Huấn luyện viên Philippe Troussier đang đi đúng hướng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Ông thầy người Pháp gây bất ngờ với việc để Quang Hải dự bị, trong khi Văn Toàn không được đăng ký thi đấu trong trận đấu gặp tuyển Nhật Bản.

Trong trận đấu ra quân tại ASIAN Cup 2023 gặp đội tuyển Nhật Bản hùng mạnh ngày 14/1, ông Philippe Troussier tiếp tục tin dùng dàn trẻ gồm Tuấn Tài, Minh Trọng, Thái Sơn và Đình Bắc, tin cậy và giao trọng trách đội trưởng cho tiền vệ Hùng Dũng, tăng thêm chất thép cho tuyến giữa khi sử sụng bộ ba tiền vệ phòng ngự tốt nhất Hùng Dũng-Thái Sơn và Tuấn Anh, bên cạnh việc lần đầu xếp Xuân Mạnh đá chính ở vị trí hậu vệ phải.

Trước đối thủ Nhật Bản đang là số 1 châu Á, đứng trong top 20 thế giới và đạt phong độ cực tốt trong thời gian gần đây, đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Philippe Troussier cho thấy sự tươi mới, thanh thoát trong việc chủ động triển khai bóng từ phần sân nhà, sẵn sàng phòng ngự lùi sâu và chuyển trạng thái khi có cơ hội mở ra.

Lần đầu đá chính cho đội tuyển Việt Nam, thủ môn Nguyễn Filip thể hiện vai trò quan trọng trong các bước triển khai bóng một cách bình tĩnh, mạch lạc để bóng lần lượt được luân chuyển tới trung vệ lệch trái Tuấn Tài, ngòi nổ cho mọi cuộc tấn công/phản công chớp nhoáng trước đối thủ đẳng cấp về mọi mặt.

bna-tl-z5070813426811-457bb31c00ec79aceff9f57cf5dd78e5-4207-4822.jpg
Chỉ 4 phút sau đó, người hâm mộ Việt Nam đã vỡ òa cảm xúc với siêu phẩm của Đình Bắc. Ảnh: Thụy An

Điểm đến của mọi pha bóng phản công là tiền đạo trẻ Đình Bắc, cầu thủ mới 20 tuổi và đang tiến bộ từng giờ, từng phút dưới sự tin cậy của ông thầy người Pháp và đồng đội ở phía sau. Từ một pha tăng tốc bên cánh trái ở phút 15 (khoảng 5 phút sau khi đội nhà bị thủng lưới), Đình Bắc kiếm được một quả phạt góc cho Đội tuyển Việt Nam. Để rồi, chính tiền đạo gốc Nghệ này đã đón bóng từ pha đá phạt góc của Hùng Dũng, đánh đầu ngược san bằng tỷ số 1-1 cho đoàn quân Sao Vàng. Bàn thắng gợi nhớ cú đánh đầu ngược của tiền đạo Công Vinh tại AFF Cup 2008, khẳng định đất Nghệ luôn sản sinh các nhân tài bóng đá và luôn có những đóng góp hết sức quan trọng cho bóng đá nước nhà.

Chưa hết, chính Đình Bắc sau đó lại tăng tốc buộc đối thủ phải phạm lỗi, để Đội tuyển Việt Nam tiếp tục được hưởng một quả phạt tương tự như quả phạt hồi AFF Cup 2028. Người đá phạt chân trái lần này cũng là một cầu thủ gốc Nghệ, Tuấn Tài có đường chuyền bổng để trung vệ Việt Anh bật cao chuyền bóng vào trong, thủ môn Suzuki đẩy bóng ra, Tuấn Hải lao vào đá bồi nâng tỷ số lên 2-1 trước sự ngỡ ngàng của đối thủ và cả chính chúng ta. Cả hai bàn thắng của Đội tuyển Việt Nam đều có dấu giày của các cầu thủ gốc Nghệ. Hơn nữa đây là trận đấu với Đội tuyển Nhật Bản nên ý nghĩa càng to lớn hơn, ý nghĩa hơn. Nên nhớ, trong 10 trận đấu gần đây, Nhật Bản chỉ 1 lần để thủng lưới 2 bàn trước Thổ Nhĩ Kỳ (Nhật thắng 4-2), khó là thế nhưng đội tuyển Việt Nam vẫn làm được trước sự bất lực của chính đối thủ.

Đến đây thì câu nói “kiểm soát bóng tấn công” mà ông Philippe Troussier thường nói trước đây, từng gây ra bao nghi ngờ trong giới mộ điệu, nay đã là biểu hiện thực tế sinh động và hùng hồn hơn bao giờ hết. Đội tuyển Việt Nam ghi liên tiếp 2 bàn thắng từ việc tận dụng tối đa 2 tình huống cố định, là một điều đáng nói trong bóng đá, nhất là trước một đối thủ đẳng cấp thế giới.

bna-tl-z5070864427169-b362f234602df260d2a13108955aec2c-9142-9075.jpg
Đến phút 33 của hiệp 1, đội tuyển Việt Nam bất ngờ vươn lên dẫn trước Nhật Bản với bàn thắng của Phạm Tuấn Hải. Ảnh: Thụy An

Tất nhiên, đội tuyển Nhật Bản bị bất ngờ nhưng không dễ bị khuất phục, bởi khi họ tăng tốc, chơi nhanh, phát huy tài năng cá nhân thì đội tuyển Việt Nam sẽ bộc lộ những hạn chế cố hữu, dù cố gắng đến cùng. Vấn đề của đội tuyển Việt Nam ở trận đấu này không phải là việc để thủng lưới mấy bàn, mà là họ phản ứng như thế nào sau mỗi bàn thua? Lâu nay, Nhật Bản luôn có thói quen mỗi trận ghi từ 4-5 bàn thắng trước mọi đối thủ, nên việc Minamino (2 bàn), Nakamura và Ueda mỗi người ghi 1 bàn vào lưới đội tuyển Việt Nam là điều bình thường đối với họ. Điều khiến người Nhật phải bừng tỉnh là pha đánh đầu xuất thần của Đình Bắc, là pha đá phạt đẳng cấp dẫn tới bàn thắng của Tuấn Hải. Đó là kết quả to lớn mà ông Philippe Troussier đã dày công truyền thụ cho học trò, đã tin cậy giao trọng trách cho họ ở một giải đấu lớn cấp châu lục.

Khi đội tuyển Việt Nam có được 2 bàn thắng trong tổng tỷ số 2-4 chung cuộc, niềm tin đã được nâng cao hơn bao giờ hết nhằm hướng đến các trận đấu tiếp sau. Việc ông Philippe Troussier “cất” Quang Hải, Văn Toàn và toàn đội không dính thẻ phạt nào trận ra quân, có hơn 1 ngày nghỉ… là những lợi thế không nhỏ trong cuộc đấu quan trọng với đội tuyển Indonesia vào ngày 19/1 tới đây.

Sau bước khởi đầu thuận lợi, dù thua trận như một tất yếu, đội tuyển Việt Nam sẽ có đủ thời gian để nhìn nhận lại tất cả những mạnh yếu trong trận đấu vừa qua, nhất là việc để thủng lưới 4 bàn trước một đối thủ cực mạnh. Nguyễn Filip đã chơi tự tin, đẳng cấp nhưng một vài lần ra vào không dứt khoát có thể cần phải được “hiệu chỉnh” sớm? Thanh Bình cần nhanh hơn trước các điểm nóng? Thể lực của Tuấn Anh rõ ràng là một điểm bất lợi trong cuộc đua cân não 90 phút? Phòng ngự trung lộ rõ ràng không phải là thế mạnh của hàng thủ chúng ta, trong đó rất cần sự hỗ trợ của các tiền vệ phòng ngự…

Và đến đây thì ai ai cũng hiểu vì sao lâu nay ông Philippe Troussier liên tục thử nghiệm cầu thủ, luôn tin dùng nhiều cầu thủ trẻ và nhất là việc vì sao cầu thủ phải “kiểm soát bóng”. Thì đây, thống kê thời lượng kiểm soát bóng tới 45% của đội tuyển Việt Nam (trước trận đấu người ta ước tính 20%) chứng minh rằng, đoàn quân Sao Vàng đang đi đúng hướng để đi xa; đang làm đúng, làm tốt những việc cần làm để nâng tầm; từng bước vươn ra châu lục như kế hoạch đặt ra dù phía trước còn vô vàn gian khó, trắc trở.

Tin mới