Thị trường ngách – "cửa lớn" cho các doanh nghiệp

(Baonghean.vn) - Một doanh nhân trẻ Việt Nam trong chuyến đi thăm Mỹ đã nhận thấy cột gỗ cắm biển chỉ đường xuất hiện rất nhiều dọc theo đại lộ mà xe ô tô của anh chạy qua. Anh hỏi người bạn Mỹ đi cùng và được biết chúng được nhập với giá khá đắt từ một nước Mỹ La tinh..

Xuất khẩu gạo
Xuất khẩu gạo. Ảnh minh họa, nguồn từ Internet

Câu chuyện kết thúc với việc ký kết một hợp đồng kinh doanh quốc tế nghiêm túc trị giá bạc triệu USD; theo đó, doanh nhân Việt sẽ cung cấp cho đối tác Mỹ những cột tre từ Việt Nam theo quy cách thỏa thuận, với giá rẻ và bền hơn nhiều những cột gỗ vừa đắt tiền, vừa chóng mục hơn… Doanh nghiệp trẻ Việt Nam này còn nghĩ ra cách trả lương rất cao (và tính thưởng bằng phần trăm lãi ròng) cho một số cộng sự trẻ chuyên tâm "sục sạo" mạng internet và các bản tin thị trường, thu thập, xử lý các thông tin kinh tế cần thiết ... để tìm cơ hội kinh doanh hấp dẫn từ các thị trường thị trường ngách ít người để ý.

Trong thế giới hiện đại, hội nhập, phân công và hợp tác quốc tế phát triển cả bề rộng và bề sâu, doanh nghiệp thành công thường được tổ chức dưới dạng cổ phần, tham gia các chuỗi cung ứng giá trị và kinh doanh mạng. Một doanh nghiệp dù lớn nhất thế giới cũng không thể tự sản xuất 100% linh kiện, phụ tùng cho sản phẩm của mình. Hãng máy bay Boing Mỹ đặt hàng sản xuất hàng ngàn loại linh kiện từ hàng trăm doanh nghiệp khác của vài chục nước trên toàn thế giới để có chiếc máy bay thành phẩm của mình. Trong bối cảnh đó, thị trường ngách là một khái niệm mở đối với các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ khác nhau và trước các doanh nghiệp có quy mô, trình độ, năng lực kinh doanh khác nhau.

Đó có thể là phân khúc hàng hóa, dịch vụ tiềm năng chưa được khai thác, hoặc đang hoạt động quy mô nhỏ, dễ bị thay thế bởi các loại tương đương, ít bị cạnh tranh và nằm ngoài "tầm phủ sóng" của các "doanh nghiệp - đại gia" quốc gia và quốc tế. Nhưng đó cũng có thể là nhu cầu về một chi tiết hay công đoạn sản xuất - cung ứng và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, dịch vụ nào đó như là bộ phận hợp thành của chuỗi những hàng hoá, dịch vụ hoàn chỉnh đang là đối tượng kinh doanh của các doanh nghiệp lớn....

Trên thực tế, thị trường ngách luôn tồn tại bên cạnh, cùng lúc với thị trường lớn. Chúng có thể không có ý nghĩa gì với doanh nghiệp này, song lại là tất cả sự nghiệp đối với doanh nghiệp khác chuộng "mèo nhỏ bắt chuột nhỏ". Thị trường ngách cũng vận động, biến đổi không ngừng, có phát sinh, có bão hòa và cả tàn lụi, nhưng luôn rộng mở, "chỗ nào cũng có" đối với những doanh nhân, doanh nghiệp nào biết cách nhìn, lắng nghe và thấu hiểu, nhạy bén và tinh tế. Nghĩa là, trong bức tranh thế giới muôn hình vạn trạng của nhu cầu và hàng hoá hiện đại luôn luôn biến động đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn có cơ hội gia nhập sân chơi chung thông qua các thị trường ngách để "lấp chỗ trống thị trường", hợp tác và liên kết hay cạnh tranh trực tiếp bằng các sản phẩm thay thế rẻ hơn, tốt hơn, độc đáo hơn, thuận tiện hơn theo lợi thế so sánh vượt trội và sức sáng tạo riêng độc đáo mình; từ việc sản xuất chiếc van săm ô tô hay đệm gỗ tròn trải ở ghế lái xe cho một hãng ô tô danh tiếng; hoặc lập ra hẳn tổ hợp chuyên để cắt cỏ vườn, dọn vệ sinh và chuyển nhà thuê v..v...

Có thể nói, cả trước mắt và cả lâu dài, cùng với sự phát triển của quá trình mở cửa, tham gia sâu vào hội nhập và toàn cầu hóa, sự mở rộng và phát triển của các thị trường ngách chính là sân chơi và cơ hội, là cánh cửa lớn triển vọng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia và hòa nhập vào chuỗi cung ứng và giá trị gia tăng toàn cầu của thế kỷ 21…

 Để khai thác tốt các cơ hội kinh doanh dù là thị trường ngách, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chủ động và năng động trong nắm bắt các động thái và phản ứng thị trường, linh hoạt trong chiến lược, kế hoạch đầu tư, cách thức tổ chức và quản trị doanh nghiệp, coi trọng phát triển các bộ phận Marketting, thiết kế, quản trị rủi ro; đặc biệt, không thể coi nhẹ “luật chơi” của thị trường, nhất là đảm bảo các yêu cầu về xuất xứ, số và chất lượng hàng hóa ổn định, tính mùa vụ và thời gian cung cấp nhanh, giá cả rẻ, dịch vụ hậu mãi, chăm sóc khách hàng chu đáo; đồng thời, không quên đăng ký thương hiệu, cũng như tuân thủ các quy định riêng, đặc trưng và quan trọng cho mỗi thị trường.

Ví dụ, để sản phẩm của doanh nghiệp Việt không bị trả về và gặp khó khi vào thâm nhập vào thị trường Mỹ, cái quan trọng nhất là doanh nghiệp cần đăng ký mã số A-D-U-N-S được phía Mỹ cung cấp miễn phí. Mã số này là cái để chứng minh sự hiện hữu của công ty và nguồn gốc hàng hóa, cũng như giúp đối tác trên toàn cầu biết được bạn là một doanh nghiệp đáng tín cậy. Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, dân số đông, đa chủng tộc nên thị hiếu vô cùng phong phú; thu nhập bình quân cao, người dân có thói quen mua sắm nhiều.

Do đó, Việt Nam càng có thêm động lực và rộng đường hơn khi vào Mỹ, kể cả qua các thị trường ngách.

T.S Nguyễn Minh Phong

TIN LIÊN QUAN

Tin mới