Nhớ mùa tép nổi

(Baonghean) - Nhắc đến tép biển (người dân quê thường gọi là con moi), lòng tôi lại nao nao nhớ về cái nắng, cái gió, cái mặn mòi của biển, của ký ức tuổi thơ... Một phần của tuổi thơ tôi gắn với những mùa tép nổi, gắn với bát cơm nguội ngoại tôi rang với ruốc tép thơm lừng...

Quê tôi, làng Thơi huyện Quỳnh Lưu. Người dân gắn liền với con thuyền, tấm lưới vậy mà nuôi lớn biết bao nhiêu người. Trong cái nhọc nhằn của biển là ánh mắt rạng ngời niềm vui, là hạnh phúc mỗi lần tấm lưới đầy tép biển.

Tôi nhớ, ngày ấy, tôi mới lên 8 tuổi, chị em tôi thường theo chú Ba ra dọc bờ biển dạo mát vào những ngày biển lặng. Chú Ba, một ngư dân chính gốc, gắn bó với biển từ nhỏ. Trong chú, tình yêu và niềm biết ơn với biển lúc nào cũng rộn ràng như những con sóng. Chú thường kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về ngàn khơi, về những luồng cá, về những chuyến lênh đênh...

Một buổi trưa, chị em tôi đang chơi ở cuối làng, nghe tiếng reo to: "Moi về, bà con ơi... moi về, lộc biển về...". Tiếng reo của chú Ba! Tiếp đó, tiếng bước chân rầm rập chạy về phía biển mang theo thúng, rổ... Lúc này, trên mặt nước nổi lên một vùng màu hồng di chuyển dần từ ngoài xa vào bờ, tôi theo dân làng mang vợt, lưới, rổ ra xúc tép. Tay tôi chạm đến nước là chạm tép, tép dày đặc, những con tép tươi đỏ au ngoan ngoãn vào rổ, cứ thế mà vớt. Khoảng 40 phút sau, tép biển lại tản ra, lặn vào nước sâu.

Nhiều người dân quê tôi hồi đó cũng không hiểu được lý do gì mà tép vào bờ nhiều đến vậy, có người thì đoán mùa sinh sản nên hàng tỷ con tép đỏ tụ tập lại thành đàn quấn quýt nhau kéo vào bờ, nhiều người thì cho đó là "lộc biển".

Sau lần tép nổi, nhiều trưa chị em tôi ra dọc bãi biển chờ tép, mặc cho nắng cháy hoe vàng mái tóc. Nhưng, tép về không ai đoán được, lúc là giữa trưa, khi thì trời sáng sớm, khi lại là đêm hôm khuya khoắt... Nhưng tôi vẫn nhớ y nguyên nỗi chộn rộn, xôn xao khi câu gọi í ới “Moi về”!

                                                        Tép về.

Bố tôi thường đi công tác xa, nhà chỉ có 5 bà cháu mẹ con tôi ở nhà nên mỗi lần chị em tôi vớt được moi, ngoại tôi thường phơi khô gửi lên miền núi cho bố. Đồng nghiệp của bố là những anh lính trinh sát xa nhà, mỗi lần nhận được moi khô gửi lên, bố thường nhờ chị nhà bếp nấu món canh tép lá đắng (lá lằng), tép rang mặn ngọt để cả đơn vị cùng thưởng thức.

Canh tép lá lằng là món ăn dân dã, gần gũi với người dân huyện Quỳnh quê tôi. Có những người con sống ở trời Tây, mỗi lần về thăm quê, không quên món canh tép nấu lá lằng, cà pháo chấm ruốc tép. Chẳng thế mà một nữ đồng nghiệp của tôi, vốn gốc Bắc lần đầu tiên về thăm quê người yêu (sau này là chồng) được thưởng thức món tép nấu canh lá lằng đã đem lòng yêu cả vùng đất huyện Quỳnh. Mỗi lần về thăm quê hay một tuần đôi lần, trong bữa ăn của gia đình bạn tôi không thể thiếu món canh lá lằng nấu tép, hay tép rang, ruốc tép chấm cà pháo.

Tôi nhớ, chú Ba ngày đó sáng chiều ngâm mình dưới nước biển đánh tép. Đồ nghề là một tấm lưới rỗng khoảng vài chục mét, hai bên cặp vào hai thanh tre dài để chống cho lưới căng, phía dưới là những hòn chì lớn để ép lưới xuống sát đáy biển. Sau cùng là một cái đụt rất dài, là nơi tép sẽ đọng lại ở đó.

Những ngày bắt tép, cửa biển quê tôi đông như hội. Cứ 2 người một lưới, được giăng ngang đi song song với nhau ở mực nước chỉ ngang ngực trở vào. Tay lưới đi song song mép sóng đón đàn tép bơi vào phía sau tay lưới.

Chỉ trong chốc lát, những cái đụt phía sau đã đầy ắp, đỏ au tép biển, các bà, các mẹ cũng ra giúp chồng, giúp con cho tép vào thúng, đem ra chợ bán. Những nụ cười lấp lánh trên gương mặt sạm đen gió, nắng. Tép đã nuôi lớn được 6 người con của chú Ba, ai cũng có việc làm ổn định. Tép đã cho người dân quê tôi sắm được chiếc thuyền lớn vươn khơi, cho những ngôi nhà kiên cố chống chọi với bão biển; cho những "tay" muối tép trở thành làng nước mắm, làng ruốc nổi tiếng của huyện Quỳnh.

Những người con huyện Quỳnh sinh sống ở bất cứ đâu, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hay nơi trời Âu, đất Á thì mỗi lần về thăm quê vẫn muốn thưởng thức món ăn tép biển, quà mang theo cũng là tép biển, ruốc tép. Chú Ba, giờ đã qua tuổi 80, nhưng mùa tép về, chú vẫn cần mẫn ngồi lựa từng con tép, rửa sạch hong khô hay muối tép làm quà cho cho các con, cháu và bạn bè.

Chị em tôi lớn lên cũng nhờ vào những con tép mặn mòi của biển. Hôm thì chú Ba đem sang biếu, hôm tép rẻ, ngoại đi bộ ra bến mua tép về phơi nắng làm thức ăn dần.

                                         Tép khô bày bán nơi chợ phố.

Mùa hè, ngoại thường nấu canh khế với tép, canh lá lằng, canh rau vặt tép. Ngon nhất là mùa đông, ngoại mua được những con tép đỏ au mới vớt từ biển về, rửa bằng nước biển, tép ráo phi thơm hành mỡ, cho tép vào. Tép chín, gia giảm mỳ chính, muối trắng, hạt tiêu, ớt bột ăn kèm với rau xà lách, chấm nước cà chua quả là ngon miệng. Vì vậy mà quê tôi, vào các tháng 10 đến tháng 12, nhà nào cũng trồng một vườn xà lách, tỏi, mùi để ăn với tép biển.

Đặc biệt hơn, mỗi nhà đều có một vại tép muối (ruốc). Ruốc chế biến được rất nhiều món: canh rau khoai lang nấu ruốc, ruốc chấm cà xổi, thịt cầy mà không có ruốc cũng mất ngon. Người dân quê tôi, thường dùng ruốc ăn với bún... Cái câu “bún, giá, cá, ruốc” bắt nguồn như vậy đấy. Chỉ cần ngả ra một tấm lá chuối tươi bày lên đĩa bún lá, chút giá đỗ, cá trích luộc hoặc nướng, và không thể thiếu bát ruốc đầy lên bởi được đánh sủi bằng chanh, ớt, đường là đã có một mâm thịnh soạn rồi!

Đời sống phát triển, nhu cầu người dân ngày càng phong phú, nhưng ở các quán ăn ta vẫn bắt gặp những con tép phơi khô, họ mua về chế biến thành nhiều món ăn: tép khô xào bí xanh, tép khô nấu canh lá lằng, tép rang mặn ngọt, tép tươi ăn bánh đa...

Ở các bãi biển như Cửa Lò, Cửa Hội, Diễn Thành (Diễn Châu)... giờ đây con tép tươi vẫn là thức ăn được nhiều thực khách ưa chuộng. Tép biển vừa vớt lên, đỏ au. Người đầu bếp rửa sạch bằng nước biển, rồi vắt ráo nước, phi hành tăm, dầu ăn toả hương thơm phức, trộn tép vào. Khi tép chín, gia giảm hạt tiêu, ớt bột, lá chanh, ăn cùng bánh đa thì rất hấp dẫn.

Người ta còn nấu cả cháo tép nữa, ngon và giản đơn: Tép rửa sạch, phi với hành mỡ, cháo nấu sẵn, đã nhừ, trộn vào với tép, thêm tía tô, hành tăm giã nhỏ... Còn với riêng tôi, canh tép nấu lá lằng là tuyệt tác nhất. Húp một chút canh, thấy thấm đẫm cả vị ngọt của tép, vị đắng của lá lằng. Ai lần đầu thưởng thức, thường nhăn mặt với vị đắng ấy, nhưng chỉ cần đến lần thứ 2, thứ 3... là “nghiện” canh lá lằng. Có nhiều bài thơ quê, dân dã đã ra đời từ món canh độc đáo này đấy!

Mỗi lần bắt gặp những con tép đỏ au được bày bán nơi góc chợ thị thành, tôi lại nhớ đến nao lòng ký ức tuổi thơ, những ngày tôi được thoả thích ngâm mình dưới nước biển trong xanh, vớt tép vào những mùa tép nổi.

Thu Hương

Tin mới