Kiên quyết điều chuyển lãnh đạo cấp phòng khi có dư luận gây phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Đây là một trong những giải pháp mà tỉnh Nghệ An đưa ra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả cải cách thủ tục hành chính.

Sáng 6/12, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII tiến hành thảo luận tại Tổ. 20 đại biểu HĐND tỉnh thuộc các đơn vị bầu cử: TP. Vinh, các thị xã: Cửa Lò, Hoàng Mai và các huyện: Hưng Nguyên, Đô Lương thảo luận tại Tổ 1.

BNA_6302-01.jpeg
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: Thành Cường

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh dự thảo luận tại Tổ 1. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Chi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh; Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh. Đồng chí Nguyễn Hữu An - Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai, Tổ trưởng chủ trì, điều hành phiên thảo luận.

MỘT BỘ PHẬN CÔNG CHỨC CÒN GÂY SÁCH NHIỄU, PHIỀN HÀ

Tại phiên thảo luận có 7 lượt ý kiến các đại biểu HĐND tỉnh và 4 lượt ý kiến lãnh đạo các sở, ngành giải trình trả lời.

IMG_20231206_094135-01.jpeg
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Chủ tịch HĐND tỉnh dự thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: Thành Cường

Đánh giá công tác cải cách hành chính năm 2023 được tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt, sâu rộng, đầy đủ, kịp thời và có cải thiện đáng kể, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Duy Cần (đơn vị bầu cử TP. Vinh) cho rằng, một số lĩnh vực còn chồng chéo, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn rườm rà; thậm chí cá biệt có một số cán bộ địa chính gây phiền hà cho người dân trong quá trình xử lý hồ sơ. “Cử tri mong muốn cải cách hành chính đột phá hơn”, vị đại biểu TP. Vinh nói.

BNA_6310-01.jpeg
Đại biểu Nguyễn Duy Cần (đơn vị bầu cử TP. Vinh) phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Cường

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Phan Thị Hoan (đơn vị bầu cử TP. Vinh) cho rằng đã tạo sự chuyển động trong hệ thống chính trị được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Tuy nhiên, chỉ số PCI có những chỉ số thành phần quan trọng thấp như: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian…

Qua đó, đại biểu đề nghị tiếp tục có giải pháp mạnh, cụ thể hơn trong cải cách hành chính từ 2 phía. Phía cơ quan Nhà nước cần nâng cao đạo đức công vụ. Phía doanh nghiệp, người dân cũng cần tiếp cận giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến.

BNA_6328-01.jpeg
Đại biểu Phan Thị Hoan (đơn vị bầu cử TP. Vinh) phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Cường

Giải trình ý kiến đại biểu, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho biết: Về cải cách hành chính đã có chuyển biến rất tích cực. Nghệ An cũng là tỉnh duy nhất mà các đồng chí bí thư cấp ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính. Điều đó thể hiện quyết tâm chính trị cao trong tháo gỡ nút thắt này và một số các chỉ số cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã có thay đổi, nhất là việc cải cách các thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư.

Về ý kiến thủ tục hành chính còn chồng chéo, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết: Tính đến ngày 10/11/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký công bố 40 quyết định với 780 thủ tục hành chính ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã và được công khai, minh bạch, cụ thể các bước, các quy trình, trong đó các thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

BNA_6350-01.jpeg
Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An Nguyễn Viết Hưng giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu. Ảnh: Thành Cường

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Nội vụ, thực tế trong các luật cũng đang có sự chồng chéo nên hiện tượng thủ tục hành chính không thể tránh khỏi điều đó. Song với việc công bố các thủ tục hành chính đã hạn chế chồng chéo hơn rất nhiều. Ông cũng đề nghị qua nắm bắt từ thực tế, đại biểu trao đổi lại các thủ tục còn chồng chéo để trên cơ sở đó kiến nghị các ngành xử lý.

Liên quan đến xử lý các thủ tục hành chính, người đứng đầu ngành Nội vụ Nghệ An cũng thẳng thắn nhìn nhận, phản ánh của đại biểu về một bộ phận cán bộ, công chức còn sách nhiễu, gây phiền hà là chính xác.

Trong năm nay, tỉnh đã xem xét kỷ luật một loạt công chức: Cấp sở, ngành, huyện có 1 lãnh đạo bị khởi tố, khiển trách 2 người. Lãnh đạo cấp phòng ở sở, ngành, huyện kỷ luật 5 người…

BNA_6374-01.jpeg
Các đại biểu dự phiên thảo luận. Ảnh: Thành Cường

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh còn yêu cầu với những lãnh đạo cấp phòng mà có dư luận nói rằng gây phiền hà thì điều chuyển vị trí công tác. Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho hay: Tại phiên họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo nêu ra 2 trưởng phòng cấp sở, ngành có dư luận gây phiền hà và yêu cầu phải chuyển vị trí công tác, hiện một sở đã thực hiện.

Với những động thái quyết liệt trên, ông Nguyễn Viết Hưng khẳng định quyết tâm cải cách hành chính của tỉnh, song cũng đề nghị các đại biểu có sự chia sẻ, động viên khuyến khích đội ngũ công chức trong thực thi công vụ trong đáp ứng yêu cầu xử lý thủ tục nhanh, chính xác. Vì công chức phải làm việc theo pháp luật quy định, còn người dân làm những việc pháp luật không cấm.

Liên quan đến Chỉ số PCI, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết, tỉnh rất quyết tâm cải thiện thứ hạng. Ngay sau mỗi lần công bố, UBND tỉnh đều yêu cầu xây dựng các giải pháp để khắc phục các chỉ số thành phần còn hạn chế.

Cũng liên quan đến kinh tế, ý kiến một số đại biểu bày tỏ trăn trở khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, thu ngân sách năm nay thấp hơn năm 2022… Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính đã báo cáo, giải trình làm rõ.

BNA_6345-01.jpeg
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An Phạm Hồng Quang giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu. Ảnh: Thành Cường

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An Phạm Hồng Quang cho biết, tỉnh rất chủ động trong thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và kết quả đến nay cao hơn so với mức trung bình cả nước. Ông khẳng định: Dự kiến năm nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Nghệ An sẽ đạt trên 95%.

4 KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN, 7 LOẠI HÌNH SẢN PHẨM DU LỊCH CHỦ ĐẠO

Tại phiên thảo luận, ý kiến đại biểu HĐND tỉnh cũng đề cập nhiều đến phát triển du lịch. Ông Trần Phan Long (đơn vị bầu cử thị xã Cửa Lò) đề nghị có các giải pháp xây dựng các tour du lịch, tổ chức các sự kiện, sản phẩm du lịch mang tính khác biệt; nâng cao chất lượng, dịch vụ hạ tầng phục vụ du khách.

Hòa thượng Thích Thọ Lạc (đơn vị bầu cử TP. Vinh) đề nghị có thêm các giải pháp để phối hợp, khai thác, phát huy du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh.

BNA_6365-01.jpeg
Hòa thượng Thích Thọ Lạc (đơn vị bầu cử TP. Vinh) phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Cường

Về các vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Thị Thành An cho biết: Đến thời điểm này của năm 2023, du lịch Nghệ An đã đón hơn 8,3 triệu lượt khách, trong đó có hơn 5,2 triệu lượt khách lưu trú, doanh thu đạt 7.800 tỷ đồng; qua đó đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng của năm.

Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh cho biết: Xây dựng tour du lịch của Nghệ An dựa trên cơ sở 4 định hướng không gian phát triển du lịch, 7 loại hình sản phẩm du lịch chủ đạo đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt thông qua Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn 2040.

4 định hướng, 7 loại hình trên được xây dựng dựa trên lợi thế về tài nguyên du lịch của địa phương, sức hấp dẫn của điểm đến và những yếu tố thuận lợi về hạ tầng phục vụ cho du lịch.

BNA_6384-01.jpeg
Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Thị Thành An giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu. Ảnh: Thành Cường

Vị lãnh đạo ngành Du lịch Nghệ An cho biết: Thời gian qua ngành đã xây dựng một số tour mẫu và đã được các công ty lữ hành đưa vào khai thác rất hiệu quả như: tour lồng ghép du lịch biển với văn hóa, lịch sử.

Về nhân lực ngành du lịch, bà Nguyễn Thị Thành An cho biết: Nghệ An hiện có 17 cơ sở đào tạo về du lịch và đến tháng 11/2023 có 9.315 lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, gần bằng mức cao điểm năm 2019 khi chưa chịu ảnh hưởng của dịch Covid -19 (10.340 lao động trong ngành du lịch). Thời gian tới, ngành tin rằng, nguồn lao động đáp ứng được nhu cầu kinh doanh du lịch.

BNA_6304-01.jpeg
Các đại biểu HĐND tỉnh dự phiên thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: Thành Cường

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành Du lịch Nghệ An bày tỏ trăn trở khi thu nhập của lao động làm trong ngành du lịch còn tương đối thấp nên các lao động sẵn sàng bỏ nghề khi có khó khăn.

Về giải pháp trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Thành An cho biết: Sở tiếp tục tăng cường tập huấn, tổ chức các hội thi, kỹ năng nghề, ứng xử cho lao động làm du lịch; đề xuất các chính sách cho người có mong muốn làm việc trong lĩnh vực du lịch; kiến nghị các cơ quan chủ quản của các cơ sở đào tạo có sự thay đổi trong chương trình nhằm đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

BNA_6290-01.jpeg
Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai Nguyễn Hữu An - Tổ trưởng Tổ 1 kết luận phiên thảo luận. Ảnh: Thành Cường

Về đề xuất phát huy du lịch tâm linh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An khẳng định: Loại hình du lịch này đã, đang và sẽ được xem là trọng điểm của du lịch Nghệ An. Hiện, loại hình này đóng góp đến 38% cả về doanh thu du lịch và tổng lượt khách đến tỉnh hàng năm.

Tin mới