Hữu Thọ, "người hay cãi" mà cãi hay

Thật bất ngờ. Bất ngờ pha lẫn cả bàng hoàng. Trưa nay, tôi đang mơ màng nghĩ về một bài báo mà chưa tìm được ý từ gì hay thì bỗng nhận được một cú điện thoại báo tin: Hữu Thọ đã qua đời! Trời. Sao mà nhanh thế! 
Hữu Thọ, “người hay cãi” mà cãi hay
Hữu Thọ, “người hay cãi” mà cãi hay
Thật bất ngờ. Bất ngờ pha lẫn cả bàng hoàng. Trưa nay, tôi đang mơ màng nghĩ về một bài báo mà chưa tìm được ý từ gì hay thì bỗng nhận được một cú điện thoại báo tin: Hữu Thọ đã qua đời! Trời. Sao mà nhanh thế! Mới cách đây bốn hôm, sáng chủ nhật 9-8, cả anh và tôi đều đến dự Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam. Thông thường trong các ngày lễ trọng, nếu dự với tư cách nhà báo thì hai anh em được xếp ngồi bên nhau, như hai “nhà báo lão thành”. Nhưng lần này, ở dãy hàng ghế thứ nhất, tôi được đưa vào giữa, còn anh vẫn giữ nguyên chỗ ở phía ngoài vì cái chân đau khó di chuyển.
Hữu Thọ là một nhà báo lớn. Anh về Báo Nhân Dân sau tôi một năm, nhưng cái nghề làm báo - và là báo Đảng - thì đã gắn bó chúng tôi từ bấy đến nay tròn 60 năm. Khi tôi làm Tổng Biên tập, anh là phó. Sau lên làm Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, tôi nhiệm kỳ trước, anh nhiệm kỳ sau. Rồi cả hai cùng đảm nhiệm trợ lý Tổng Bí thư vào những năm từ 2001 đến 2006, trước khi cùng nghỉ hưu.

Hữu Thọ là một nhà báo chuyên nghiệp, nói theo nghĩa là chuyên làm báo lâu năm. Thật ra khi về Báo Nhân Dân chúng tôi đều chưa qua bất cứ một lớp đào tạo báo chí nào. Thế mà trải nhiều năm làm báo, vừa làm vừa học, chúng tôi trở thành những nhà báo “có nghề”. Hữu Thọ còn có một thời gian dài kiêm nhiệm Trưởng khoa báo chí ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Nhà báo Hữu Thọ, tại lễ ra mắt cuốn sách của Báo Nhân Dân hằng tháng (12-2012). Ảnh: Dương Mai
Nhà báo Hữu Thọ, tại lễ ra mắt cuốn sách của Báo Nhân Dân hằng tháng (12-2012). Ảnh: Dương Mai

Hữu Thọ là người viết báo, người làm báo và là người làm công tác quản lý báo chí. Ở ba vị thế ấy, anh đều được coi là “giỏi”.

Trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, anh có nhiều năm lăn lộn với vùng đất Vĩnh Linh - Quảng Bình, nơi đạn bom ác liệt và chính ở đó, anh đã có nhiều bài viết đậm sắc thái chiến trường.

Ở Báo Nhân Dân, từ đầu chí cuối, anh chuyên về nông nghiệp và nông thôn. Cũng như tôi, chiếc xe đạp tòng tọc của anh lăn bánh khắp miền quê. Anh nổi tiếng về những bài viết thuộc chủ đề nông nghiệp và nông thôn - những phóng sự điều tra đậm sắc thái về sản xuất và tổ chức lại sản xuất, về hợp tác hóa nông nghiệp, về khoán sản phẩm, về đổi mới quản lý và sau này là đổi mới toàn diện đất nước.

Anh đi vào thể chính luận chậm hơn, nhưng cũng là một cây viết chính luận có cỡ. Anh thường nói: Cái cốt lõi của bài luận là quan điểm rõ ràng của các tờ báo, của tác giả đối với các vấn đề, sự kiện, hiện tượng đề cập... Viết luận nên cố gắng không sa vào “sách vở”, “khô cứng”, “viết lý mà thiếu lý”, “có lý nhưng thiếu tình”, “có đạo nhưng thiếu đời” - những bệnh hiện nay người đọc thường phàn nàn về một cây bút chính luận... Viết “luận” là để luận bàn chứ tránh không để mang tiếng là “dạy bảo” ai, “chỉ thị” cho ai.

Hữu Thọ có nghề trong việc viết tiểu phẩm và là một trong những cây tiểu phẩm sáng giá trong làng báo nước ta thời đổi mới. Anh viết tiểu phẩm “Người hay cãi”, cổ súy việc thảo luận và tranh luận giữa những ý kiến khác nhau. Người lãnh đạo “dám nghe” thì sẽ tạo điều kiện cho người có ý kiến trái ngược “dám nói”. “Người hiền” nhiều khi không phải là người hiền lành theo nghĩa thông thường, mà có những khi họ ở trong số những người hay cãi. Có lẽ vì đó mà Hữu Thọ được mệnh danh là “Người hay cãi”. Anh tâm sự: Tôi chưa biết viết như thế nào cho thành công vì mỗi bài báo là một sự thử thách. Nhưng tôi biết chắc chắn một bài báo sẽ thất bại nếu đưa ra câu trả lời làm vừa lòng mọi người. Không và không thể có bài báo làm vừa lòng tất cả. Phải chăng lời nói đó phần nào nói lên được nhân cách “người hay cãi”? Và phải chăng đó cũng là đúng khi nói Hữu Thọ là “người hay cãi” mà cãi hay.

Là người viết báo, người làm báo và là người quản lý công tác báo chí, Hữu Thọ có quan hệ rộng rãi với nhiều giới, nhiều ngành, nhiều địa phương, nhưng trước hết vẫn là trong giới tư tưởng, lý luận và báo chí. Một nhà lãnh đạo báo chí của ta nhận xét: Những tác phẩm báo chí của Hữu Thọ là kết quả của những vật vã, lăn lộn với cuộc sống, với con người. Dường như những thành quả nào gặt hái được đối với ông cũng phải đánh đổi bằng một sự kiên trì, kiên trì học tập, kiên trì thử nghiệm, kiên trì như người đi trong mưa, thà loay hoay bì bõm chứ quyết không chịu lặp lại dấu chân người khác, kể cả dấu chân mình. Giới báo chí nhớ câu nói của anh trong “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”. Rằng “Có thể trong xã hội, có nhiều người muốn “mua”, nhưng nhà báo chúng ta không bán thì chẳng ai mua được”.

Với những dòng ngắn ngủi trên đây, tôi có thể bị coi là ca ngợi một chiều, nhưng ở đời, có ai chỉ có ưu mà không có khuyết. Như Hữu Thọ đã viết “không và không thể có một bài báo làm vừa lòng tất cả”. Con người anh cũng như vậy thôi. Không và không thể làm vừa lòng mọi người, nếu nói về quan hệ cá nhân.

Xin tiễn biệt anh. Chúc thượng lộ bình an. Có lẽ lúc này anh đang hội ngộ với những nhà báo đàn anh ở Báo Nhân Dân như Hoàng Tùng, Thép Mới, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Hồng Hà...

Theo Nhân dân

Tin mới