Giá dịch vụ gặt máy ở Nghệ An bình ổn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Thời điểm này, các địa phương ở Nghệ An đang bước vào vụ thu hoạch lúa Xuân. Để tránh tình trạng “cò” máy gặt, nâng giá máy gặt gây khó khăn cho người dân, chính quyền các địa phương đã vào cuộc tích cực, triển khai nhiều giải pháp để không xảy ra tình trạng bảo kê máy gặt.

bna_5.jpg
Riêng tại xã Ngọc Sơn (Thanh Chương) thời điểm này có 9-10 máy gặt đang hoạt động tại các xứ đồng. Ảnh: T.P

Những ngày qua, người dân xã Ngọc Sơn (Thanh Chương) bước vào vụ gặt. Ở mỗi xứ đồng đều có 2-3 máy phục vụ người dân. Giá mỗi sào gặt máy là 200.000 đồng, tương đương mức giá các năm trước.

“Mặc dù vụ này người dân đều muốn đẩy nhanh tiến độ thu hoạch để gieo cấy hè thu, “cướp” nắng để phơi phóng nhưng rất may không xảy ra tình trạng khan hiếm máy. Một phần là do các xứ đồng lúa chưa chín đồng loạt, máy các nơi về nhiều, phần nữa thì việc quản lý máy gặt chặt chẽ hơn nên không có tình trạng cò, bảo kê, làm giá máy gặt”, chị Nguyễn Thị Hiếu, một người dân có ruộng ở xứ Lam Hồng (xã Ngọc Sơn) cho biết.

bna_3.jpg
Mặc dù "nông vụ tấn thời" song không khan hiếm máy gặt. Ảnh: T.P

Nếu như các năm trước, vào thời điểm “nông vụ tấn thời”, một số người dân ở Diễn Thái (Diễn Châu) phải “chạy theo” máy gặt để gặt cho kịp vụ, nên lúa dù mới chín được 70-80% cũng đã phải gặt nên năng suất, chất lượng giảm sút. Do đó, từ đầu vụ gặt lúa Xuân 2024, địa phương làm việc trực tiếp với Hợp tác xã, các chủ máy gặt thống nhất giá, đồng thời quản lý chặt chẽ hoạt động của các máy gặt đập trên địa bàn.

Bà Đinh Thị Trang - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Thái cho biết: “Toàn xã có 368 ha lúa vụ Xuân đang rộ vụ gặt. Hiện, trên đồng đất Diễn Thái có 9 máy gặt đang hoạt động. Hầu hết máy gặt do dân tự liên hệ về. Tuy nhiên, khi máy về hoạt động trên các xứ đồng của xã thì đã thông qua xã, làm cam kết về giá, cam kết gặt hết ruộng của dân, không bỏ ruộng giữa chừng. Trong quá trình vận hành máy không để mất an ninh trật tự, không làm hư hại các công trình thuỷ lợi, nếu hư hỏng phải sửa chữa, đền bù. Đồng thời, hàng ngày, xã phân công cán bộ xuống tận ruộng để kiểm tra, giám sát máy gặt, công bố đường dây nóng để dân phản ánh về dịch vụ máy gặt”.

bna_4.jpg
Máy gặt hoạt động nghiêm dưới sự quản lý chặt chẽ của địa phương nên người dân gặp thuận lợi trong quá trình thu hoạch. Ảnh: T.P

Nhờ làm tốt khâu quản lý, do đó, mặc dù sau trận mưa lốc vào đầu tháng 5 khiến diện tích lúa ở Diễn Thái đổ ngã khá nhiều, ruộng sụt lún nhưng các chủ máy vẫn cam kết chỉ lấy 200.000 đồng/sào như những ruộng cạn, ruộng “lúa đứng”.

bna_bùn.jpg
Những diện tích ruộng sâu, bùn, lúa ngã đổ thì giá gặt vẫn giữ nguyên 200.000 đồng/sào. Ảnh: T.P

“Các năm trước thì mỗi sào lúa đổ, chủ máy sẽ lấy giá cao hơn từ 30.000-50.000 đồng nhưng năm nay cũng chỉ thu 200.000 đồng như các ruộng khác. Thật sự rất phấn khởi”, ông Nguyễn Văn Long, một nông dân xã Diễn Thái cho biết.

Vụ Xuân 2023, ở Nam Giang (Nam Đàn) xảy ra tình trạng “cò” máy gặt nên người dân hết sức khó khăn khi thuê máy, giá gặt cũng cao hơn và do phụ thuộc vào “cò” máy nên lựa ruộng khô, ruộng bằng để gặt, gặt chưa xong xứ này đã bỏ sang xứ khác…

Năm nay, xã cũng đã thành lập các tổ chức năng quản lý máy gặt trên các xứ đồng. Theo đó, các chủ máy gặt khi về làm dịch vụ ở Nam Giang đều phải đăng ký tạm trú (đối với chủ máy ở xa đến), ký cam kết mức giá, cam kết gặt xứ đồng nào xong xứ đồng đó, tránh tình trạng khan hiếm máy gặt cục bộ…

bna_2.jpg
Các tổ thợ gặt máy khi về các địa phương đều thực hiện nghiêm đăng ký tạm trú, cam kết các nội dung với xã. Ảnh: T.P

“Mới bước vào vụ gặt nhưng chúng tôi khá yên tâm khi các máy gặt được phân bố đồng đều, giá cả đã thống nhất từ trước. Do đó, không lo thiếu máy, không phải chạy theo máy như năm trước”, bà Nguyễn Thị An, một người dân ở Nam Giang cho biết.

Đưa 2 máy gặt từ Hải Hậu (Nam Định) vào Nghệ An làm nghề, anh Trần Học Phi cùng nhóm thợ phụ đã liên hệ với các địa phương có diện tích lúa nhiều để đưa máy về đồng. Nếu như trước đây, anh phải làm việc qua “cò” máy, ngoài việc trích hoa hồng cho các “cò”, mỗi sào từ 30-50.000 đồng thì tổ thợ của anh còn chịu sự điều tiết của cò là sẽ gặt xứ đồng nào trước, gặt cho ai trước, có khi xứ đồng này chưa hết ruộng đã phải di chuyển đến xứ đồng khác.

bna_máy nhiều.jpg
Trên các cánh đồng, máy gặt đã bố trí hợp lý hơn, không xảy ra hiện tượng khan hiếm cục bộ. Ảnh: T.P

“Quả thật, qua “cò” rất bất lợi, chúng tôi di chuyển thì tốn thêm dầu, cò “làm giá” với bà con nên giá gặt cao, chọn ruộng để gặt nên bà con bức xúc. Nay, việc quản lý máy gặt được thắt chặt, chúng tôi trực tiếp làm việc với các xóm, hợp tác xã nên công việc thuận lợi, giá cả ổn định, dao động từ 180-200.000 đồng/sào”, anh Phi cho biết.

Vụ Xuân năm 2024, toàn tỉnh gieo cấy 90.904,8 ha lúa, hiện nay lúa bắt đầu chín rộ, bà con nông dân đang tập trung nhân lực đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, để kịp thời sản xuất vụ Hè thu. Và điều quan trọng nhất quyết định tiến độ thu hoạch đó là hoạt động của máy gặt. Để bảo đảm tiến độ thu hoạch của bà con, nhất là không để xảy ra tình trạng lợi dụng sức cầu tăng để nâng giá, ép giá và bảo kê máy gặt, cấp ủy, chính quyền các địa phương và lực lượng công an đang quyết liệt triển khai nhiều phương án.

bna_ghép 3.jpg
Bước vào vụ gặt, các địa phương đều thông báo công khai việc quản lý máy gặt, công khai giá và số điện thoại đường dây nóng. Ảnh: T.P

Bên cạnh sự chủ động vào cuộc của các địa phương và ngành công an, thì bà con nông dân phải thông tin kịp thời khi có tình trạng ép giá quá cao, bảo kê máy gặt để chính quyền địa phương và lực lượng chức năng vào cuộc xử lý kịp thời.

Tin mới