Hưởng ứng ngày bảo vệ tầng ozone (16/9): Vì sự sống trái đất

(Baonghean.vn). Trong vũ trụ bao la, trái đất - "hành tinh xanh" của chúng ta như một viên ngọc quý tràn trề sự sống mà cỏ cây, sông suối, muông thú, con người, tầng khí quyển kỳ diệu... là sự sáng tạo hài hòa của tạo hóa vô biên. Nhưng, cùng với sự phát triển của nền văn minh thời đại, con người lại đang trong một báo động toàn cầu do chính mình gây nên: sự suy giảm của tầng Ozone. Một ngày nào đó trong tương lai dù có thể rất xa, hậu quả của sự suy giảm đó sẽ là một thảm họa lớn hơn tất cả những hệ lụy nói trên.

Nguy cơ suy giảm tầng Ozone xuất phát từ những ống khói của những nền công nghiệp phát triển, từ đời sống ngày càng tiện nghi của những đô thị đông đúc đang lan tỏa dần về những vùng nông thôn, từ cân bằng môi trường sinh thái bị phá vỡ do chính sự khai thác, cố ý làm biến đổi của con người.

 Ảnh: nguồn Internet

 Ảnh: nguồn Internet

Nhận thức được những hiểm họa do tầng Ozone suy giảm gây ra, cộng đồng quốc tế đã kêu gọi tất cả các nước hạn chế sản xuất và sử dụng các chất phá hủy tầng Ozone (ODS). Tháng 3/1985, Công ước Viên về bảo vệ tầng Ozone đã được 21 quốc gia đầu tiên hưởng ứng ký kết. Năm 1987, Nghị định thư Montreal được ký kết, đến nay có 189 nước thành viên, nhằm cụ thể hóa các giải pháp và những cam kết của các bên Công ước Viên, bảo đảm cho công ước được thi hành có hiệu quả. Nghị định thư Montreal cũng đưa ra các biện pháp hạn chế thương mại đối với các chất ODS, thiết lập quỹ đa phương (do các nước công nghiệp phát triển chịu trách nhiệm đóng góp) để trợ giúp các nước đang phát triển thi hành nghị định thư này. Nghị định thư Montreal được sửa đổi, bổ sung hai lần vào các năm 1990 và 1992 nhằm tăng cường kế hoạch loại trừ các chất ODS theo từng giai đoạn, theo nguyên tắc không gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong việc cắt giảm các chất ODS. Bình quân mỗi năm Quỹ đa phương chi khoảng 150 triệu USD giúp các công ty ở các nước đang phát triển chuyển từ sản xuất các sản phẩm có chứa CFC2 sang các sản phẩm sử dụng các chất không phá hủy (hoặc phá hủy ở mức độ ít hơn) tầng ozone như HCFC2, HFC2 và các loại hóa chất khác trong các sản phẩm như bình xịt tóc, điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh... 2,1 tỷ USD đã được chi những năm qua nhằm bảo vệ tầng Ozone của quả đất. Từ năm 1995, Liên Hiệp Quốc lấy ngày 16/9 hằng năm là Ngày Quốc tế bảo vệ tầng Ozone.

Nhờ nỗ lực của các nước và cộng đồng quốc tế, sau nhiều thập niên bị hủy hoại, tầng Ozone của quả đất đang phục hồi. Việt Nam phê chuẩn Nghị định thư Montreal về cam kết loại trừ các chất làm suy giảm tầng Ozone, bảo vệ tầng khí quyển của trái đất vào năm 1994. Theo đó, từ năm 2010, Việt Nam bắt đầu cắt giảm việc sử dụng các nhóm chất làm suy giảm tầng ozone như CFC, HCFC... Đến năm 2025, Việt Nam phải giảm 67,5% mức tiêu thụ. Trong những năm qua, Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các trang thiết bị sử dụng công nghệ lạnh, từng bước đưa vào sử dụng các công nghệ hiện đại và an toàn cho môi trường...

Ở nước ta, các chất HCFC được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực làm lạnh, điều hoà không khí, sản xuất xốp; việc sử dụng các chất HCFC trong làm lạnh công nghiệp cũng như điều hoà không khí tăng khoảng 200 tấn/năm. Điều này dẫn tới lượng tiêu thụ HCFC tăng, nếu không có chuyển đổi công nghệ nhanh chóng, chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian và kinh phí để loại trừ HCFC. Một khảo sát khoa học cho biết thêm, hiện còn nhiều người dân sử dụng thiết bị làm đông lạnh đã cũ, tủ lạnh đời cũ tiêu tốn năng lượng và phải sử dụng nhiều chất HCFC.

Để hạn chế các chất HCFC đang được sử dụng trong ngành công nghiệp làm lạnh, điều hoà không khí đang gia tăng ở nước ta, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các doanh nghiệp, cơ quan liên quan, các hộ sửa chữa thiết bị làm lạnh, điều hoà không khí nhỏ; như thế sẽ cần tới khoản kinh phí lớn (khoảng 20 triệu USD) mà sự giúp đỡ về tài chính của các tổ chức quốc tế trong những năm tới là rất quan trọng. Đến nay, với những nỗ lực thực hiện Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã được Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư nói trên hỗ trợ tài chính 7,3 triệu USD để loại trừ các chất làm suy giảm tầng Ozone.

Nếu ví tầng Ozone là "người bảo vệ" sự sống của trái đất mà đang trong nguy cơ suy giảm; thì Nghị định thư Montreal được coi là "phao cứu sinh" cho tầng Ozone. Và quan trọng nhất, nhân loại hãy là "phao cứu sinh" của chính mình với nhận thức cao trong việc khắc phục sự suy giảm tầng Ozone bằng cả những việc làm cụ thể. 

Anh Vũ

Tin mới