Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh kết luận nội dung cuộc họp sơ kết 3 tháng triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

UBND tỉnh vừa ban hành Thông báo Kết luận của đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác tỉnh tại cuộc họp sơ kết 03 tháng triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ngày 10/5/2022, tại Văn phòng UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An (gọi tắt là Đề án) đã chủ trì cuộc họp Sơ kết 03 tháng triển khai Đề án. Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ phó Tổ công tác; Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Giám đốc Công an tỉnh, Tổ phó Thường trực Tổ công tác; đại diện Lãnh đạo: Sở Giao thông vận tải, Cục Thuế tỉnh, Công ty Điện lực Nghệ An, VNPT Nghệ An và các thành viên Tổ công tác Đề án của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan và các thành viên Tổ công tác Đề án cấp huyện.

Sau khi nghe báo cáo của Công an tỉnh (cơ quan Thường trực Tổ công tác) và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác tỉnh kết luận như sau:

I.Kết quả đạt được:

UBND tỉnh biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp và các địa phương trong thời gian qua, đặc biệt là vai trò của Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh, Tổ công tác tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ của Đề án và bước đầu đạt được một số kết quả:

-Bám sát các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, của các Bộ, ngành, ban hành Kế hoạch triển khai Đề án và thành lập Tổ công tác tỉnh theo đúng tiến độ; ban hành Quy chế và Kế hoạch hoạt động của Tổ công tác tỉnh, qua đó tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao;

-Hoàn thành việc ký kết biên bản kiểm tra an ninh mạng, an toàn thông tin để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an và Cổng dịch vụ công quốc gia;

-Tích hợp, chia sẻ 13/25 nhóm dịch vụ công thiết yếu trên Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính với tổng số 1 1.895 hồ sơ được thực hiện trực tuyến mức độ 3,4.

II.Tồn tại, hạn chế:

-Một số Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt đối với việc triển khai Đề án, công tác chỉ đạo có mặt còn hạn chế, bị động;

- Chế độ thông tin báo cáo định kỳ theo Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 28/01/2022 của UBND tỉnh chưa được các Sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện theo đúng thời gian quy định;

-Việc triển khai công tác tuyên truyền còn hạn chế, chưa thường xuyên, đa dạng, chưa nâng cao được nhận thức của người dân;

- Một số đơn vị, địa phương, đặc biệt là cấp xã nguồn nhân lực và trang thiết bị hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện của Đề án.

III.Nhiệm vụ trong thời gian tới:

Để triển khai thực hiện tốt Đề án, trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

1. Về công tác tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án:

-Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND tỉnh tham mưu các nội dung sau:

+ Kiện toàn Tổ công tác tỉnh, theo đó các thành viên tham gia là người đứng đầu các Sở, ngành cấp tỉnh.

+ Thành lập Tổ giúp việc Tổ công tác, gồm các thành viên: Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông là thành viên Thường trực, các thành viên khác gồm Sở, ngành: Tư pháp, Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Lao động — Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục Thuế tỉnh, VNPT tỉnh Nghệ An. Yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị cử cán bộ có kinh nghiệm, trình độ công nghệ thông tin tham gia Tổ giúp việc; lập danh sách thành viên (họ tên, chức vụ, số điện thoại) gửi về Công an tỉnh (qua Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) trước ngày 25/5/2022.

+ Hàng tháng tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Đề án của các Sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương; đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế báo cáo UBND tỉnh. Trường hợp phát sinh những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh để xin ý kiến Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan;

-Các Sở, ban, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ tại Đề án của Chính phủ, Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 28/01/2022 của UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của các Bộ, ngành để triển khai thực hiện quyết liệt, hoàn thành các nhiệm vụ đã được phân công. Trong đó, bám sát các nhiệm vụ trong tháng 5/2022 của Tổ công tác; tập trung triển khai thực hiện, hoàn thành việc kết nối chính thức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo các dịch vụ công thiết yếu được đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo đảm bảo đúng thời gian quy định.

Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, sở, ngành nhấn nút khai trương hệ thống thông tin báo cáo tỉnh. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng
Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, sở, ngành nhấn nút khai trương hệ thống thông tin báo cáo tỉnh. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng

-Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã quán triệt các chức năng, nhiệm vụ cho Tổ công tác cấp xã, phường, thị trấn, đồng thời hướng dẫn, đôn đốc thực hiện Đề án theo đúng yêu cầu, đảm bảo tiến độ đề ra.

2. Về công tác tuyên truyền:

-Giao Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí trên địa bàn toàn tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền Đề án theo nhiều hình thức đa dạng; tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân tham gia đăng ký định danh điện tử thông qua cấp Căn cước công dân và thực hiện trên ứng dụng VNEID.

-Giao Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tập trung tuyên truyền về lợi ích thiết thực của việc giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, 4 qua cổng dịch vụ công quốc gia bằng nhiều hình thức thiết thực để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân hiểu, thực hiện (chú trọng tuyên truyền trực tiếp thông qua các hoạt động tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận một cửa các cấp).

3.Về rà soát quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính:

-Giao Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát quy trình, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; phối hợp với Công an tỉnh, các đơn vị tổ chức thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; đảm bảo phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo nguyên tắc: khai báo một lần, không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thống nhất quy trình nghiệp vụ, giải pháp kỹ thuật để tích hợp, cung cấp 100% các dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên cổng Dịch vụ công quốc gia.

-Giao các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định và tiến độ tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

4.Về công tác đảm bảo an ninh thông tin, dữ liệu

Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh bảo đảm an ninh thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thực hiện chuyển đổi số; kịp thời theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn, phối hợp xử lý, khắc phục sự cố về an toàn, an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao;

5.Về bảo đảm nguồn lực thực hiện Đề án:

-Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các Bộ, ngành liên quan để sớm có hướng dẫn về kinh phí thực hiện Đề án tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

-Các Sở, ban, ngành và địa phương bố trí đủ nguồn nhân lực, nhất là nhân lực công nghệ thông tin để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án; ưu tiên hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho UBND cấp xã, đặc biệt là các xã có điều kiện khó khăn, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ Đề án.

6. Đề nghị VNPT Nghệ An: Đảm bảo về nhân lực, hạ tầng kỹ thuật; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đảm bảo kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cổng dịch vụ công quốc gia đúng tiến độ, chất lượng.

Trên đây là kết luận của đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác tỉnh tại cuộc họp Sơ kết 03 tháng triển khai Đề án; Văn phòng UBND tỉnh thông báo để các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương biết và triển khai thực hiện.

Tin mới