Khi 'bão chấn thương' tràn qua Đội tuyển Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Những ngày đầu năm mới 2024, cả Đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam đều đang trải qua những ngày tập trung, không nghỉ Tết với quá trình cạnh tranh âm thầm nhưng mạnh mẽ để hướng tới các giải đấu lớn cấp châu lục.

Những tín hiệu vui và những nỗi lo ở cả hai đội, nhất là Đội tuyển Việt Nam ngày càng hiện rõ, nhưng niềm tin là điều dần được khẳng định khi thời gian đang chứng minh con đường ông Philippe Troussier vạch ra là đúng hướng và có tầm nhìn xa.

vn-1-16853579487551192932775-9171.jpeg

Trước hết nỗi lo về hàng loạt trụ cột bị chấn thương, phải rời đội tuyển gồm Văn Lâm, Văn Toản, Thành Chung, Tiến Dũng…, trong khi các trụ cột khác đang hồi phục chậm như Ngọc Hải, Duy Mạnh, Tiến Linh, Văn Thanh…đang khiến danh sách tập trung Đội tuyển Việt Nam gần như biến động từng ngày. Ông Troussier đã phải lần lượt bổ sung Văn Luân, Tấn Tài (người ông từng loại liên tiếp) và chắc chắn danh sách này sẽ không dừng lại ở đây.

Rõ ràng, 8 vòng đấu V-League, các vòng đấu Cup quốc gia và Cup châu lục là cơ hội để các tuyển thủ thể hiện năng lực, là dịp để họ thi thố, nóng máy, nhưng đi kèm là tình trạng chấn thương không tránh khỏi như đã thấy. Hơn nữa, có tình trạng ở câu lạc bộ, họ có thể thi đấu khi vào sân từ ghế dự bị, thi đấu với nhịp độ vừa phải mỗi tuần một trận bình quân, nhưng khi lên tuyển thì yêu cầu sẽ cao hơn với 2 ngày một trận trước các đối thủ đẳng cấp. Câu chuyện của Tiến Dũng đang chứng minh điều đó. Trung vệ này vẫn ra sân ở Thể Công Viettel nhưng lên tuyển thì ngay lập tức “bật bãi” là điều không quá khó hiểu với tình hình hiện nay.

Trong khi Đội tuyển Việt Nam đang loay hoay với danh sách tuyển thủ và tình trạng chấn thương thì người hàng xóm Thái Lan đã thi đấu giao hữu với đội bóng đẳng cấp hàng đấu châu lục Nhật Bản (thua 0-5). Vấn đề không hẳn liên quan tới Thái Lan mà cái chính là Nhật Bản sau “thông điệp” phát ra từ trận giao hữu nói trên. Ở ASIAN Cup tới đây, Nhật Bản cùng với Iraq và Indonesia cùng bảng đấu với Việt Nam. Nhật Bản chưa gọi đủ các nhân tố đang chơi ở châu Âu mà đã giáng đòn chí mạng lên Thái Lan như đã biết, đủ để Đội tuyển Việt Nam phải biết…sợ dần đi là vừa! Dù người Nhật vừa khen “Việt Nam rất đáng gờm” thì điều đó cũng nên hiểu chỉ là một động thái ngoại giao, nói khéo của họ mà thôi.

Tất nhiên, trong quá trình tập trung này, Đội tuyển Việt Nam đang đón nhận những niềm vui, tạo được niềm tin đi lên ở phía trước. Đó là ngôi sao hàng đầu Nguyễn Filip lần đầu có tên và khả năng bắt chính, tạo sự an tâm cho ông thầy người Pháp và đồng đội trong các trận cầu sinh tử tới đây, là niềm vui lớn nhất. Sự có mặt của Nguyễn Filip đang khiến đối thủ trong khu vực lo âu và tìm cách đối phó. Đó là sự trở lại ngoạn mục của ngôi sao Quang Hải sau thời gian thi đấu không thành công ở Pháp và sự kiên trì tìm lại phong độ đỉnh cao ở đội bóng Công an Hà Nội. Bàn thắng tuyệt đẹp của Quang Hải ở vòng 8 V-League trong trận gặp Bình Dương đang phát đi tín hiệu lạc quan đến nhiều người và điều này hẳn cũng đang khiến đối thủ phải dè chừng?

Và khi tình trạng chấn thương diễn ra hàng loạt như trên thì sự trưởng thành của các nhân tố trẻ, sự trở lại của các ngôi sao mới mà cũ lại đang cho thấy tầm nhìn xa của ông thầy người Pháp. Đó là chuyện ông Troussier tin dùng Thái Sơn, Minh Trọng, Văn Khang, Tuấn Tài… ngay từ hồi SEA Games 32, tới các trận đấu đầu tiên Vòng loại thứ 2 World Cup. Để từ hôm nay, họ sẽ tiến dần đến các vị trí trụ cột trong đội hình mà không hề bỡ ngỡ ở các sân chơi lớn. Việc cánh cửa đội tuyển luôn rộng mở, việc các ngôi sao lớn trong quá khứ “chưa đáp ứng yêu cầu cần nỗ lực hơn” đã tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong làng bóng đá đỉnh cao. Hoàng Đức, Hùng Dũng, Tấn Tài… đang bị lung lay vị trí dữ dội hơn bao giờ hết. Ngọc Bảo, Thanh Thịnh… đang trở lại và đe dọa chiếm chỗ các vị trí hiện tại không còn là điều mơ hồ nữa.

Ai ai cũng hiểu sự cần thiết phải làm mới, làm lại để nâng tầm, để tránh lặp lại vết xe đổ cũ của Đội tuyển Việt Nam nhưng không dễ để mọi việc ngăn nắp, hiệu quả ngay từ đầu. Ông Troussier đang từng bước chứng minh con đường đó, dù gặp không ít khó khăn, ngáng trở. Trên thực tế, có thể quá trình thi đấu, rèn dũa của Đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam ở các giải đấu cấp châu lục chính là để dồn sức, dồn lực cho chiến dịch vòng loại World cup 2026 – chiến dịch quan trọng hàng đầu của bóng đá Việt trong những năm 2024, 2025. Mọi thắng lợi hay thất bại đều đem lại bài học bổ ích, xương máu cho thầy trò ông Troussier để tạo nên sức mạnh cần thiết ở những trận đấu quan trọng nhất mà bóng đá Việt Nam hướng đến.

Còn giờ đây, ông thầy Trousier và các học trò phải từng bước vượt qua khó khăn do tình trạng chấn thương, phát huy những lợi thế từ sự trở lại của các ngôi sao, sự trưởng thành của các nhân tố trẻ, củng cố niềm tin từ mỗi bước đi, mỗi trận đấu. Bởi nhìn chung, ngay lúc này, dư luận cũng đang gióng lên rằng, ngay cả Nhật Bản hay Indonesia thì “bão chấn thương” cũng đang hoành hành dữ dội, cũng không chừa một ai và họ cũng đang phải gồng mình chống chọi như chính Đội tuyển Việt Nam. Vấn đề là ai vượt lên, vượt qua, còn ai thì bị bỏ lại mà thôi?

Tin mới