Vốn thực hiện Nghị định 67: Những khó khăn thực tế - Bài 1: Sự trông ngóng của những bộ hồ sơ

(Baonghean) - Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 7/7/2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2014. Quá trình hiện thực hóa chủ trương, chính sách, thực tế cho thấy nhiều khó khăn, vướng mắc mà trong đó cần xác đinh lại vai trò, trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực thi nghị định nói trên.
Khó cho tàu vỏ sắt...
Chúng tôi tìm về xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) vào một ngày giữa tháng 6. Qua Cảng Lạch Quèn vắng hoe phơi mình giữa nắng hầm. Ngôi nhà của anh Hoàng Văn Bình nằm sâu trong con hẻm thuộc thôn Sơn Hải, xã Tiến Thủy, cách cảng cá chừng mười phút đi xe máy. Đang là cữ tối trời, nhưng anh Bình không đi biển. Nguyên do là vẫn phải ở nhà để ngóng tin hồ sơ đăng ký vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 có được ngân hàng phúc đáp hay không. 
Hai con tàu ở xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) đã đóng gần xong phần vỏ gỗ nhưng chưa được giải ngân vốn vay của chi nhánh  Ngân hàng Công thương Bắc Nghệ An.
Hai con tàu ở xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) đã đóng gần xong phần vỏ gỗ nhưng chưa được giải ngân vốn vay của chi nhánh Ngân hàng Công thương Bắc Nghệ An.
Anh Hoàng Văn Bình cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, anh là một trong những người đầu tiên đăng ký đóng tàu mới. Sau khi nghiên cứu kỹ chủ trương, chính sách, anh Bình đăng ký đóng mới tàu vỏ thép. Anh bắt đầu làm hồ sơ từ cuối năm 2014. Trong quá trình thực hiện các bước thủ tục, hồ sơ, anh Bình và một số hộ dân có nhu cầu đóng tàu đã được UBND huyện Quỳnh Lưu đưa đi tham quan các cơ sở đóng tàu ở tỉnh Nam Định, TP. Hải Phòng. Cá nhân anh Bình đã không dưới 18 lần đi Hà Nội để hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế tàu. Ở đây cũng nói thêm rằng, sau khi Nghị định 67 được ban hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho ra 21 mẫu tàu vỏ thép để áp dụng thực hiện. Tuy nhiên, do không phù hợp nên buộc các chủ dự án phải điều chỉnh. Chính vì vậy, anh Hoàng Văn Bình và 3 hộ dân ở xã Tiến Thủy đã cùng kết hợp, cất công tìm đến tận Công ty Cổ phần kỹ thuật đóng tàu Việt Nam (VISEC) để từng bước điều chỉnh thiết kế tàu phù hợp với yêu cầu khách quan đặt ra.
Sau nhiều lần điều chỉnh, mẫu thiết kế chung cho con tàu chụp mực công suất 829 mã lực đã hoàn thành và được Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng Cục thủy sản  - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Số tiền mà anh Bình và 4 chủ dự án bỏ ra đề điều chỉnh thiết kế là 172 triệu đồng. Anh Hoàng Văn Bình nói rằng, sở dĩ anh đăng ký đóng tàu vỏ thép là xuất phát từ nhiều thế mạnh mà con tàu có thể mang lại. Nếu so sánh với tàu vỏ gỗ thì tàu vỏ thép có độ bền và tuổi thọ cao hơn; cùng công suất nhưng nếu tàu vỏ gỗ chỉ chứa được tối đa 5.000 lít dầu, 5.000 lít nước ngọt, thì tàu vỏ thép có sức chứa cao gấp 10 lần. Điều này cho phép thời gian đi biển dài ngày hơn, có thể vươn tới ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Bên cạnh đó, tàu vỏ thép có hệ thống máy bảo ôn, giàn đèn 250 bóng so với 30 bóng của tàu vỏ gỗ. Tất cả đều cho thấy hiệu quả đánh bắt của tàu vỏ thép cao hơn hẳn. 
Vậy nhưng, niềm hy vọng vừa kịp nhen nhóm thì sự thất vọng đã “tìm” đến. Hồ sơ thủ tục của anh Hoàng Văn Bình đã hoàn thành được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đã nộp lên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Phủ Diễn (Diễn Châu). Nhưng không hiểu vì lý do gì mà ngân hàng không có động thái nào cả. “Cán bộ ngân hàng tiền hậu bất nhất, khi chưa có thiết kế phù hợp thì thúc giục chúng tôi lập thiết kế, khi có thiết kế mới được phê duyệt thẩm định rồi thì họ làm lơ...” - anh Hoàng Văn Bình bức xúc nói. 
Theo Nghị định 67 của Chính phủ,  đối với các trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6%/năm. Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm. Quy định của Chính phủ là thế, nhưng có một thực tế khác đang tồn tại khiến người dân khó tiếp cận được nguồn vốn vay của các ngân hàng. 
Ở huyện Quỳnh Lưu có 33 chủ dự án đủ điều kiện vay vốn đóng tàu và đã lập hồ sơ nộp cho các ngân hàng vào tháng 2/2015. Đến thời điểm hiện nay có 10 chủ dự án đã hoàn chỉnh hồ sơ gửi ngân hàng. Trong đó có 5 dự án đóng tàu vỏ gỗ, 5 dự án đóng tàu vỏ thép. 5 chủ dự án đóng tàu vỏ thép đều ở xã Tiến Thủy và đều đăng ký vay vốn tại chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Phủ Diễn (Diễn Châu). Ông Nguyễn Kim Đương, 1 trong 5 hộ dân đăng ký đóng tàu vỏ thép ở xã Tiến Thủy cho biết, khi tiếp xúc với cán bộ ngân hàng thì được trả lời: “Đây là siêu dự án nên cứ từ từ”.
Trong khi đó cái “từ từ” của ngành Ngân hàng đang “bóp từ từ” đường sinh cơ của ngư dân. Ngay như ông Đương, khi tiếp cận Nghị định 67 đã phải bán 3 con tàu để theo đuổi hồ sơ. Ông than thở: “Cho vay hay không cũng phải rõ ràng. Đưa khái toán lên họ bỏ đó. Đưa hồ sơ lên họ bỏ đó. Hỏi thiếu gì không thì họ nói: Lo gì, thiếu thì bổ sung sau dễ mà, nhưng họ cũng không cho biết bao giờ giải quyết, giải quyết như thế nào”. Cũng theo ông Đương, cán bộ ngân hàng còn nói rằng: Ngân hàng chỉ cho vay gói 70% tổng giá trị tàu áp dụng cho tàu vỏ gỗ đóng mới, còn dân muốn vay gói 95% thì... cứ thế mà đợi!.
Thị xã Hoàng Mai được UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ để đóng mới 16 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó có 8 tàu vỏ gỗ và 8 tàu vỏ thép. Ông Lê Sỹ Chiến, Phó Chủ tịch UBND thị xã cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng là cực khó, vậy nên đến thời điểm hiện tại chưa có chủ dự án tàu vỏ thép nào được các ngân hàng thương mại ký hợp đồng tín dụng cho vay.
... và khó cả tàu vỏ gỗ
Ông Nguyễn Kim Đương (trái) và anh Hoàng Văn Bình (phải) đang bày tỏ việc hồ sơ đã nộp ngân hàng nhưng chưa có kết quả.
Ông Nguyễn Kim Đương (trái) và anh Hoàng Văn Bình (phải) đang bày tỏ việc hồ sơ đã nộp ngân hàng nhưng chưa có kết quả.
Việc đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 khó khăn như đã đề cập, và đối với nhu cầu đóng tàu vỏ gỗ cũng không mấy sáng sủa hơn. Trong quá trình tìm hiểu về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định 67, chúng tôi đã đến xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai). Tại cơ sở đóng tàu của ông Trần Đình Ánh ở thôn Hợp Tiến, có 2 con tàu vỏ gỗ công suất 820 CV đã hoàn thiện 2/3 phần vỏ phải dở dang  “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Đây là 2 con tàu của ông Nguyễn Văn Hùng, ở thôn Lam Sơn và ông Trần Ngọc Kiên ở thôn Đồng Tâm cùng xã Quỳnh Lập, tổng giá trị dự kiến của mỗi tàu hơn 10,5 tỷ đồng. Tại đây, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Văn Hùng (1 trong 2 chủ dự án đóng mới tàu vỏ gỗ nói trên). Cả ông Hùng, chủ xưởng đóng tàu đều cho hay, đây là 2 chiếc tàu được làm điểm theo Nghị định 67 trên địa bàn toàn tỉnh, phát mộc từ tháng 2/2015 với sự tham gia chứng kiến của các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, huyện, xã.
Sau 4 tháng tàu đã hoàn thành được 2/3 khối lượng nhưng cho đến nay vẫn phải nằm chờ. Nguyên nhân là chưa được cấp vốn của ngân hàng. 2 con tàu này chủ dự án đều đăng ký vay của Ngân hàng Công thương chi nhánh Quỳnh Lưu. Ông Nguyễn Văn Hùng thừa nhận về hồ sơ thủ tục hiện vẫn chưa đầy đủ, tuy nhiên, ông cũng không được cán bộ ngân hàng hướng dẫn cụ thể để hoàn thiện. Trong khi đó, ông Trần Đình Ánh (chủ cơ sở đóng tàu) khẳng định rằng, theo yêu cầu của ngân hàng, các chủ dự án phải hoàn thiện 11 loại giấy tờ nhưng chỉ có 3 loại có mẫu. Điều này tạo ra rất nhiều rào cản cho các chủ dự án vốn đã hạn chế trong tiếp cận và xử lý các hoạt động mang tính hành chính. Để đóng 2 con tàu nói trên, đến thời điểm này ông Trần Đình Ánh đã phải bỏ ra hơn 6 tỷ đồng và không biết bao giờ có thể thu hồi vốn. “Thông thường 1 con tàu chúng tôi đóng hoàn chỉnh trong vòng 3 tháng, trong thời gian đó chủ dự án trả tiền 4 đợt. Những năm trước khi chưa thực hiện theo Nghị định 67, chúng tôi có thể hoàn thiện 2 - 3 chiếc, nhưng năm nay chưa xong chiếc nào và cũng chưa thu được đồng nào. Ngân hàng cứ dè dặt, kéo dài ngày nào chết chúng tôi ngày đó” - ông Trần Đình Ánh chia sẻ. 
Tương tự tại xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) hiện nay đang có 3 tàu nằm phơi nắng chờ đợi ngân hàng duyệt hồ sơ, làm hợp đồng tín dụng giải ngân cho vay. Ông Hồ Hoàng Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy cho biết, trong số 11 tàu vỏ gỗ của người dân đăng ký, hiện có 3 tàu đã đóng được 70% phần vỏ. Đó là tàu của các ngư dân: Hoàng Đức Thương, ở thôn Phong Thái; Tô Duy Uy, thôn Minh Sơn và Phạm Ngọc Sơn, thôn Phong Tiến. Chủ dự án của các tàu này cơ bản đều đã hoàn chỉnh hồ sơ, được chính quyền các cấp thẩm định phê duyệt. Hiện tại đều đang phụ thuộc vào chi nhánh Ngân hàng Công thương Bắc Nghệ An - đơn vị tiếp nhận hồ sơ. Theo ông Hồ Hoàng Nghiệp, ngân hàng yêu cầu bà con phải thế chấp tài sản đảm bảo, trong khi quy định của Nghị định 67 chủ dự án chỉ thế chấp chính tài sản được hình thành từ nguồn vốn vay. Và chi nhánh Ngân hàng Công thương Bắc Nghệ An khẳng định nếu vay trong phạm vi 4 tỷ đồng và thời hạn 7 năm họ sẽ cho giải quyết ngay. Đối chiếu với Nghị định 67, thì tàu vỏ gỗ được vay 70% tổng giá trị và thời hạn 11 năm, năm đầu chủ tàu chưa phải trả nợ gốc và lãi suất vay.
Chúng tôi đã có mặt trong buổi làm việc với sự tham dự của lãnh đạo Sở NN&PTNT cùng đại diện Ngân hàng Nhà nước của Trung ương, của tỉnh Nghệ An; chính quyền huyện Diễn Châu, các ngân hàng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Diễn Châu, Đầu tư và Phát triển chi nhánh Phủ Diễn và một số ngư dân - là các chủ dự án đăng ký đóng tàu của huyện Diễn Châu. Tại đây, chúng tôi phải chứng kiến ông Phạm Văn Mạnh, một ngư dân xã Diễn Bích bật khóc nức nở. Kỳ vọng về 1 con tàu vỏ thép được đóng mới dường như xa dần tầm với của người ngư dân “giỏi đánh bắt nhưng làm hồ sơ kém” này, theo như cách nói của bà Chu Thị Khánh, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Diễn Châu. Đã đành là ông Mạnh chưa hoàn chỉnh hồ sơ, thế nên chưa thể được ngân hàng ký hợp đồng tín dụng cho vay vốn. Nhưng thật đáng băn khoăn, vì nếu như vậy, tại sao Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Diễn Châu lại giữ trước 700 triệu đồng tiền vốn đối ứng và bìa đỏ của người ngư dân này? 
(Còn nữa)
Đào Tuấn - Hà Giang

Tin mới