Đẩy nhanh tiến độ các dự án ODA

(Baonghean) - Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang thi công 12 dự án ODA xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trong đó có 6 dự án đạt tiến độ công việc và giải ngân tốt, số còn lại chậm so với kế hoạch.  

Nguyên nhân chậm do tình hình cả nước lạm phát cao, vốn đối ứng của tỉnh hạn chế; một số dự án do chính phủ Nhật Bản tài trợ phải cắt giảm 20% để tái thiết đất nước sau động đất và sóng thần.

Riêng các dự án “dài hơi” như: trồng rừng nguyên liệu Việt- Đức; phát triển miền tây Nghệ An; hỗ trợ doanh nghiệp HPI (giai đoạn trước chuyển sang) và các dự án triển khai từ 2006 đến nay như: dự án thoát nước thành Phố Vinh; Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nghi Yên; năng lượng nông thôn 2, v.v... đều triển khai có hiệu quả và đúng kế hoạch.

 Dự án thoát nước TP. Vinh. 

Hiện Nghệ An đã và đang vận động 6 dự án khá lớn (tổng vốn: 223,9 triệu USD) tín hiệu trong 4 tháng đầu năm nay cho thấy rất khả quan. Chẳng hạn dự án xây dựng hạ tầng Thành phố vinh, vốn 125 triệu USD vay Ngân hàng thế giới (WB); Dự án thoát nước và xử lý nước thải Thị xã Thái Hòa 24,3 triệu USD. Dự án này ngày 24/4 vừa qua, tại Hà Nội ngân hàng thế giới đã cam kết cho vay với Chính phủ Việt Nam (dự kiến các khoản vay có thể bắt đầu từ tháng 7 tới). Dự án năng lượng nông thôn RE II mở rộng vốn 11 USD cũng đang xúc tiến triển khai.
 
Ngoài ra, 3 dự án vay Ngân hàng phát triển Á Châu ADB (mở rộng nhà máy nước thải Thái Hòa vốn 27,9 triệu USD; dự án giảm thất thoát hệ thống cấp nước Vinh vốn 23 triệu USD và dự án hệ thống thoát nước thải phía tây Cửa Lò vốn 13,5 triệu USD) thì ngày 13/4 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức cuộc họp với các tỉnh và chủ đầu tư thống nhất những nội dung cuối cùng.
 
Một số dự án khác đang vận động các nhà tài trợ song phương là: Hàn Quốc (với dự án phát triển nông thôn mới xã Diễn Xuân, Diễn Châu vốn 10,5 triệu USD); Đức (dự án củng cố hệ thống y tế tỉnh 4,4 triệu euro) và Bỉ (dự án thoát nước và xử lý nước thải Cửa Lò giai đoạn 2). Riêng dự án này, UBND thị xã vừa ký hợp đồng thương mại cung cấp thiết bị đồng bộ với nhà cung cấp SODRAEP tổng kinh phí dự án 16.022.000 euro, trong đó vốn ODA là 9.548.417 euro).
 
Theo báo cáo, vốn giải ngân các dự án ODA đến đầu năm 2011 đạt 1.776,9 tỷ đồng, bằng 52,5% vốn cam kết. Phương hướng thu hút ODA của tỉnh Nghệ An trong giai đoạn 2011-2015 là: Tập trung ưu tiên các lĩnh vực phát triển nông nghiệp xây dựng nông thôn mới kết hợp xóa đói giảm nghèo; xây dựng hạ tầng kinh tế đồng bộ theo hướng hiện đại; xây dựng hạ tầng kết cấu xã hội (y tế, giáo dục đào tạo, dân số phát triển và một số lĩnh vực khác); bảo vệ môi trường và các tài nguyên thiên nhiên; tăng cường năng lực thể chế và phát triển nguồn nhân lực; chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai.

Hoàng Chỉnh

Tin mới