để “chạy” mà thực chất là mua giấy xác nhận. Thực tế cuộc sống cho thấy, cả bên “cấp” và bên “xin” đều rất chuộng cách này vì đôi bên cùng có lợi. Chuyện  này đã có tiền lệ khá nhiều và tương đối phổ biến ở trong các lĩnh vực khác. Chưa kể việc mở lớp cung cấp kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng rất dễ trở thành một dịp kiếm tiền cho người mở lớp. Vì đã có một chủ quán phở ở Hà Nội lên báo “tố” chuyện được mời lên phường để trang bị kiến thức về vấn đề này. Ngồi nghe giảng tai nọ xọ tai kia, cuối  buổi chẳng nhớ được chữ nào mà chỉ nhớ có một việc là nộp 200 nghìn đồng bồi dưỡng giảng viên. Mới thế thôi mà đã vậy. Thử hỏi tới đây bắt buộc phải có giấy xác nhận mới được  phép kiếm ăn thì sự thể sẽ đi tới đâu?
Cho nên, nghe phổ biến thông tư không thấy mừng mà chỉ thấy lo. Lo bị biến tướng, trở thành cơ hội cho người ta nhũng nhiễu dân. Tạo thêm môi trường cho cái thói “tham nhũng vặt” hoành hành. Cho nên các bộ chủ quản và các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ và xem xét, nghiên cứu kỹ lượng để có biện pháp khắc chế, không để xảy ra tình trạng biến tướng nhằm thu lợi bất chính từ thông tư này.
Phải cảnh giác và hết sức coi chừng sự biến tướng.
Duy Hương

Tin mới