Hướng tới Năm APEC Việt Nam 2017: Chớp thời cơ, ra biển lớn

(Baonghean) - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, quyền đăng cai Năm APEC 2017 được ví như “cơ hội vàng” dành cho Việt Nam. Mỗi địa phương, doanh nghiệp và người dân cần nỗ lực, góp sức làm nên một năm thành công vang dội của diễn đàn kinh tế số 1 khu vực tại quốc gia chủ nhà Việt Nam.

Diễn đàn kinh tế hàng đầu khu vực

Ý tưởng sơ khai về Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần đầu được đề cập công khai vào tháng 1/1989. 10 tháng sau, 12 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tụ hội về Canberra, Australia, cùng nhất trí thành lập APEC.

Diễn đàn thường xuyên mở rộng quy mô qua các năm và đến năm 1998, Việt Nam chính thức gia nhập APEC, nâng tổng số thành viên lên 21. Từ năm 1993, Mỹ đề xuất tổ chức hội nghị các lãnh đạo kinh tế APEC thường niên nhằm đem lại tầm nhìn và định hướng chiến lược cho hợp tác trong khu vực.

Các đại biểu tham dự hoạt động bên lề Năm APEC Việt Nam 2017. Ảnh apec2017.vn
Các đại biểu tham dự hoạt động bên lề Năm APEC Việt Nam 2017. Ảnh: apec2017.vn

Chương trình nghị sự của diễn đàn bao gồm 3 trụ cột. Thứ nhất, về tự do hóa thương mại và đầu tư, các thành viên APEC sẽ giảm các hàng rào thuế quan  và phi thuế quan đối với thương mại và đầu tư, tăng việc làm, thu nhập và tăng trưởng.

Thứ hai, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, các nền kinh tế thành viên theo đuổi các biện pháp để giảm thời gian, chi phí và rủi ro khi triển khai kinh doanh trong khu vực và mở ra các cơ hội kinh tế mới, kể cả cho các doanh nghiệp nhỏ, phụ nữ và thanh niên.

Thứ ba, hợp tác kinh tế và kỹ thuật (ECOTECH) giúp xây dựng năng lực kỹ thuật của các thành viên APEC, qua đó thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế chắc chắn, ổn định và bền vững...

Gặt hái nhiều thành tựu trong suốt chiều dài phát triển, APEC hiện đại diện 39% dân số, 57% GDP và 49% thương mại thế giới, góp phần tích cực nâng cao năng lực hội nhập, liên kết của các nền kinh tế thành viên đang phát triển, góp phần vào sự phát triển và liên kết kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương.

Hàng năm, diễn đàn triển khai khoảng 150 dự án, lũy kế đã triển khai hơn 1.600 dự án nâng cao năng lực trị giá 23 triệu USD.

Đây cũng là cơ chế hợp tác tiên phong thúc đẩy liên kết kinh tế thương mại và đầu tư khu vực, góp phần cắt giảm các rào cản, đi đầu trong việc đẩy mạnh tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo, góp phần hình thành và điều phối các thỏa thuận, các khu vực thương mại tự do như TPP, RCEP, ASEAN,... hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

APEC còn là nhóm các nền kinh tế có đóng góp quan trọng vào việc củng cố hệ thống thương mại đa phương và xử lý các vấn đề toàn cầu.

Cơ hội để hội nhập sâu trong giai đoạn mới

Gần 20 năm góp mặt trong diễn đàn thiết thực APEC, Việt Nam luôn chứng tỏ mình là thành viên tích cực và trách nhiệm. Việc các nền kinh tế thành viên nhất trí ủng hộ Việt Nam tổ chức Năm APEC 2017 là minh chứng sống động nhất thể hiện sự tín nhiệm cao dành cho Việt Nam.

Trên cương vị chủ nhà, Việt Nam đề xuất chủ đề Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, được sự ủng hộ của tất cả các nền kinh tế thành viên, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia hàng đầu khu vực, bởi nó phản ánh sự quan tâm chung của các nền kinh tế thành viên APEC; đồng thời thể hiện mẫu số chung, mục tiêu dài hạn của APEC và châu Á - Thái Bình Dương.

Các đại biểu trong chuyến khảo sát thực địa, hoạt động trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2017. Ảnh apec2017.vn
Các đại biểu trong chuyến khảo sát thực địa, hoạt động trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2017. Ảnh: apec2017.vn

Như vậy, cùng với việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, nỗ lực hoàn tất các cam kết gia nhập WTO vào năm 2018, Năm APEC 2017 khẳng định quyết tâm của Việt Nam tiếp tục đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện.

Không chỉ vậy, quyền đăng cai Năm APEC 2017 giúp ta có thêm những thời cơ, vận hội mới để tranh thủ hơn nữa sự ủng hộ, hỗ trợ của APEC, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, như khẳng định của Chủ tịch nước Trần Đại Quang: “Năm APEC 2017 cần chuyển thành cơ hội thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra, tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế”.

Dự kiến năm 2017 này, Việt Nam đón hàng chục nghìn đại biểu và tổ chức khoảng 200 sự kiện lớn nhỏ của APEC trên khắp cả nước. Đây là những cơ hội lớn để các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh, kết nối, hoạt động du lịch, quảng bá hình ảnh, giới thiệu các sản phẩm vùng miền ra thế giới.

Các tỉnh, thành có thể tranh thủ nhiều hơn tiềm năng to lớn về thị trường, tài chính, công nghệ của APEC; tìm kiếm đối tác đầu tư, đối tác chiến lược, ký kết thoả thuận hợp tác... 

Mỗi một người dân cần ý thức sâu sắc vinh dự và trách nhiệm của mình, chú trọng duy trì cách ứng xử văn minh, thái độ chào đón hoà nhã, thân thiện đối với các đoàn khách quốc tế, giữ môi trường, cảnh quan sạch đẹp để giúp bạn bè quốc tế cảm nhận được những nét đẹp của nền văn hiến và con người bản địa,…

Thông qua những việc làm nhỏ ấy, chúng ta đã góp phần thiết thực thúc đẩy quá trình hội nhập của đất nước trong giai đoạn phát triển mới, khẳng định vị thế của Việt Nam khi vươn ra biển lớn, vững vàng trước mọi con sóng cơ hội lẫn thách thức.

Từ ngày 21-22/9 tại TP. Vinh diễn ra Hội nghị các Quan chức cao cấp APEC về Quản lý thiên tai lần thứ 11 do Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp Ủy ban Quốc gia APEC 2017 và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức, với sự tham gia của khoảng 200 đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC, các tổ chức quốc tế, khối doanh nghiệp và các quan chức cao cấp của các bộ, ngành, địa phương Việt Nam. Chương trình hội nghị sẽ tập trung vào các vấn đề tăng cường hợp tác và đổi mới công nghệ tiên tiến hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai.
Việc tổ chức hội nghị tại Nghệ An - nơi vừa hứng chịu cơn bão số 10, là dịp để Việt Nam tiếp cận thành tựu khoa học công nghệ mới, vận động hỗ trợ, mở rộng hợp tác quốc tế; cùng xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai.


Phú Bình

TIN LIÊN QUAN

Tin mới