Vướng mắc ở Công ty CP Chế biến gỗ Nghệ An

Thành lập năm 2007, sau một năm hoạt động thua lỗ, buộc công ty ngừng hoạt động. Đến nay, đơn vị đang trong cảnh tiến thoái lưỡng nan. Giám đốc lo chữa chạy bệnh hiểm nghèo, công nhân không có việc làm, nhiều cổ đông vội vàng chuyển nhượng cổ phiếu. 18.000 m2 đất và nhà xưởng có giá trị không còn sở hữu của các cổ đông sáng lập...
 
Vất vả tôi mới tìm đến địa chỉ của Công ty CP Chế biến gỗ Nghệ An. Bởi Văn phòng làm việc với ngôi nhà cấp 4 nằm dưới chân núi Quyết đã cửa đóng then cài, nhà xưởng cho đơn vị khác thuê. Năm 2007, sau khi Công ty Liên doanh chế biến gỗ Nghệ An làm ăn thua lỗ, giám đốc người nước ngoài cao chạy xa bay, tỉnh đã cho phép thành lập Công ty CP Chế biến gỗ với mục tiêu tạo công ăn việc làm, tiện trong việc giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động. Tỉnh ưu tiên chuyển toàn bộ vốn 500 triệu bằng tài sản (nhà xưởng) bán cho cán bộ công nhân và sau khi bán để lại làm vốn kinh doanh, lúc nào có lãi thì trả sau.

Tháng 7 năm 2007, Công ty tiến hành Đại hội cổ đông lần thứ nhất, bầu ra HĐQT gồm 5 người. Tuy đã chọn mặt gửi vàng nhưng các thành viên hội đồng quản trị từng là cán bộ nhân viên trực tiếp điều hành sản xuất, ít tiếp xúc với thị trường, chưa được đào tạo qua trường lớp cũng như chưa từng làm kinh doanh trong cơ chế mở nên sau khi đi vào hoạt động một năm thì thua lỗ nặng (tới 255 triệu đồng).

Trước tình hình đó, các cổ đông rất lo ngại về tương lai của công ty, nhất là sợ mất nguồn vốn góp nên tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tháng 7 năm 2008, rất nhiều ý kiến đề nghị truy xét làm rõ trách nhiệm việc mua máy móc, tuyển dụng người vào làm việc, việc cháy lò sấy, cháy mô tơ...rồi đi đến quyết định, tạm ngừng hoạt động để kiểm tra làm rõ nguyên nhân thua lỗ, cũng như giải quyết các vụ việc liên quan.

 Nhà làm việc Công ty trở thành hoang phế.

Cuối năm 2008, Đại hội cổ đông họp để nghe Ban Kiểm soát báo cáo kết quả kiểm tra nhưng kết cục cũng không làm được, Đại hội quyết nghị đình chỉ hoạt động, chỉ nhất trí để giám đốc và 1 kế toán làm việc và mỗi tháng cho văn thư kiêm thủ quỹ 3 ngày công giải quyết các việc liên quan như: thu nộp bảo hiểm, bán máy, bán gỗ tồn kho, thu tiền thuê nhà xưởng. Đại hội bất thường ngày 19/6/2009 quyết định bán toàn bộ sản phẩm vật tư tồn kho, lao động nghỉ việc nộp bảo hiểm xã hội 25% tính theo bậc lương.

Anh Võ Trọng Hân- Phó Giám đốc công ty cho hay, từ 2008 đến nay, kế toán thay tới 4 người; giám đốc thì ốm yếu phải đi viện chữa bệnh hiểm nghèo. Các cổ đông đóng cổ phần nhiều người về hưu, trong số 56 cổ đông chỉ có 25 người đang nộp bảo biểm, một số đang tham gia làm việc trong công ty tuổi đời cao, nhận thức về pháp luật hạn chế, lại rất bảo thủ. Chẳng hạn, muốn công ty phát triển phải hợp đồng thêm lao động, sắm thêm máy móc thiết bị, Đại hội cho chủ trương, Hội đồng quản trị và giám đốc chịu trách nhiệm quyết định, không cần phải thông qua cổ đông nhưng không ít cán bộ công nhân đòi phải lấy ý kiến của các cổ đông. Mặc dù công ty đã duy trì đều đặn họp HĐQT, tổ chức đều đặn Đại hội đồng cổ đông thường niên, tuy nhiên do chuẩn bị chưa kỹ lưỡng nên chất lượng các cuộc họp rất hạn chế. Trong điều kiện bộ máy yếu kém phải sớm kiện toàn nếu giám đốc cũ ốm đau lâu dài có thể miễn nhiệm thuê giám đốc mới và Đại hội đồng phải tập trung thảo luận xây dựng phương án, kế hoạch, biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc đổi mới công tác quản lý, điều hành, tổ chức lại sản xuất kinh doanh. Song đều chưa làm được.
 
Lợi dụng tâm lý sợ mất vốn góp của các cổ đông, cuối năm 2010, một số nhà đầu tư đã ngấm ngầm thu gom cổ phần với giá gấp 5, gấp 6 lần so với giá cổ phiếu phát hành để được toàn quyền quyết định đối với 18.000 m2 đất của công ty. Theo bà Nguyễn Thị Hồng- Giám đốc công ty thì hầu hết các cổ đông đã chuyển nhượng cổ phần, mỗi người chí ít cũng thu được 110-120 triệu đồng. Tuy nhiên, số chuyển nhượng công khai, làm thủ tục pháp lý khoảng 60%, còn lại bán trao tay. Bà Hồng quả quyết, cả công ty còn 2-3 người là chưa chuyển nhượng, trong đó có bà. Sau khi chuyển nhượng các cổ đông đã kéo đến giám đốc đòi tiền bán sản phẩm và nguyên liệu tồn kho, gây nên cuộc xô xát buộc cơ quan an ninh phải vào cuộc mới tạm dừng.
 
Sự việc chưa được giải quyết dứt điểm thì cuối tháng Chạp năm 2010, bà Hồng đổ bệnh phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội và hiện vẫn còn điều trị ngoại trú.
 
Giải thích về số tiền bán sản phẩm nguyên liệu tồn kho, bà Hồng nói: " Số tiền thu được 350 triệu đã trả nợ và nộp bảo hiểm cho người lao động, có phiếu thu chi, tôi không giữ đồng nào cả".
 
Sự việc ở Công ty CP Chế biến gỗ Nghệ An vẫn còn khá phức tạp. Mặc dù đã chuyển nhượng cổ phần nhưng các cổ đông vẫn yêu cầu Hội đồng quản trị trực tiếp là Giám đốc Nguyễn Thị Hồng phải giải quyết các quyền lợi, chế độ liên quan trước đây. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm quyền lợi, đúng qui định pháp luật, cần có sự hướng dẫn, giúp đỡ tích cực nhiệt tình của các ban ngành liên quan.

Văn Đoàn

Tin mới