Giải pháp hiệu quả cho vùng đất bãi Hưng Nguyên

(Baonghean) - Vùng đất bãi hạ lưu ven sông Lam ở huyện Hưng Nguyên là đất thủy thành chủ yếu gồm các loại: phù sa cổ và phù sa được bồi hàng năm. Trước thập niên 90 có gần 1.000 ha, thổ nhưỡng ở đây rất thích hợp với các loại cây trồng hàng năm như: ngô, lạc, đậu đỗ, kê, vừng, các loại rau màu… Năng suất thực thu các loại cây trồng ở đây đạt rất cao, nhờ độ phì màu mỡ, phù sa được bồi đắp hàng năm.

Theo người dân địa phương, trước đây mưa lũ chủ yếu tập trung vào hạ tuần tháng 9 và đầu tuần tháng 10, mùa hè hạn hán ít xảy ra, dựa vào quy luật thời tiết khá ổn định người dân có thể chủ động canh tác 2 đến 3 vụ trên năm. Tuy nhiên những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động của nạn khai thác cát trái phép, đã làm thay đổi dòng chảy, nhiều diện tích bị sạt lở, một số diện tích bị cát hóa không còn khả năng canh tác. Bên cạnh đó hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng, nguồn nước cung cấp cho cây trồng chủ yếu phụ thuộc vào lượng mưa. Vụ hè thu mực nước ngầm thấp, nắng nóng gây hạn nghiêm trọng ở giai đoạn đầu của cây con, cuối vụ mưa lũ thường đến sớm, gây thiệt hại về năng suất, sản lượng cây trồng.

Qua số liệu báo cáo, diện tích đất bãi màu vùng hạ lưu sông Lam hiện nay chỉ còn khoảng hơn 700 ha, thuộc 9 xã: Hưng Lĩnh, Hưng Long, Hưng Xá, Hưng Xuân, Hưng Lam, Hưng Khánh, Hưng Châu, Hưng Lợi, Hưng Nhân. Trong đó vụ đông xuân canh tác được hơn 500 ha, chủ yếu cơ cấu các loại cây trồng như: ngô, lạc, rau các loại; còn khoảng 200 ha có tỷ lệ cát cao, hoặc nằm trong vùng tranh chấp, ranh giới không rõ ràng với Hà Tĩnh nông dân rất ít canh tác.

Đất bãi xã Hưng Lam (Hưng nguyên) vụ hè thu không sản xuất được

vì thiếu nước.

Năng suất ngô vụ xuân vùng đất bãi bình quân 3 năm gần đây dao động từ 50 - 55 tạ/ha; năng suất lạc dao động từ 22 - 23 tạ/ha. Vụ hè thu phần lớn diện tích đất bãi bỏ hoang, dùng làm bãi chăn thả. Số diện tích đất màu bãi được gieo trồng chỉ đạt khoảng 180 - 220 ha, tập trung chủ yếu ở Hưng Nhân, Hưng Lam, Hưng Khánh, Hưng Châu… Cây trồng chủ yếu là đậu đỗ, năng suất đạt 6 - 8 tạ/ha; vừng 5 - 6 tạ/ha;  kê 10 - 12 tạ/ha.

Vấn đề đặt ra là canh tác 2 vụ/năm doanh thu đạt khá cao, nhưng tại sao diện tích sản xuất hè thu trên đất bãi ngày càng thu hẹp? Một số công thức luân canh và mô hình cây trồng mới như ớt cay cao sản xuân hè, cỏ ngọt,  kê… doanh thu đạt rất cao, tại sao không mở rộng được?

Để  sản xuất trên vùng đất màu bãi Hưng Nguyên hiệu quả, trước hết, dựa vào lợi thế nguồn nước có sẵn của sông Lam, huy động mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi tưới cho vùng bãi. Áp dụng công nghệ cấp nước bằng đường ống nhựa, để tránh hệ quả bị cát bồi lấp kênh mương hàng năm. Giải quyết được vấn đề này là yếu tố trọng tâm, sẽ chủ động bố trí lại thời vụ, né tránh được hạn hán, tránh được mưa lũ, đảm bảo sản xuất hiệu quả, an toàn và ăn chắc; kết hợp đầu tư đường giao thông, hệ thống điện. Đối với một số vùng bãi đặc thù không xây dựng được hệ thống kênh mương, ban hành chính sách hỗ trợ nông dân tự khoan giếng, bơm nước phục vụ sản xuất.

Hai là, rà soát, thống kê hiện trạng, quy hoạch tổng thể về hệ thống thủy lợi, hệ thống giao thông, điện, đánh giá thổ nhưỡng xác định cây trồng chính, vụ sản xuất chính cho từng vùng; quy hoạch vùng dành riêng cho chăn nuôi đại gia súc. Tiến hành dồn điền đổi thửa, khắc phục tình trạng thửa nhỏ lẻ, manh mún, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa; khuyến khích các hộ có đủ năng lực đầu tư xây dựng trang trại sản xuất trồng trọt kết hợp chăn nuôi gia súc, tận dụng mặt nước sông, lạch phát triển nguồn lợi thủy sản.

Ba là, tăng hệ số sử dụng đất, mở rộng diện tích canh tác 2 vụ/năm, bố trí lại thời vụ. Tập trung chỉ đạo gieo trỉa sớm một số cây trồng vụ đông xuân như: ngô, lạc, khoai tây, cỏ ngọt… để thu hoạch cuối tháng 2, đầu tháng 3 dương lịch, có thời gian chủ động làm vụ xuân hè, không sản xuất vụ hè thu. Tùy vào tập quán canh tác, lợi thế của từng vùng vụ xuân hè cơ cấu: đậu xanh, đậu tương, vừng, ớt cay cao sản, kê,… Đặc biệt một số vùng bãi cao thuộc các xã: Hưng Nhân, Hưng Khánh, Hưng Lam, Hưng Lĩnh, Hưng Long… điều chỉnh lịch thời vụ để bố trí sản xuất thêm vụ đông nhằm đạt 3 vụ/năm. Vụ đông chủ yếu trồng ngô, rau các loại (bí xanh, mướp đắng, cải các loại…); một số chân đất bãi thấp sát sông chỉ nên canh tác 2 vụ: ngô chính đông - lạc vụ xuân. Đổi mới công tác tổ chức chỉ đạo sản xuất, thống nhất đồng bộ về thời vụ, đặc biệt là những vùng đất bãi giáp ranh giữa các xã, nhằm quản lý, bảo vệ tốt hoa màu, tránh tình trạng một số địa phương không sản xuất, để chăn nuôi gia súc thả rông, gây thiệt hại về hoa màu. Đầu tư kinh phí nghiên cứu khoa học, triển khai một số thí nghiệm về chuyển dịch thời vụ; nghiên cứu quy luật thủy văn của sông Lam; thí nghiệm một số giống cây trồng mới để tổ chức hội thảo, đánh giá, làm cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm tái cơ cấu thời vụ, bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, có giải pháp chống thoái hóa đất. Các địa phương chủ động liên doanh liên kết với các doanh nghiệp ký kết hợp đồng, lựa chọn một số cây trồng có giá trị kinh tế cao để tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tranh thủ sự hỗ trợ của nhà nước đầu tư xây dựng kè chống sạt lở cho một số khu vực trọng yếu có nguy cơ sạt lở cao… đồng thời tổ chức phát động nhân dân trồng tre chắn sóng, hạn chế sạt lở đất.

Tóm lại, để tái cơ cấu sản xuất vùng đất bãi màu hạ lưu sông Lam, cần có sự hỗ trợ ban đầu của nhà nước về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi, tổ chức điều tra thu thập số liệu cơ bản, nghiên cứu về thủy văn, thời vụ… Tranh thủ ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các nhà quản lý… chủ động lập quy hoạch, kế hoạch, lộ trình phát triển kinh tế vùng bãi, xác định rõ các loại cây trồng chính, để tổ chức chỉ đạo sản xuất, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng một số trang trại trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp.

Bài, ảnh: Hoàng Ân (Sở NN và PTNT)

Tin mới