Kiểm soát tiến độ, chất lượng, chống tiêu cực khi triển khai các công trình dự án giao thông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Giao thông vận tải (GTVT) cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để trong các quy trình đảm bảo chất lượng, tiến độ và chống tiêu cực tham nhũng, phát triển bền vững các công trình dự án giao thông.

Sáng 28/12, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Dự và chỉ đạo hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Cùng đại diện các ban, ngành của Quốc hội, các bộ.

thg-3931-7736.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì chỉ đạo hội nghị. Ảnh Baogiaothong

Tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Phú Hiền - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

bna-toan-anh-thanh-le-5077.jpg
Quang cảnh điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Năm 2023, ngành GTVT vượt qua khó khăn, đề ra giải pháp đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Đặc biệt, ngành đã có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với việc khởi công 26 dự án.

Trong đó, rút ngắn thời gian khởi công 6 dự án quan trọng quốc gia 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường và lần đầu tiên thực hiện khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 tại 12 điểm cầu của 12 dự án thành phần.

bna-a-vinh-anh-thanh-le-4123.jpg
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Đồng thời, hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó riêng đường bộ cao tốc với 9 dự án dài 475km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900 km.

Cùng đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp kinh tế tiếp tục đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra. Năm qua, dù được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công giải ngân đến hơn 94.000 tỷ đồng, lớn nhất từ trước tới nay (gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021). Song, tính đến hết tháng 12/2023, khối lượng giải ngân của Bộ đạt khoảng 90% kế hoạch. Dự kiến đến hết niên độ kế hoạch sẽ giải ngân đạt trên 95%.

img8795-17037286339851151051568-5741.jpeg
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Baogiaothong

Năm 2023, hoạt động vận tải tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tính trong 11 tháng năm 2023, vận tải hàng hóa ước đạt hơn 2.000 triệu tấn, tăng gần 13%.

Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời khắc phục, xử lý 34 điểm đen, 49 điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Đối với công tác xây dựng Chính phủ số, chuyển đổi số, năm 2023, Bộ GTVT đã hoàn thành 6/6 chỉ tiêu và 23 nhiệm vụ (đạt tỷ lệ 92%) Chính phủ giao.

Hoàn thành 4/4 nhiệm vụ trọng tâm được giao tại Đề án 06, gồm: Chia sẻ dữ liệu giấy phép lái xe, chia sẻ dữ liệu đăng kiểm phương tiện; Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến đổi GPLX; Kết nối hệ thống giải quyết thủ tục hành chính Bộ GTVT với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xây dựng kho số hoá kết quả thủ tục hành chính. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cổng dịch vụ công Bộ GTVT được xếp hạng A trong khối các bộ, ngành.

bna-dai-bieu-2-anh-thanh-le-1608.jpg
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, công tác phân cấp cũng được Bộ GTVT thực hiện triệt để trên tất cả các lĩnh vực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ GTVT cũng thẳng thắn, cầu thị nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế chính cần được xem xét, giải quyết để có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Tại Nghệ An, năm 2023, Sở GTVT đã nỗ lực tập trung khắc phục các khó khăn, tham mưu tỉnh, tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, các ngành Trung ương, huy động, thu hút nguồn vốn, chỉ đạo quyết liệt, phối hợp các cấp, ngành để triển khai đầu tư xây dựng một số công trình lớn, trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giá trị sản lượng xây lắp năm 2023 ước đạt 1.867 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2022 tăng 10%). Ước giải ngân năm 2023 khoảng 2.100 tỷ đồng, đạt 95,34% so với tổng số vốn đã bố trí. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công trung hạn được 1.312 tỷ đồng, đạt 100%.

bna_ cầu vượt lạch Vạn - tuyến đường ven biển.jpeg
Dự án đường ven biển đoạn qua tỉnh Nghệ An do Sở GTVT thi công. Ảnh tư liệu Thành Cường

Đảm bảo chất lượng, tiến độ các công trình giao thông

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao kết quả của ngành Giao thông Vận tải năm 2023.

Định hướng nhiệm vụ năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành GTVT cần quán triệt các chủ trương của Đảng và Nhà nước liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải.

bna-dai-bieu-anh-thanh-le-7829.jpg
Lãnh đạo Sở GTVT tham dự hội nghị. Ảnh: Thanh Lê

"Ngành GTVT cần lấy đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ làm động lực, dẫn dắt trong các khâu: xây dựng kế hoạch, khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát các công trình giao thông trọng điểm để đảm bảo chất lượng, tiến độ và chống tiêu cực tham nhũng, phát triển bền vững các công trình dự án giao thông" - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Đồng thời, ngành cần nắm chắc tình hình để xử lý kịp thời các vấn đề vướng mắc trên tinh thần vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải tháo gỡ, khó khăn ở đâu thì ở đó phải giải quyết.

bna-db2-anh-thanh-le-2591.jpg
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Thủ tướng đề nghị ngành GTVT cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, rà soát cơ chế, chính sách, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp nhằm phát huy tối đa cơ chế, khai thác tiềm năng của từng lĩnh vực của ngành.

Đi cùng với đó, ngành cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra giám sát; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là giảm thủ tục hành chính phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Quan tâm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước; nhất là đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Coi trọng công tác truyền thông, hướng dẫn tạo sự đồng thuận trong xã hội,...

Tin mới