Gia đình anh Lành cần được giúp đỡ

(Baonghean.vn) - Để cắt bỏ chiếc chân bị rò tủy phải có 30 triệu đồng, nhưng gia đình anh Lành quá nghèo, người vợ phải chạy ăn hàng ngày để nuôi 2 đứa con, còn anh phải nằm một chỗ với cái chân đang hoại tử, nhức buốt óc...

 

Căn nhà anh Võ Công Lành (SN 1981, xóm 5, xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu, Nghệ An) tuềnh toàng, trống huyếch, sân vườn xơ xác vắng lặng đìu hiu. Anh Lành phải nằm một chỗ trên giường, bàn chân trái đắp mảnh chăn chiên nhưng không ngăn được mùi tanh do bàn chân đang hoại tử. Chị Nguyễn Thị Tuyết - vợ anh, đang đi làm thuê, nhà chỉ có anh và đứa con 3 tuổi.

 
Gia đình anh Lành cần được giúp đỡ ảnh 1

             Cháu Hùng (3 tuổi) phải luôn ở cạnh giường bệnh với bố.


Lành là con út, mắc chứng bệnh động kinh từ nhỏ nên thể trạng luôn ốm yếu. Đến tuổi trưởng thành, chứng bệnh động kinh vẫn cứ đeo đẳng, hành hạ anh. Đang làm việc nhưng bất chợt lên cơn là mặt mày tối sầm rồi ngã vật xuống chẳng biết gì nữa. Do nhà quá nghèo nên đỡ bệnh là anh lại đi làm thuê. Con gái Khánh Ly sinh năm 2007, vừa sinh đã phải nhập viện vì u xương cụt. Tích lũy được ít tiền, chị Tuyết đưa cháu Khánh Ly đi phẫu thuật, nhưng chỗ xương cụt của nó không lành vẫn cứ đùn ra từng mẩu thịt kèm với mủ.

Năm 2009, anh chị sinh thêm cháu Hùng, gia cảnh thực sự lâm vào túng quẫn. Mẹ làm quần quật suốt ngày không được nghỉ ngơi, ăn uống thiếu thốn nên khi sinh ra Hùng quá yếu phải nằm trong lồng ấp bằng kính mấy tháng trời. Đã vậy chân phải bị khoèo, tay bị tật cứ co quắp vào mạng sườn, mặt lúc nào cũng ngơ ngẩn như buồn ngủ.

 

Để có tiền chạy chữa cho hai con, anh Lành lại từ làng trên tìm xuống xóm dưới đi làm thuê nghề phụ hồ. Ai cho việc làm cũng xăng xái, nhiều hay ít tiền công không bao giờ so đo, chỉ mong sao có tiền đưa về. Nhưng tai họa đã giáng xuống đầu anh. Năm 2009, khi đang phụ hồ ở trên giàn giáo thì bất chợt lên cơn động kinh, bị rơi từ trên giàn giáo xuống đất, anh bị chấn thương cột sống, được chỉ định mổ để cố định cột sống. Chi phí cho ca mổ này khoảng chừng 20 triệu, không thể kiếm ở đâu ra tiền nên gạt nước mắt, chị đành đưa anh về nhà. Vết thương không được chữa trị nên anh không thể đi lại được chỉ nằm một chỗ, nhưng khổ nhất là hệ bài tiết không còn hoạt động được nữa, từ tiểu tiện đến đại tiện chị Tuyết phải giúp chồng.

 

Chỉ nằm một chỗ, hai chân bắt đầu tê dại và có biểu hiện bị liệt, vết thương ở gót chân trái mưng mủ rồi loét rộng ra, nhức buốt lên tận óc. Đi bệnh viện để khám, các bác sỹ lắc đầu ái ngại: anh bị rò tủy, cái chân không thể cứu được nữa, phải chuyển ra bệnh viện Hà Nội để cưa bỏ (áng chừng hết 30 triệu đồng), trong lúc anh chị còn nợ ngân hàng 20 triệu đồng. 3 năm anh Lành nằm liệt giường, chị Tuyết vừa chăm chồng, vừa chăm con, vừa đi cấy hái làm thuê, kiếm đủ cái ăn đã may mắn lắm rồi, nói gì đến tiền chữa bệnh ! Mảnh đất ông bà để lại cũng đã cắt bán dần để lấy chi phí chạy chữa cho cả 3 bố con. Ngay cả con bò được các tổ chức xã hội ủng hộ cũng đã bán nốt, bây giờ không còn gì để bán nữa. Theo liệu trình, cháu Khánh Ly phải đi tái khám sau phẫu thuật nhưng nhà quá nghèo nên đành để con ở nhà. Vết mổ đùn thịt, mưng mủ nên Khánh Ly thường xuyên lên cơn sốt nằm lỳ trên giường.

 

Ông Võ Công Chính - xóm trưởng xóm 5, nói: “Hộ anh Lành đặc biệt khó khăn, chị Tuyết không có việc làm nên thiếu đói quanh năm. Bà con trong xóm rất thương xót nên có các chế độ hỗ trợ nào của nhà nước cũng nhường cho, nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần nhỏ thôi”.

 

Thấy vợ vất vả, khó nhọc, con cái nheo nhóc bệnh tật, anh Lành quay mặt vào tường lau nước mắt: Nhiều đêm đau đớn không ngủ được, tôi cứ ước ao, giá có tiền để cưa bỏ cái chân, lành vết thương tôi lại có thể đi làm thuê, số tiền 20 triệu nợ ngân hàng rồi sẽ trả dần, đỡ gánh nặng cho vợ phải chăm sóc mình hàng ngày, cho con lành bệnh để được đi học.

Đạm Phương

Tin mới