Làm giàu từ chế biến nông sản

(Baonghean) - Bắt đầu từ nghề “hàng xáo”, đạp xe đi thu gom lúa gạo khắp các miền quê, trải qua bao vất vả, nhọc nhằn, nay anh Nguyễn Đăng Thắng ở Nam Thành (Yên Thành) đã là một ông chủ giàu lên từ nghề chế biến thu mua nông sản, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Về “xưởng” chế biến nông sản của anh Nguyễn Đăng Thắng ở Nam Thành (Yên Thành), chúng tôi được chứng kiến cảnh xe ô tô vào ra để bốc hàng nông sản liên tục. Đã là một “ông chủ” có tiếng khắp vùng nhưng Thắng vẫn đang xắn tay để nghiền ngô phục vụ khách hàng đến mua lẻ làm thức ăn gia súc. Dừng tay, anh tâm sự: Sinh năm 1973 trong một gia đình nghèo, đông con, học hết cấp 3, anh phải bươn chải làm đủ thứ nghề kiếm sống. Năm 1994 lấy vợ, hai vợ chồng ra riêng, lưng vốn bố mẹ cho chỉ là mấy tạ lúa và 3 sào ruộng. Nhiều đêm trăn trở, Thắng nghĩ nếu chỉ quanh quẩn với nghề nông thì không thể thoát nghèo được. Lâu nay, ở Nam Thành có nghề “truyền thống” “hàng xáo”, đạp xe đi mua lúa gạo rồi lại bán cho làng nghề xay xát ở Đông Kỷ, Diễn Kỷ (Diễn Châu) kiếm lãi. Anh vay mượn được ít tiền rồi cũng đạp xe rong ruổi “học” nghề “hàng xáo”.
Nguyễn Đăng Thắng chế biến ngô phục vụ khách hàng.
Nguyễn Đăng Thắng chế biến ngô phục vụ khách hàng.
Theo nghề một thời gian, anh nhận thấy cứ thu mua lúa gạo khắp nơi, rồi lại đạp xe xuống Diễn Kỷ để bán mất nhiều thời gian mà thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu. Tại sao mình lại không thành lập một đại lý thu gom tại quê nhà cho thuận tiện? Nói là làm, Thắng đã mạnh dạn vay vốn lên trục đường 538 thuê một ki ốt, sắm máy xay xát thành lập điểm thu mua nông sản, lúa gạo ngay tại địa phương. Bao nhiêu tay “hàng xáo” bây giờ đều “đổ” hàng tại đại lý của anh, nên cứ khoảng 2-3 ngày là thu gom được 1 xe ô tô hàng để chở thẳng ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.
Làm ăn có uy tín với các tay “hàng xáo”, cứ có hàng về là thanh toán tiền liền, nên lượng lúa gạo được gom về đại lý ngày càng lớn, những chuyến xe chở gạo, lúa ngày càng dày thêm. Năm 2007 khi đã có “của ăn của để”, Thắng đầu tư xây dựng xưởng chế biến và thu gom nông sản rộng hơn 300m2 với trị giá trên 500 triệu đồng, mua 4 chiếc xe ô tô vận tải trị giá trên 4 tỷ đồng chuyên thu mua lúa gạo, ngô. Để đáp ứng chất lượng đầu ra cho sản phẩm gạo, anh đã mua sắm thêm các máy xát, đánh bóng gạo, máy nghiền gạo hiện đại trị giá hàng trăm triệu đồng. Xây dựng được căn nhà trên 1,2 tỷ đồng vừa làm nơi ở, vừa làm văn phòng, khu để xe ô tô vận tải rộng gần 200m2. 
Anh Thắng cho biết thêm: Thời điểm mùa vụ, cứ mỗi ngày anh xuất bán khoảng trên 50 tấn lúa, 40 tấn gạo, vốn để “quay vòng” có khi cần 500-700 triệu đồng. Còn bình thường xuất bán khoảng từ 20-25 tấn lúa, gạo, tính ra bình quân xuất bán từ 600-800 tấn/tháng. Chưa kể là mỗi ngày Thắng còn thu mua 8 -10 tấn ngô ở Lào và Anh Sơn, Con Cuông… sau đó nghiền bán theo nhu cầu của khách hàng (chủ yếu bán cho các cơ sở nuôi vịt đẻ). Nhiều người thắc mắc rằng hàng ngày anh thu mua và xuất bán lúa gạo, ngô với khối lượng lớn thế thì lấy đâu ra. Thắng giải thích với tôi: “Mười mấy năm trong  nghề làm ăn có uy tín nên tôi đã xây dựng được hơn 50 đại lý thu mua lúa gạo, ngô ở các huyện Yên Thành, Đô Lương, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu (riêng Yên Thành có trên 30 đại lý thu mua lúa)”. Cơ sở thu mua chế biến nông sản của Thắng kéo theo hàng trăm tay “hàng xáo” đi thu mua gom hàng cho các đại lý “vệ tinh”. Xe ô tô của cơ sở chỉ việc đến các đại lý “vệ tinh”  này bốc hàng. Nhờ năng động và khoa học trong cách làm ăn mà anh luôn đáp ứng được các hợp đồng lớn cho các khách hàng. Thắng chia sẻ: Có những khách hàng cần trên 200 tấn lúa trong 2 ngày thì tôi vẫn cứ đáp ứng được. Lúa gạo chủ yếu bán ở Hà Nội, Hải Phòng…
Theo anh, nghề này không lãi lớn nhưng chăm chỉ tìm được nhiều hàng để cung ứng thì tính ra vẫn có thu nhập. Và điều quan trọng hơn cả là cơ sở của Thắng hiện tạo việc làm cho 10 lái xe và 10 lao động bốc vác, chủ yếu là người địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Thắng tâm sự: Họ lao động cho mình vất vả, cực nhọc và cũng nhờ họ nên mới có ngày hôm nay nên mình phải trả công lao tương xứng. Anh Nguyễn Hải ở Lộc Thành (Nam Thành), một nhân công cho hay: Tiền lương 5 triệu đồng tính cả thưởng đạt 6 triệu đồng/tháng, so với làm ruộng thì thu nhập là rất cao, do đó, gia đình tôi đã có thêm điều kiện để nuôi con ăn học, trang trải cuộc sống hàng ngày. 
Trước khi chia tay, Nguyễn Đăng Thắng còn khoe với tôi rằng: “Do khối lượng thu mua được ngày càng nhiều, để đáp ứng nhu cầu khách hàng, tôi đang đặt hàng thêm 1 xe ô tô vận tải trị giá trên 2 tỷ đồng, cuối tháng nay sẽ đưa về”. Hi vọng với cách làm ăn năng động, uy tín, anh sẽ phát triển mạnh hơn nữa nghề thu mua chế biến nông sản, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. 
Bài, ảnh: Văn Trường

Tin mới