Gỡ "vướng" cho hoạt động Thừa phát lại

(Baonghean) - Hoạt động Thừa phát lại là giải pháp giảm thiểu rủi ro về pháp lý trong các giao dịch dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người dân; giảm tải công việc cho các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, do mới được thành lập, hiểu biết của người dân và các cơ quan chức năng còn hạn chế nên hoạt động của chế định này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. 

Ngày 12/9/2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 2282/QĐ-BTP phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại” tại tỉnh Nghệ An. Ngày 22/3/2014, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 1051/QĐ-UBND cho phép thành lập “Văn phòng Thừa phát lại TP. Vinh” đặt tại địa chỉ số 15B, đường Hà Huy Tập (phường Hà Huy Tập). Đây là Văn phòng Thừa phát lại đầu tiên của tỉnh Nghệ An. Dù mới đi vào hoạt động hơn 6 tháng nhưng những kết quả mà văn phòng thực hiện được cho thấy những dấu hiện khả quan: Đến nay, văn phòng đã tống đạt được 1.753 văn bản của các cơ quan Tòa án, Thi hành án dân sự; lập được 22 vi bằng cho người dân, xác minh điều kiện thi hành án được 5 vụ và trực tiếp tổ chức thi hành án được 4 việc.
Ông Nguyễn Văn Kha, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Thành phố Vinh cho biết: Chế định Thừa phát lại tạo cơ chế tăng cường tính chủ động, tích cực của công dân trong các quan hệ dân sự, tố tụng dân sự, trong đó việc lập vi bằng của Thừa phát lại đã được người dân đón nhận tích cực tạo thêm công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong việc thực hiện các giao dịch dân sự và trong các quá trình tố tụng tư pháp. Ngoài ra, hoạt động Thừa phát lại còn hỗ trợ, giảm tải gánh nặng công việc cho các cơ quan chức năng. Đặc biệt, tháng 9 vừa qua, nhờ thực hiện tốt nhiệm vụ tống đạt nên hoạt động của Tòa án nhân dân thuận lợi hơn, hạn chế được việc hoãn xét xử do vắng mặt các thành phần liên quan. 
Người dân đến lập vi bằng tại Văn phòng Thừa phát lại TP. Vinh.
Người dân đến lập vi bằng tại Văn phòng Thừa phát lại TP. Vinh.
Tuy nhiên, do mới thành lập và đang ở dạng thí điểm nên hoạt động Thừa phát lại gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, đa số người dân chưa được biết đến khái niệm Thừa phát lại, chưa hiểu rõ những nội dung công việc của Thừa phát lại nên chưa tìm đến với loại hình dịch vụ này. Nhiều người còn cho rằng, Thừa phát lại là một doanh nghiệp, không phải là cơ quan Nhà nước nên không có chức năng, cơ sở pháp lý. Vì vậy, họ e ngại và chưa mặn mà với hoạt động này. Trong khi đó, trên thực tế, Thừa phát lại ra đời và hoạt động với mục đích chính là đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Ngay cả một số cơ quan, đơn vị ở các địa phương cũng chưa thực sự hiểu biết đầy đủ về hoạt động này. Do đó, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, công tác phối hợp, chỉ đạo điều hành có lúc, có nơi chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; một số địa phương thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại chưa thực sự quyết liệt trong việc triển khai thí điểm... Công tác tuyên truyền cho hoạt động Thừa phát lại còn hạn chế nên người dân và cơ quan chức năng chưa nhận thức đầy đủ về hoạt động Thừa phát lại. Mặc dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh tham gia nhưng thực tế hoạt động này chưa được quan tâm đúng mức.
 Bên cạnh đó, do trong thời gian thí điểm nên các quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại chưa đồng bộ với các quy định pháp luật trong các lĩnh vực liên quan khác, dẫn đến vướng mắc trong việc sửa đổi, bổ sung và áp dụng các quy định pháp luật trong lĩnh vực này. Ông Nguyễn Văn Kha dẫn ra một vướng mắc trong nhiệm vụ tống đạt là mức phí còn thấp và có sự vênh nhau trong quy định. Cụ thể, tại Thông tư liên tịch gồm Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tài chính quy định mức phí tống đạt trong phạm vi cấp huyện nơi đặt văn phòng không quá 65.000 đồng/việc; ngoài phạm vi cấp huyện nơi đặt văn phòng không quá 130.000 đồng/việc. Nhưng trong văn bản do Tòa án nhân dân tối cao quy định thì đối với trường hợp tống đạt cho nhiều người ở cùng địa chỉ trong phường, xã, thị trấn vào cùng thời điểm thì tính không quá 30.000 đồng/việc cho người thứ hai trở đi. Theo ông Kha, mức phí như vậy là quá thấp, không đảm bảo cho các thừa phát lại thực hiện nhiệm vụ của mình. Bởi, Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, việc tống đạt có thể ở nhiều địa hình, khoảng cách địa lý khác nhau, có nơi đến 300 km. Việc quy định mức phí thấp như vậy là không đủ để các thừa phát lại chi phí trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình. 
Hiện nay, Bộ Tư pháp xác định, công tác triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại là một nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch công tác của ngành. Bởi vậy, bộ đã chỉ đạo các địa phương, sở, ban, ngành phối hợp, giải quyết những vướng mắc của các văn phòng Thừa phát lại. Trên cơ sở đó, để chế định Thừa phát lại được thực thi hiệu quả trên địa bàn tỉnh trong thời gian thí điểm, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Thực hiện thí điểm chỉ định Thừa phát lại...; Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực đảm bảo tiêu chuẩn để trình bổ nhiệm thừa phát lại, đồng thời tiếp nhận hồ sơ, làm thủ tục mở Văn phòng Thừa phát lại và thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về Thừa phát lại theo đúng quy định của pháp luật. 
 Bà Nguyễn Thị Quế Anh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Để hỗ trợ hoạt động của Thừa phát lại, thời gian qua, UBND tỉnh đã có những chính sách, giải pháp như: Hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc tập huấn; phát hành các tài liệu ấn phẩm cung cấp kiến thức pháp lý, kỹ năng nghề nghiệp và tuyên truyền về Thừa phát lại... Tuy nhiên, để hoạt động Thừa phát lại đạt hiệu quả cao hơn thì cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về Thừa phát lại, thống nhất nhận thức về chủ trương thí điểm Thừa phát lại của Đảng và Nhà nước. Nâng cao nhận thức và huy động tối đa sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện chế định này. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành Tòa án, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Sở Tư pháp trong việc hỗ trợ các hoạt động của Thừa phát lại, đặc biệt là hoạt động Tống đạt và tổ chức thi hành các bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật…
Bài, ảnh: Phạm Bằng
 Chức năng Thừa phát lại được làm những công việc sau :
1. Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.
2. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
3. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.
4. Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. 
Cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và mọi cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Thừa phát lại theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối trái pháp luật yêu cầu của Thừa phát lại thì phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Tin mới