Khát vọng thành Vinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Ước mơ Vinh trở thành một đô thị hiện đại, văn minh có lẽ là khát vọng xuyên thế kỷ. Nó không chỉ là quyết tâm chính trị của các thế hệ lãnh đạo mà là mơ ước của mọi người dân thành phố. 

Nó không chỉ là những con số khô khan nằm trong dự án ngàn tỷ mà cả giọt mồ hôi mặn mòi của chị bán rau, cô lao công. Nó không chỉ là trăn trở thâm niên của mấy ngàn công chức mà là cả nỗi niềm canh cánh của từng anh thợ cắt tóc, của mỗi bác xe ôm. Nếu lùi tiêu cự ra một khoảng cách đủ để quan sát toàn cảnh thì không khó để nhận ra ít nhất cũng có đến 3,4 triệu người dân xứ Nghệ đang chung nhau một hành trình đồng tâm nhất, thiết tha đẹp đẽ và bất biến nhất, hành trình đó mang tên: Khát vọng thành Vinh.

bna_1.jpg
Quang cảnh Thành cổ Vinh. Ảnh: Sách Nguyễn

Người Vinh vẫn tự hào với những tên gọi đầy khí thế rằng: “Vinh - Thành phố bình minh”, “Vinh - Thành phố Đỏ anh hùng”. Gần đây thì Vinh sẽ là “Thành phố biển”, “Đô thị thông minh”, “Thành phố ánh sáng”, “Trung tâm vùng” và cuối cùng tất nhiên không thể thiếu sự kỳ vọng rằng: “Bao giờ Vinh là thành phố trực thuộc Trung ương?”.

Đó là những câu hỏi vắt qua nhiều thế hệ, câu hỏi của quá khứ, câu hỏi của hiện tại nhưng câu trả lời lại là ở tương lai. Khát vọng ấy không phải của một người mà cả triệu người, không chỉ của một khoảnh khắc mà là xuyên suốt. Khát vọng ấy ghim trong từng Nghị quyết, thổi hồn vào thi ca, có lúc lung linh cũng có lúc ẩn mình trong các tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc… Khát vọng tròn trịa, vuông vắn, rồi khát vọng lại bùng lên mỗi khi chúng ta tự nghĩ về nó hay ai đó chạm đến nó.

Báu vật của Vinh trước hết có lẽ chính là người Vinh, cũng như báu vật của xứ Nghệ chính là người Nghệ. Trưởng thành ngay từ vũng lõi cực đoan của khí hậu, sự khắc nghiệt của gió Lào, cát trắng, của mưa chẳng thuận, gió chẳng hòa, của mùa Đông sương buốt giá, mùa Hạ nắng cháy da… kết cấu cộng đồng cứ thế được hình thành, ý chí vươn lên mặc nhiên được thiết lập. Chính những tố chất ấy đã tạo nên những lớp lớp thế hệ người Vinh siêng năng, cần cù, bộc trực, hài hước, đoàn kết và can trường. Có lẽ những nhẹ nhàng, ngọt ngào, uyển chuyển... khá xa lạ với “dân Vinh”. Người Vinh chính là phần cô đọng nhất nhưng cũng thăng hoa nhất của “tính cách Nghệ”. Không phải ngẫu nhiên mà trong phong trào cách mạng 1930-1931 lại “Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước/Nọ Thanh Chương tiếp bước đi lên”.

Người Vinh giàu khát vọng nhưng cũng biết cam chịu. Có lúc người Vinh phải nén mình lại để cùng thành Vinh bước qua thử thách. Nói Vinh là một đô thị trẻ cũng không hẳn, bởi nếu tính từ ngày Vua Thành Thái ra đạo dụ thành lập thị xã Vinh (20 tháng 10 năm 1898) thì đến nay cũng đã 125 năm; nhưng nếu nói Vinh là một đô thị “cao tuổi” thì cũng lại sai. Vinh là Vinh, là đô thị truân chuyên nhất trong những đô thị. Lần giở lại những trang lịch sử thành Vinh, chắc ai cũng phải ngỡ ngàng bởi cái sự “truân chuyên” ấy, như cách nói dí dỏm của người Vinh là “trì trật”. Lên thị xã từ thời phong kiến (1898), rồi lên thành phố bởi 1 cái nghị định của chính quyền thực dân (năm 1927) và Vinh lại “quay về” thị xã (năm 1945), rồi lại lên thành phố (năm 1963).

bna_2.jpg
Người yêu thành Vinh luôn trăn trở, mong mỏi và kỳ vọng: “Bao giờ Vinh là thành phố trực thuộc Trung ương?”. Ảnh: Sách Nguyễn

Những người hoài cổ khi ngắm bộ ảnh “Vinh xưa” đều tiếc ngơ tiếc ngẩn một đô thị Vinh hào hoa và sầm uất đầu thế kỷ 20. Nhưng Vinh là vậy và người Vinh là vậy. “Tiêu thổ” là lúc người Vinh sẵn sàng đánh mất Vinh để cứu lấy Vinh. Người Vinh “Thà làm gạch vụn để chờ nhau/Quyết không chung trời đất với quân thù!” Người Vinh không “hồn nhiên cách mạng” mà là “chịu” hy sinh. Nếu người Vinh hôm nay tiếc 1 thì người Vinh của năm tháng ấy đã phải đau 10. Chính cha anh chúng ta đã nuốt nước mắt vào trong, lấy dây thắt ruột mình để tự tay đập bỏ thành phố xinh đẹp, cái thành phố mà chính họ đã tạo nên bằng mồ hôi, máu và cả nước mắt.

Chưa hết, rồi bom đạn giày xéo, người Vinh lại đội mũ rơm nhảy xuống chiến hào. Vinh lại thêm một lần “Gạch vụn ùa nhau ôm lấy cột cờ” (thơ Thạch Quỳ). Hôm nay, du khách đến với Vinh phần đông đều tấm tắc khen Vinh đẹp, vâng, tất nhiên rồi Vinh rất đẹp. Nhưng cái đẹp của Vinh không đơn thuần của sông núi hữu tình mà chính là cái đẹp tỏa ra từ những “ánh lửa hàn đêm đêm sáng trên tầng cao". Cái đẹp của thành Vinh hôm nay chính là cái đẹp nội sinh của người Vinh được chưng cất từ gió Lào cát trắng và cả gạch vụn.

bna_3.jpg
Đại lộ Lê nin, thành phố Vinh. Ảnh: Sách Nguyễn

Người Vinh có cái ưu, tất nhiên người Vinh cũng có cái nhược. Cái nhược của người Vinh hình như “mọc ra” từ tính cách của người Nghệ. Lòng vị tha thái quá dẫn đến xuề xòa, kiên định thái quá sinh ra thói bảo thủ... Không ít lần khi Vinh trở mình cho một dự án nào đó là đối diện với tầng tầng rào cản dư luận. Những ý kiến ngược chiều không đến từ một miền xa lạ nào, mà ngay đây, ngay trên thành phố này, bởi cũng chính những con người yêu da yêu diết thành phố này.

Cư dân mạng “chia phe” cũng chỉ vì sự khác biệt trong tư duy lựa chọn cách thức phát triển thành phố. Công bằng mà nói, những thập kỷ gần đây, Vinh thân yêu của chúng ta đã có những bước tiến dài trên tất cả các lĩnh vực. Một diện mạo mới đã hình thành, những tố chất “đô thị vùng” đã bắt đầu hiện diện, chất lượng cuộc sống vượt xa kỳ vọng. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ so sánh chúng ta với chính chúng ta của ngày hôm qua mà quên mất rằng, trong lúc chúng ta lớn lên thì các địa phương khác cũng trưởng thành. Chúng ta so sánh trục dọc nhưng không được quên đi trục ngang. Trong hành trình đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá thì Vinh là đầu tàu, bởi thế Vinh không thể an bài hay vỗ ngực, Vinh lại càng không thể lon ton theo sau các đô thị khác.

bna_sach nguyen.jpg
Cầu Cửa Hội. Ảnh: Sách Nguyễn

Ai đã góp phần quan trọng nhất để làm nên một Vinh đẹp và hiện đại như hôm nay? Câu trả lời là người Vinh! Ai cần phải thay đổi để Vinh bứt tốc mạnh mẽ hơn nữa? Câu trả lời vẫn là người Vinh! Đồng ý người Vinh là người Vinh, người Vinh hay người Nghệ không nhất thiết phải là kẻ sĩ Bắc Hà hay Hai lúa miền Tây. Vấn đề là người Vinh nên “dùng” cái chất của mình ở đâu? “Dùng” với ai và liều lượng thế nào?

Người Vinh không thể tặc lưỡi “choa rứa đó” để quay lưng về phía trước. Người Vinh không thể vừa muốn có một vỉa hè hiện đại lại vừa khóc thương níu giữ những cây hoa sữa già nua. Mắt sinh ra để nhìn chứ không phải chỉ để khóc. Cảm xúc là thứ vô cùng quý, nhưng chỉ hành động theo cảm xúc thì lại là sai lầm. Cố gắng bớt tự mãn và hạn chế tự thỏa mãn theo kiểu “ri là ngon rồi”. Bi kịch không phải là sự thất bại trước mục tiêu lớn mà chính là sự thỏa mãn với mục tiêu nhỏ. Vinh không thể khoác mãi cái áo chật chội và nhàu nhĩ của mấy mươi năm trước. Hãy đính vào ước mơ và trách nhiệm của người Vinh một hình ảnh Vinh của 20 năm, 30 năm, thậm chí 100 năm nữa!

Ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng, phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định phát triển Vinh thành đô thị của vùng. Vinh là “Đô thị biển” chắc không còn quá xa, Vinh là “Thành phố ánh sáng về đêm” cũng không phải nằm ngoài tầm với. Vinh mở rộng không gian thì người Vinh càng khoáng đạt tầm nhìn, Vinh “bật đèn” thì người Vinh cũng sẽ “sáng” lên. Có lẽ một bộ phận người Vinh cũng cần phải “chỉnh tiêu cự” để nhìn lại Vinh bằng con mắt ít khắt khe và nhiều bao dung hơn. Tất cả chúng ta hãy cùng chung tay vun lên khát vọng cao cả và đẹp đẽ ấy - khát vọng thành Vinh.

Tin mới