Nông dân nỗ lực chống hạn cứu chanh

(Baonghean) - Là cây chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, cây chanh trong nhiều năm qua đóng vai trò xóa đói, giảm nghèo cho nhiều hộ dân ở các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn và Nghi Lộc. Đợt nắng nóng kéo dài vừa qua gây nhiều thiệt hại cho các vườn chanh, hiện bà con đang tích cực khôi phục, chăm sóc để có thu hoạch vụ tới. 
Bà con xã Nghi Công (Nghi Lộc) khoan giếng để chống hạn cho chanh.
Bà con xã Nghi Công (Nghi Lộc) khoan giếng để chống hạn cho chanh.
Là một trong những vùng trồng chanh trọng điểm của tỉnh, xã Nam Kim (Nam Đàn) có hơn 170 ha chanh trải dài từ Khe Lau, Heo Vòng cho tới Động Tráng, Động Dài… Trước tình hình nắng nóng kéo dài, người trồng chanh ở đây đã kịp thời áp dụng nhiều phương pháp để chống hạn, vậy nên số diện tích chanh bị chết cho đến thời điểm này chỉ khoảng dưới  10%. Ông Lê Xuân Liễu, Xóm trưởng xóm 7 chia sẻ: “Xóm có 98 hộ dân đều coi cây chanh là cây chủ lực, cả xóm hiện có gần 20 ha chanh, hộ trồng ít cũng phải trên 40 gốc. Qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm từ đầu vụ, bà con đã kịp thời phủ gốc bằng rơm rạ, thực bì để giữ độ ẩm. Đồng thời, khi tiến hành bón phân cho chanh, bà con đã mua đất sỏi về để phủ lên với độ dày tầm 7-10 cm, giúp rễ chanh có điều kiện phát triển. Nhờ vậy cây chanh có sức chống chịu cao trước ảnh hưởng của thời tiết”. 
Hiện toàn xã Nam Kim có 17/22 xóm với 1.200 hộ dân trồng chanh hàng chục năm nay. Ngoài việc phủ gốc, bà con còn tiến hành trồng xen vào vườn chanh, trại chanh các loại cây có bóng mát như cây mít. Chanh ở các xóm Đa Lộc, xóm Khe Lau, Động Tráng đã được bà con áp dụng kết hợp các phương pháp chống hạn nên tỷ lệ chanh chết rất ít, khoảng  dưới 7%. 
Các xóm 1 và 2, xã Nghi Công (Nghi Lộc) có hơn 200 hộ trồng chanh. Trong đó xóm 1 có hơn 17 ha trồng chanh, thời gian qua hồ Khe Thị là nguồn cung nước tưới cho cả vùng với sức chứa hơn 4,5 triệu mét khối bị cạn nhiều, bà con đã nỗ lực chống hạn cứu chanh. Ông Phạm Hữu Bình, chủ một trại chanh ở đây chia sẻ: “Khoảng 1 tháng trở lại đây thời tiết quá khắc nghiệt khiến 150 gốc chanh trong tổng số 400 gốc của gia đình bị chết cháy. Gia đình vẫn đang cố gắng để bảo đảm cho diện tích chanh còn lại; tiến hành kéo máy bơm và 72m ống nhựa để bơm nước từ hồ Khe Thị lên tưới cho đồi chanh. Nhưng nếu tưới ào ạt trong vòng vài tiếng đồng hồ thì nước chỉ phủ trên bề mặt và dễ dàng bốc hơi mà không thể thấm sâu vào từng gốc cây, nên thời gian tới gia đình sẽ đầu tư 30 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, phòng những năm nắng hạn sau này”.
Ông Phạm Hữu Bình ở xóm 1, xã Nghi Công (Nghi Lộc) tưới nước cho diện tích chanh còn lại.
Ông Phạm Hữu Bình ở xóm 1, xã Nghi Công (Nghi Lộc) tưới nước cho diện tích chanh còn lại.
Bà con nông dân xã Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên) cũng đang chống chọi với tình trạng nắng hạn ảnh hưởng tới cây chanh, nhất là khi đợt đỉnh điểm nắng nóng trước đã làm cho nhiều vườn chanh bị chết phần lớn. Hiện toàn xã có 15 xóm thì có tới 9 xóm trồng chanh. Các xóm 8, 9 và 10 trồng nhiều nhất. Diện tích trồng chanh chủ yếu tại 3 vùng đập Đá Đen, Truông Lọng và Trại Bò. Hai nguồn cung nước cho các vùng này là đập Thạch Tiền và khe Làng Trại giờ cạn trơ đáy. Bà con đã phải mua hàng trăm mét ống nhựa và khoan giếng tưới cho chanh.
Tìm hiểu tại xóm 10, với những diện tích trồng chanh nổi tiếng như bãi Mọ, Khe Mua, có 67 hộ trồng chanh; đa phần các hộ đều trồng trên 300 gốc, có hộ trồng trên 1.000 gốc. Ông Nguyễn Văn Thành chủ trang trại 3 ha  trồng hơn 1.000 gốc chanh, chia sẻ: “Thường gia đình vẫn lấy nước ở dọc khe Làng Trại để tưới cho chanh, nhưng giờ khe cạn nước nên không còn nguồn để bơm cho trang trại. Trước tình hình trên, gia đình phải tiến hành khoan giếng để kịp thời cứu chanh và khoan sâu tới 20m mới có nước, số tiền để khoan hơn 10 triệu đồng...”. 
Ông Hoàng Đức Ân, Phó phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho hay: Chống hạn cho chanh còn liên quan đến mùa vụ của chanh, bởi đó là yếu tố liên quan mật thiết đến chế độ bón phân và nước tưới. Trồng chanh trái vụ có lợi thế khi nguồn lợi nhuận cao hơn chanh chính vụ, tuy nhiên, đối với những vùng hạn thì đây lại là một yếu tố bất lợi. Nguyên nhân bởi đối với chanh trái vụ thì người trồng sẽ bón thúc vào tháng Giêng, tháng 2 đến tháng 6 thì cây xanh tốt và cho quả. Cây nhiều lá và tích nước ở quả đúng vào giai đoạn nắng nóng nhất nên nếu không có đủ nguồn nước cấp cho cây thì việc cây bị chết hạn là điều khó tránh khỏi. Do vậy, việc xem xét điều kiện môi trường tại vườn trồng chanh để đầu tư cho từng mùa vụ là một yếu tố vô cùng quan trọng để tránh thiệt hại. Đồng thời, việc quy hoạch điểm trồng chanh cũng cần chọn những địa điểm gần nguồn nước để có thể cung cấp đủ lượng nước cho cây trồng...
Thanh Quỳnh

Tin mới