Hồi sinh từ những nỗi đau

(Baonghean) Bất ngờ hiện lên giữa màu xanh chập chùng của cây, núi là con đường vắng uốn lượn sát với mặt biển mù sương. Trại phong - làng phong hiện ra trong tĩnh lặng, thảng hoặc xao xác tiếng gà trưa gáy trong nếp nhà nào. Nếu không có cảng Đông Hồi, nơi này như vẫn xa cách lắm. Trại phong (Bệnh viện Phong - Da liễu T.Ư Quỳnh Lập) như muốn giấu mình đi trong cái mù khơi của biển và những hàng cây cao bóng rủ, cũng như những con người nơi đây, đã phải giấu bao nỗi niềm...

 

 

Những phận tha hương


14 tuổi, khi ấy ông Phạm Đình Tiến (quê Quảng Trạch- Quảng Bình) đang còn ngồi trên ghế nhà trường với bao mơ ước. Một ngày kia, những vết đỏ nổi trên da khiến da tê bì với kết luận "bệnh phong" của Trạm xá xã Cảnh Dương đã khiến cả gia đình ông chết lặng. 6 năm trời sau đó, ông vẫn vật lộn với bệnh tật và sự kỳ thị để tiếp tục đi học. Chính vì vậy, đến năm 20 tuổi, ông mới học xong lớp 7. Thế rồi, một ngày mà ông mãi ghi nhớ, ngày 23/6/1970, khi cảm thấy bị đè nặng bởi sự xa lánh, sợ hãi
của xóm làng, ông đến với trại phong này. Tại đây, 4 năm sau, ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Tuyến, người cùng cảnh ngộ quê Nam Sách- Hải Dương và 4 đứa con lần lượt ra đời. Ngày ấy làng phong chưa có trường, khi lũ trẻ đến tuổi đi học, ông bà dắt díu nhau về Quảng Bình sinh sống với mong mỏi cho con cái chữ. Khi chúng khôn lớn, ông bà lại dắt nhau trở lại nơi này...


Hồi sinh từ những nỗi đau ảnh 1

Sự ân cần của người thầy thuốc đã đem lại niềm tin yêu vào cuộc sống cho bệnh nhân phong

Cũng như vậy, người cựu binh Nguyễn Quang Tư phát hiện bị bệnh phong khi đang trong quân ngũ. Bao nhiêu đêm, người lính dạn dày sương gió nơi trận mạc ấy đã phải rơi nước mắt trong nỗi tủi hờn. Quê ngay Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), vậy mà 7 năm đầu ông Tư không dám về làng xóm. Hay như bà Nguyễn Thị Luận người Thanh Hóa được đưa vào đây từ ngày 15 tuổi. Cũng từ đó, bà bặt tin nhà và cũng chưa dám một lần về lại quê hương. Cả một cuộc đời, từ khi biết nhớ, thương cũng là khi bà phải giấu mình cùng những nỗi đau ở một nơi xa hút.

Thế đấy, mấy ai hay bao nỗi nghẹn ngào chìm sâu trên những gương mặt tĩnh lặng, mấy ai hiểu được nỗi nhớ thương kìm nén trong tiếng những bước chân xiêu vẹo, tiếng xe lăn chậm rãi trên con đường có hàng cây rủ bóng êm đềm, đọc được ký ức không mờ phai dẫu qua tháng, qua năm về những cái tên người thân lâu rồi chưa được gọi, và nỗi sợ hãi đến thế ánh mắt ghẻ lạnh của người đời...?


Một thời, bệnh phong là một trong "tứ chứng nan y". Trại phong Quỳnh Lập ( nay là Bệnh viện Phong- Da liễu T.Ư Quỳnh Lập) là trại phong đầu tiên ở khu vực miền Bắc tập trung điều trị cho những người mang vi khuẩn Hansen. Thời điểm đông nhất, trại tiếp nhận hơn 2.000 bệnh nhân phong tại nhiều địa phương. Đến nay đang chăm sóc, điều trị cho khoảng 250 bệnh nhân phong, chủ yếu là những người bị di chứng tàn tật. Họ đến từ nhiều vùng quê, không ít người tha hương trên chính quê hương như ông Tư và tìm đến nơi này cùng nương tựa. Không chỉ có 250 bệnh nhân phong, mà "làng phong" có hơn 700 con người đã đến, ở lại, có người đã ra đời, lớn lên trên chính mảnh đất này để sẻ chia, và làm hồi sinh những tâm hồn tưởng đã tàn phế.


Sức sống làng phong


Đúng vậy, sự hồi sinh đầu tiên đã đến ngay từ những con người chọn mảnh đất này nương tựa. Có biết bao nhiêu câu chuyện tình yêu đã đơm hoa từ những người cùng cảnh ngộ như câu chuyện của gia đình ông Tiến. Cảm động hơn, có những con người, đã qua bao nhiêu thăng trầm, bao tan vỡ, tuyệt vọng đã tìm đến nhau. Chỉ là một bữa cơm chung, cái giường ghép tạm, người còn đôi mắt sáng, người còn đôi tay lành... vậy mà thành mái ấm như gia đình ông Thành - bà Lan, ông Quắn - bà Luận, ông Vòi - bà Bảy...


 
Đặc biệt hơn, không ít cặp đôi đến với nhau bằng tình yêu, lòng cảm thông, sự hy sinh vô bờ của người lành với người bệnh. Ấy là chuyện của bà Hoàng Thị Ước, thuở còn là cô gái làng Sơn Hải ghé qua trại phong bán chè xanh. Nghe giọng đồng hương Quỳnh Lưu, bà đến bắt chuyện cùng anh cựu binh Nguyễn Quang Tư có gương mặt đầy u uẩn. Chỉ một lời hẹn "về nhà em chơi", ông Tư, sau bao trăn trở, đã đánh liều tìm đến. Họ nên duyên từ ngày đó. Bây giờ, hai vợ chồng có quầy tạp hóa nhỏ, con cháu đề huề. Tình yêu, lòng thương cũng đã giúp cho ông Tư vượt qua bao nhiêu mặc cảm, khó khăn. Ông Trần Duy Lợi thì nên duyên cùng một cô gái quê Vĩnh Phúc sau những lần cô vào trại phong vào thăm mẹ trị bệnh. Hồi ấy, ông Lợi là bệnh nhân đã điều trị ổn bệnh, trở thành một y tá tại trại phong, giúp đỡ những bệnh nhân khác. Thế rồi, ánh mắt hóm hỉnh của "anh y tá", sự giúp đỡ "đặc biệt" ngấm ngầm cho mẹ cô gái đã khiến cô rung động. Họ đã tạo dựng một gia đình nhỏ đầm ấm và ríu rít...


Và không thể không nhắc đến sự hồi sinh kỳ diệu được mang tới bởi những người thầy thuốc nơi đây, những người đã được các bệnh nhân phong gọi là Mẹ, là "thế giới những người hiền". Họ luôn khắc ghi: mình được tái sinh dưới đôi tay, tấm lòng người thầy thuốc như nhan đề một bài thơ mà ông Phạm Đình Tiến đã từng rung cảm viết lên: "Tìm được dáng mình từ bàn tay Mẹ". Cho đến giờ, trong tâm trí những bệnh nhân phong của những ngày đầu tiên luôn nhắc về vị bác sỹ, người đã từng tự gọi mình "bạn của bệnh nhân phong" - bác sỹ Trần Hữu Ngoạn - Giám đốc Viện phong một thời. Ông là người nổi tiếng vì dám tiêm vi khuẩn Hansen vào mình để chứng minh cho đồng nghiệp và mọi người thấy bệnh phong không dễ lây và hoàn toàn có thể chữa khỏi. Ông xung phong vào ở cùng khu điều trị với bệnh nhân, không mặc quần áo cách ly (như quy định thời ấy) đi thăm bệnh, thậm chí một tay khám bệnh, một tay ông vẫn tỏ ra " tự nhiên" bốc mì hạt để ăn.

Đó còn là bác sỹ Nguyễn Sỹ Hóa (hiện là Phó Viện trưởng Viện Da liễu Trung ương) - người đã có công tìm tòi, quy tập và kêu gọi xây dựng nên đài tưởng niệm cho hơn 200 bệnh nhân phong chết vì bom Mỹ năm 1987. Trên cương vị Giám đốc (từ năm 1985 - 1992), ông cũng luôn trăn trở để nâng cao đời sống cho bệnh nhân bằng cách gây dựng phong trào nuôi hươu, nuôi bò sữa, sắm thuyền đánh cá... Đó còn là những thầy thuốc: Nguyễn Việt Dương, Trần Thiện Hợp, Bùi Duy Ninh, Nguyễn Văn Tiến... và không thể kể hết bao nhiêu y, bác sỹ nữa đã tình nguyện gắn bó với nơi này bởi tình thương, trách nhiệm!


Trong những căn phòng nhỏ của khu điều trị, dưới những mái nhà đơn sơ, những đứa trẻ của làng phong ra đời. Chúng lớn lên, mang theo khao khát sẽ bước tiếp giấc mơ của cha mẹ, sẽ mang đổi thay về với nơi này. Đã có nhiều người con làng phong trở thành kỹ sư, nhà giáo, bác sỹ, công nhân... Không ít người đã quay trở lại với làng phong của mình để gieo trồng những tin yêu, hy vọng trên mảnh đất này. Đó là 2 anh em bác sỹ Nguyễn Đức Chiến- kỹ thuật viên Nguyễn Đức Công, là các y tá: Phan Thị Thu, Nguyễn Thị Hòa, Vũ Thị Oanh, Nguyễn Thị Hưởng...và gần 10 hộ lý khác đang công tác trong trại phong, là các thầy, cô giáo trở về với lớp học làng phong: Lê Minh Đạt, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Sơn, Bùi Thị Oanh... Những người con làng phong ấy, đã một thời "phải thức dậy từ 4,5 giờ sáng, đi bộ qua 2 ngọn núi, 2 bãi biển mới tới được trường, thế nhưng vẫn quyết tâm: Phải có chữ để quay về giúp đỡ bố mẹ, bà con mình" như tâm sự của cô giáo Bùi Thị Oanh.


"Ngôi làng" một thời u uẩn, lúc chúng tôi chia tay, hồng lên trong sắc nắng chiều. Ông Tiến lách cách tay kéo cắt tóc cho mấy người hàng xóm ngay trước căn phòng mình ở. Vợ chồng ông Tư tíu tít với mấy cháu nhỏ bên quầy tạp hóa. Và ngay giữa làng phong, tiếng trẻ học bài dưới mái trường được dựng lên bởi công lao, tâm huyết của thầy giáo Nguyễn Đức Thìn- Anh hùng Lao động, một bệnh nhân phong từng điều trị nơi đây và bao tấm lòng vì bệnh nhân phong khác nữa, xốn xang, ấm áp vô cùng.


Không xa nơi này, biển cũng đang vỗ sóng xôn xao...

Phạm Thùy Vinh

Tin mới