Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Nhấn mạnh chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định là vì lợi ích quốc gia, lợi ích người dân, hình ảnh đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt mới đạt kết quả cao.

Chiều 1/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU).

Tại Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

CÁC VI PHẠM CHƯA ĐƯỢC GIẢI QUYẾT TRIỆT ĐỂ

Báo cáo kết quả triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngày 23/10/2017, Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "Thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

5 năm qua, các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của EC, cố gắng gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia về IUU.

Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Đến nay, khung pháp lý cơ bản đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU. Công tác quản lý đội tàu, lắp đặt thiết bị VMS đã có sự chuyển biến tích cực; đã triển khai hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Thực hiện việc kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định của Hiệp định PSMA về tổng thể đã có sự cải thiện tốt hơn so với trước.

Các cuộc thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền và xử phạt thường xuyên đã có kết quả và đến nay, một số tình trạng theo yêu cầu của EC ít nhiều đã được khắc phục. Đến nay đã cơ bản ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Năm 2020, cả nước xử phạt trên 2.000 vụ với tổng số tiền xử phạt trên 61 tỷ đồng. Năm 2021 là gần 1.700 vụ với tổng số trên 21 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay gần 1.000 vụ với tổng số trên 16 tỷ đồng.

Lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực nhưng sau 5 năm, Việt Nam vẫn chưa được Ủy ban châu Âu tháo gỡ cảnh báo "Thẻ vàng". Việc đăng ký, đăng kiểm chưa hoàn thành. Tình trạng tàu cá mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển vẫn diễn ra phổ biến nhưng công tác điều tra, xử lý vi phạm hành chính tại địa phương còn rất hạn chế so với các vụ việc vi phạm. Công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng chưa chặt chẽ, tỷ lệ giám sát sản lượng lên bến còn thấp.

Cùng với đó, việc thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước còn nhiều tồn tại; chưa kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam bằng tàu container để xuất khẩu sang thị trường khác ngoài châu Âu dẫn tới rủi ro vi phạm IUU. Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra, diễn biến phức tạp...

Đối với Nghệ An, hiện có 3.404 tàu thuyền khai thác thủy sản, trong đó có 2.507 chiếc phải đăng ký. Trong 5 năm qua, Tỉnh Ủy, UBND tỉnh đã nỗ lực chỉ đạo thực hiện hàng loạt các biện pháp nhằm khắc phục cảnh báo "Thẻ vàng" và xem đây là nhiệm vụ quan trọng cũng như cơ hội để chấn chỉnh công tác quản lý ngành thủy sản tỉnh nhà.

11 tháng năm 2022, Chi cục Thủy sản xử phạt vi phạm hành chính 68 vụ/68 đối tượng/67 phương tiện với tổng số tiền 217 triệu đồng. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xử phạt 68 vụ/88 đối tượng/88 phương tiện với tổng số tiền 661 triệu đồng. Chính quyền địa phương các cấp xử phạt vi phạm hành chính 1 vụ/1 đối tượng/1 phương tiện với số tiền 3,5 triệu đồng.

Tại hội nghị, các địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã và các bộ, ngành Trung ương đã thảo luận, chỉ rõ nguyên nhân, vướng mắc trong công tác chống khai thác IUU; Đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả việc gỡ thẻ vàng IUU, chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của EC, cố gắng gỡ cảnh báo “Thẻ vàng" trong thời gian sớm nhất.

HUY ĐỘNG CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VÀO CUỘC QUYẾT LIỆT

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mặc dù công tác chống khai thác IUU có tiến bộ, có cố gắng nhưng chưa đạt yêu cầu, trong đó có nguyên nhân là chưa đảm bảo được sinh kế lâu dài cho người dân.

Vì vậy, sau hội nghị này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành Kế hoạch chi tiết các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm giải quyết triệt để các tồn tại, hạn chế về chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC. Sau khi ban hành thì tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có kiểm tra, đánh giá cụ thể.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, phải nhận thức việc thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU không phải là đối phó với EC mà trên hết là đảm bảo lợi ích cho người dân, cho quốc gia; nâng cao hình ảnh của đất nước, thực hiện cam kết quốc tế và là thành viên có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường biển, bảo vệ hệ sinh thái biển.

Vì thế, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, người dân cũng phải tham gia tích cực; cần khơi dậy tính tự hào, tự trọng, đoàn kết của dân tộc, đi kèm với những giải pháp sâu rộng, hiệu quả.

Cần phải đánh giá rõ, những địa phương nào thực hiện chưa tốt thì phải tiến hành kiểm điểm, từ đó tìm ra giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả hơn. Rà soát, phân loại, vận động, hỗ trợ người dân tổ chức chuyển đổi nghề phù hợp; làm việc với ngân hàng tiến hành cơ cấu nợ cho nhân dân.

Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các địa phương thực hiện các biện pháp xử lý hành chính toàn diện, đầy đủ; tránh hình sự hoá các vi phạm, nhưng đối với các hành vi môi giới, móc nối, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép thì phải xử lý hình sự nghiêm minh.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các bộ, ngành, tham mưu Chính phủ sửa các văn bản quy phạm pháp luật còn vướng mắc; đồng thời chủ động rà soát, sửa đổi các quy định để thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU. Các địa phương cũng phải phối hợp tích cực, chặt chẽ với nhau để xử lý các hành vi vi phạm trên biển.

Các Hội, Hiệp hội Thủy sản, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần giúp đỡ, hướng dẫn cho người dân trong việc gương mẫu, thực hiện tốt các quy định về phòng, chống khai thác IUU; kịp thời động viên các tấm gương điển hình, người tốt việc tốt.

Tin mới