Khi V-League 1 xếp sau Thai League 2 và chuyện bóng đá Việt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Một tin nhiều người biết, nhưng khi nói đến đều khó chịu, là V-League vừa được xếp sau cả Thai League 2, sau J-League 3 và cả K-League 3…

Dù vậy, ở khu vực Đông Nam Á, V-League vẫn đứng trên các giải vô địch quốc gia của Indonesia và Malaysia… Nghĩa là, nền bóng đá Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng, mong mỏi nhưng rõ ràng, chúng ta không phải là những người tụt hậu, kém cỏi trong mặt bằng chung của khu vực và châu lục.

Việc người Thái chiếm 2 suất đứng đầu của khu vực không làm ngạc nhiên, bởi các đội câu lạc bộ của các giải đấu này thường thi đấu tốt ở các giải cấp khu vực và châu lục, kế đó là thành tích của đội tuyển quốc gia Thái Lan lâu nay. Và ngay sau khi rời Asian Cup 2023 chóng vánh từ vòng bảng, bóng đá Việt Nam nhận được bảng xếp hạng vừa nêu, là “tiếng chuông báo động” đúng lúc, đúng chỗ nhất để cùng nhau nhìn lại thực trạng của V-League, của các đội tuyển quốc gia, các đội bóng hàng đầu từ chất lượng thi đấu, cơ sở vật chất, tham vọng vươn tầm, đào tạo trẻ và nhiều vấn đề nổi cộm khác.

Rõ ràng, trong câu chuyện cần kíp này, những người có trách nhiệm với bóng đá, các huấn luyện viên và cầu thủ, đông đảo người hâm mộ đều phải thấy đây là “cơ hội hoàn hảo” để phát huy kết quả đã có, khắc phục tối đa những hạn chế, tiêu cực để nâng chất lượng V-League, làm cơ sở phát triển bền vững một nền bóng đá.

Trước hết, hãy bắt đầu từ việc đào tạo trẻ căn cơ, khoa học trên cơ sở phát triển chung của tầm vóc, sức bền thể lực và trí lực của người Việt. Khi bước ra sân chơi châu lục hay khi đối đầu với một đội bóng chủ yếu là cầu thủ nhập tịch, kiểu cách “Hà Lan hóa” như Indonesia hiện tại, không chỉ Việt Nam mà cả Thái Lan cũng gặp khó và thua trận. Rất cần thiết sự chung tay của cả xã hội để ngay từ khi đứa trẻ còn trong bụng mẹ, cho đến khi chào đời, quá trình nuôi dạy, tập luyện, trưởng thành…là một quá trình khép kín, tổng hợp, để cho ra đời những con người có thể hình tốt, thể lực sung mãn, được rèn luyện cả về chuyên môn lẫn bản lĩnh, ý chí trong mặt bằng rộng lớn và áp lực cao.

bna-tl-z5102615147713-f6be387294ae9d35a74fb5e981ac63be-937-7578-6481.jpg
Đội tuyển Việt Nam gặp Đội tuyển Iraq. Ảnh tư liệu: Thụy An

Bóng đá Việt đã làm, làm được nhưng còn quá ít và thiếu bền vững công tác đào tạo trẻ. Gần đây nhiều người biết lứa U19 Hoàng Anh Gia Lai, lứa U20 dưới tay huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn, lứa U19 PVF thời ông Troussier hay các lứa trẻ tiềm năng từ Hà Nội FC, Sông Lam Nghệ An, Viettel…

Nền kinh tế khó khăn cũng không cho phép nguồn đầu tư dư dả cho bóng đá trẻ, để rồi những nơi có truyền thống như Hoàng Anh Gia Lai hay Sông Lam Nghệ An đi vào tình trạng “chín ép” và sớm “cạn tiềm năng”, tình trạng “bán lúa non” rất đáng tiếc…Để rồi từ đó, chất lượng V-League không được nâng cao theo yêu cầu, để lộ lọt nhiều tàn dư xấu khi ra khu vực và châu lục như vừa thấy ở Asian Cup mới đây.

Vì thế, những giải đấu trẻ trong nước, những giải đấu giao hữu quốc tế ở Trung Quốc, Nhật Bản thời gian qua của các đội U từ Hà Nội FC, Sông Lam Nghệ An …đã mang lại nhiều điều bổ ích cho những người làm bóng đá và từng cầu thủ trẻ. Thất bại khi ra sân chơi lớn là điều không tránh khỏi từ các đội U cho đến câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia. Nhưng khi trải qua thất bại, nhất là khi đối đầu với các nền bóng đá lớn, bài học bao giờ cũng cụ thể, sâu sát và đáng nhớ, nhớ lâu hơn.

Các lò đào tạo truyền thống cũng không nên tự bằng lòng với thành tích, những ngôi vô địch dễ dàng, những trận đấu kết quả chênh lệch với các địa phương khác. Vấn đề là khi bước ra khu vực và châu lục, kết quả sẽ ra sao, sẽ được xếp thứ mấy sau mỗi giải đấu? Còn hiện tại, V-League 1 mà còn xếp sau Thai League 2 thì rõ ràng, chúng ta còn cả núi việc phải làm ở thì hiện tại và tương lai.

Không phải ngẫu nhiên các ông thầy yêu cầu các tuyển thủ phải đáp ứng yêu cầu chạy 10-12 km trong mỗi trận đấu, các cầu thủ trẻ ít nhất mỗi năm phải thi đấu chính thức 50-60 trận đấu…thì mới thoát khỏi tình trạng đáng buồn nhiều cầu thủ chỉ thi đấu tốt trong vòng 65-70 phút mỗi trận đấu 90 phút hiện nay. Không rèn luyện thường xuyên, không thi đấu với nền tảng thể lực và sức bền tốt, thì rất khó để “mơ” về một điều gì đó ở sân chơi châu lục.

van-khang-dinh-the-do-khong-dang-co-6721-1381.jpg
Khuất Văn Khang dính thẻ đỏ không đáng có trong trận gặp Iraq ở Asian Cup 2023. Nguồn ảnh: VFF

Asian Cup 2023 mới đây, Hàn Quốc và Nhật Bản được xem là thi đấu không thành công thì chúng ta vẫn còn rất nhiều điều phải học tập, làm theo. Chẳng hạn, Hàn Quốc trải qua trận đấu cân não trước đó ở vòng 1/8, được nghỉ ít hơn đối thủ 2 ngày nhưng ở trận tứ kết vẫn “chạy tốt”, vẫn đủ sức để đánh bại đối thủ Australia. Hay cầu thủ Mianmino của Nhật Bản vừa thi đấu trận tứ kết gặp Iran, thì 24h sau đã trở về Pháp thi đấu cho Monaco trước sự ngạc nhiên của cả thế giới. Đó là những cái đích trong rất nhiều đích đến bóng đá Việt phải học, phải làm tốt để thực sự vươn tầm, bắt đầu từ mùa xuân này, để ít nhất V-League 1 không phải xếp sau Thai-League 2 chẳng hạn./.

Tin mới