Huấn luyện viên Philippe Troussier và hành trình với tuyển Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Hành trình đầy tham vọng nhưng lại vô cùng ngắn ngủi của ông thầy người Pháp Philippe Troussier đã kết thúc sau chuỗi trận thất bại của Đội tuyển Việt Nam tại ASIAN Cup 2023 và Vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á.

Trong quá trình tập trung, thi đấu giao hữu của Đội tuyển Việt Nam, nhiều người hâm mộ đã nhận ra sự mong manh từ hàng thủ, thiếu kết dính từ tuyến giữa, sự vô hồn của hàng công và lên tiếng phản biện mạnh mẽ.

Những tưởng sau thử nghiệm là một đội hình được chọn lựa, sàng lọc công phu, tập hợp tài năng và sức mạnh đồng bộ nhất để thi đấu trong các giải đấu chính thức. Nhưng thực tế hóa ra đó lại là một đội hình với những “học trò cưng”, thiếu kinh nghiệm trận mạc, phòng thủ tệ chưa từng thấy và tấn công cũng vô phương chưa từng có, để rồi đón nhận những thất bại chóng vánh trước đối thủ trong khu vực, cụ thể là Indonesia ở cả 2 giải đấu quan trọng nói trên.

bna_tl_z5287571222254-03b75d1eedb6fc4644c445682574af39-4432.jpg
Huấn luyện viên Philippe Troussier họp báo sau trận đấu. Ảnh: Hải Hoàng

Những người có trách nhiệm của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, sau khi thống nhất chấm dứt hợp đồng với ông Troussier đã nói rằng, đây là ông thầy giỏi nhưng “giỏi không có nghĩa là phù hợp”. Đúng là ông thầy này từng 2 lần đưa các đội tuyển bóng đá quốc gia Nhật Bản và Maroc dự World Cup, là người có “bản lý lịch” tốt nhất từ xưa đến nay trong số các ông thầy ngoại từng dẫn dắt Đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam.

Nhưng ông Troussier cũng thất bại không chỉ một lần ở Qatar, chính Maroc sau đó, ở Trung Quốc và giờ là ở Việt Nam với “vết đau” điển hình, xâu chuỗi là chưa bao giờ thắng nổi đội tuyển Indonesia, dù ông từng “cầm” những đội bóng mạnh hơn? Giỏi hay không giỏi là chuyện thật không dễ bàn, nhất là nhìn vào thực tế ông điều hành Đội tuyển Việt Nam hay U23 Việt Nam trong hơn 1 năm qua. Trong thế hơn người, U23 Việt Nam vẫn để U23 Indonesia lật ngược tình thế ở bán kết SEA Games 32, với 2 cú ném biên dẫn đến bàn thắng của đối thủ.

Tiếp theo ở Vòng loại thứ 2 World Cup, một cú ném biên nữa của Indonesia lại dẫn đến bàn thua của Đội tuyển Việt Nam với hệ thống phòng ngự hớ hênh bậc nhất khu vực hiện nay. Ba bàn thua trắng trong trận lượt về hôm 26/3 là “giọt nước tràn ly” để mọi việc phải đi đến hồi kết cho ông thầy người Pháp…

bna_tl_z5287482865350-89d9665fbfc5b81d20ae84bfd86c3190-4036.jpg
Tuyển Việt Nam thua đậm trên sân Mỹ Đình. Ảnh: Hải Hoàng

Thực ra, không hiếm các ông thầy ngoại có “mối lương duyên” ngắn ngủi với bóng đá Việt Nam như Dido, Tavares, Letard, Goetz, Miura, Gong Oh-kyun và mới nhất là Troussier… Bên cạnh những người thành công ở các mức độ khác nhau như Weigang, Rield, Calistor và đặc biệt là Park Hang-seo.

Đáng tiếc, ông Troussier đến Việt Nam với bản lý lịch long lanh, với thực tế cầm quân ở PVF, ở U19 mấy năm qua. Nhưng rõ ràng, tham vọng quá lớn, tính cách bảo thủ và cách làm không giống ai khiến ông mất lòng ngay từ đầu cả cầu thủ lẫn người hâm mộ. Về chuyên môn, ông quá tin dùng các nhân tố trẻ và chính điều đó đã “hạ bệ” ông khi đứng trước các trận đấu sinh tử.

Ông không tin dùng các trụ cột cũ hoặc dùng nửa vời, khiến họ mất phương hướng, mất cảm hứng chơi bóng. Và điều quan trọng nhất, ông tổ chức một đội bóng không có ngôi sao, với hy vọng vào sức mạnh tập thể, nhưng đã thu được kết quả ngược lại. Trên thực tế, đội bóng tan rã về tinh thần, đến nỗi có người nói “đó không phải là một đội bóng”…

bna_tl_403a6475-8480.jpg
HLV Troussier "làm nóng" buổi tập với những chỉ đạo chuyên môn. Ảnh: Hải Hoàng

Rồi người ta sẽ có dịp, có thời gian nhìn nhận, đánh giá lại tất cả mọi điều dẫn đến thất bại của bóng đá Việt Nam thời ông thầy người Pháp. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trách người nhưng cũng đừng quên bóng đá Việt sau thời Park Hang-seo đã không hiếm ngôi sao “đụng trần” và không có ngôi sao mới thực sự? Cũng đừng quên rằng, V-League phải chất lượng, đi lên không ngừng, đào tạo trẻ phải căn cơ và cầu thủ giỏi phải được cọ xát ở nước ngoài. Và việc nhập tịch cầu thủ Việt kiều cần mau lẹ, chất lượng như chính Indonesia đang làm và làm tốt. Đừng bao giờ nghĩ thay thế một ông thầy ngoại mới là lập tức đưa bóng đá Việt Nam trở lại quỹ đạo vốn có, mà nội lực bóng đá Việt phải thực sự vươn lên mới là cơ sở cho bước đi quan trọng và cần thiết đó.

Tin mới