Đội tuyển Việt Nam dồn sức cho trận đánh lớn với Iraq

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Khi trận đấu chưa bắt đầu, nhìn vào danh sách đá chính của Đội tuyển Việt Nam trong trận gặp Đội tuyển Philippines, người am tường đã bày tỏ rất nhiều lo ngại.

Nếu đội chủ nhà sử dụng một đội hình khá lớn tuổi thì đội khách trái lại tung ra đội hình phần lớn cầu thủ trẻ, với sự có mặt của lần lượt Tuấn Tài, Minh Trọng, Thái Sơn, sang hiệp 2 là Văn Cường, Văn Tùng và cả Đình Bắc. Cặp tiền vệ trung tâm hay nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại là Hùng Dũng, Hoàng Đức ngồi ngoài. Ngọc Hải thậm chí không có tên trong danh sách dự bị mà vào danh sách 5 cầu thủ… bị loại. Xuân Mạnh cũng không được vào sân phút nào?

403A5360.jpg
Bàn thắng mở tỷ số cho tuyển Việt Nam. Ảnh: Hải Hoàng

Vậy nhưng cá tính mạnh của ông Philipe Troussier trong việc thay đổi lối chơi dựa trên sự thay đổi về hàng loạt nhân sự trong trận đấu này bắt đầu chứng minh lý do tồn tại của nó. Ông thầy người Pháp yêu cầu học trò “chơi kiểm soát bóng, tận dụng khoảng trống và ra quyết định hợp lý” được chứng minh trước một đối thủ chỉ có chiều cao thể hình, chủ trương chơi bóng bổng và lợi thế sân nhà, cỏ nhân tạo là hoàn toàn không đủ. Ông Troussier dùng Tuấn Anh và Thái Sơn trong vai trò điều tiết, cầm nhịp lối chơi. Một người là cầu thủ nổi danh từ thời Park Hang-seo với khả năng xoay trở cực tốt, không ngại va chạm và biết lùi về phòng ngự hỗ trợ tuyến sau. Một người mới được ông thầy phát hiện từ SEA Games 32, càng chơi càng chững chạc nhờ sức trẻ và ý chí ngoan cường.

Trong khi vẫn cùng nhau kiểm soát bóng để tạo ra thế trận chủ động, không để đối thủ triển khai các mảng miếng tấn công, trong sự “mơ màng” về những đường chuyền qua lại, thì bất ngờ Thái Sơn từ trung tâm “ra quyết định” chính xác bằng một đường chuyền dài lên cho Tuấn Hải, bóng dội ra đến chân Văn Toàn và cả sự nhập cuộc của Tiến Linh, để rồi Văn Toàn có cú ra chân lạnh lùng, đánh gục thủ môn từng chơi ở Giải Ngoại hạng Anh Etheridge, dội một gáo nước lạnh lên đội chủ nhà, đưa thế trận về sự chủ động hoàn toàn cho đội khách Việt Nam. Bàn thắng thứ 2 của Đội tuyển Việt Nam cũng lại là một tình huống phản công chói sáng của 2 nhân tố trẻ Văn Tùng và Đình Bắc, trong đó chân sút 19 tuổi Đình Bắc đã chính thức bước ra ánh sáng, ra sân chơi khu vực và châu lục, khẳng định một thế hệ mới của bóng đá Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện và có khả năng làm được những điều mới mẻ, đáng chờ đợi.

Đến đây thì có thể thấy ông Troussier không bảo thủ như ai đó nghĩ sau loạt trận giao hữu bết bát hồi tháng 10. Nghĩa là ông vừa kiên định với chủ trương kiểm soát bóng, vừa biết cách để làm sao tấn công có hiệu quả. Hãy nhớ lại pha phối hợp chồng biên bên cánh trái giữa Tuấn Tài-Minh Trọng để Tuấn Tài không chỉ là người chỉ biết chuyền dài từ dưới lên mà có thể phối hợp, xâm nhập vòng cấm và chuyền bóng như đặt cho đồng đội. Khi Văn Cường vào sân, anh cũng có pha phối hợp cực kỳ ăn ý để bó vào trung lộ, chuyền bóng rất đẹp cho đàn anh Tuấn Hải. Tiếc rằng, cả Văn Toàn lẫn Tuấn Hải đều không xử lý thành công. Chính điều này sau đó đã khiến Đội tuyển Việt Nam gặp khó khi không biết cách kết liễu sớm đối thủ, để đối thủ vùng lên từ phút 60 trở đi và nếu họ may mắn, không biết điều gì đã xảy ra?

Rõ ràng, nỗi lo về hàng công lẫn hàng thủ vẫn còn đó, dù Đội tuyển Việt Nam vừa gặp một đối thủ trung bình, dù có 3 điểm, không để thủng lưới. Chắc chắn vẫn phải chờ sự trở lại của Ngọc Hải lẫn Duy Mạnh, khi Thanh Bình hay Việt Anh có thể chơi bóng bổng tốt, nhưng chơi bóng sệt, xử lý bóng ngắn và phối hợp với đồng đội vẫn còn một số “sai số” đáng ngại. Tình huống Thanh Bình xử lý chậm rồi để mất bóng ở cuối trận là một điểm trừ rất đáng tiếc đối với trung vệ của Viettel. Phòng ngự cánh của Văn Thanh hay Minh Trọng đều không tốt khi để cho đối phương khai thác để xâm nhập và sút bóng sát với khung thành Văn Lâm không chỉ một lần.

Trong khi đó, các tiền vệ trung tâm cũng trở nên quá tải khi phải lùi về phòng ngự quá nhiều như thế trận ở hiệp 2, đặc biệt là những phút cuối trận, khiến hàng thủ rất vất vả chống đỡ và tất yếu sai sót sẽ xảy ra. Như vừa nói ở trên, đã có khá nhiều tình huống phối hợp tốt để đưa bóng vào tầm sút nhưng đáng tiếc các tiền đạo bỏ lỡ, phung phí quá nhiều, nhất là Tuấn Hải dù anh vô cùng năng nổ, xông xáo.

Sau trận thắng có phần… hú vía nói trên, nhiều người nghĩ ông Troussier đang toan tính đường dài khi cất khá nhiều nhân tố trụ cột như Ngọc Hải, Hùng Dũng, Hoàng Đức, Xuân Mạnh để hướng tới trận đấu quyết định với Đội tuyển Iraq trên sân Mỹ Đình? Nếu ai xem trận đấu Iraq-Indonesia (5-1) thì sẽ thấy cách làm của ông thầy người Pháp là sáng suốt và đúng đắn bởi đối thủ Tây Á rất đáng gờm dù truyền thông cố tình hạ thấp do chuyện nội bộ nào đó. Thực ra bất cứ đội bóng nào cũng có những vấn đề nội tại, vấn đề là ai xử lý tốt và ai không mà thôi.

Với thể thức thi đấu Vòng loại World Cup ở vòng đấu thứ 2, việc xếp sau Iraq là điều bình thường và tất yếu. Vấn đề là Việt Nam hay Indonesia sẽ giành được kết quả cuối cùng ở vị trí thứ 2 để lọt vào Vòng 3 như kế hoạch? Nếu Việt Nam giành được một kết quả chấp nhận được trước Iraq qua 2 vòng đấu đi/về, có hiệu số tốt hơn Indonesia chẳng hạn, đã là thành công. Vì thế trận đấu trên sân Mỹ Đình trước Iraq tới đây, hãy đừng nói chuyện “kiểm soát bóng tấn công” mà phải là sử dụng hiệu quả nhất nhân lực vốn có, kinh nghiệm kết hợp với sức trẻ, tận dụng lợi thế sân nhà, lợi thế được nghỉ nhiều hơn đối thủ… để biến thành sức mạnh thực sự qua mỗi đường bóng, qua mỗi tình huống phòng ngự hay tấn công...

Liệu thầy trò ông Troussier có rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu sau các trận thua giao hữu trước Trung Quốc, Uzbekistan và Hàn Quốc hay không, sau trận mở màn với nhiều điểm sáng và có những khoảng tối với Philippines, để đối đầu với một đối thủ chính thức hùng mạnh như Iraq hay không chắc chắn là một câu hỏi không dễ trả lời?

Tin mới