Khí thế ở xã nông thôn mới đầu tiên

(Baonghean) - Là xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, xã Sơn Thành (Yên Thành) đang hướng mạnh đến mục tiêu phát triển bền vững bằng việc nâng cấp chất lượng các tiêu chí; trong đó, phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn đảng bộ, nhân dân được xem là giải pháp trọng tâm...

Lãnh đạo xã Sơn Thành nhận thức: Phát động phong trào thi đua yêu nước phải đạt mức lan tỏa nhằm phát huy vai trò làm chủ, khơi dậy tinh thần chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Theo đó, thi đua yêu nước ở Sơn Thành được cụ thể bằng những phong trào: “Nâng cao thu nhập”, “Nói không với đền bù giải phóng mặt bằng, hiến đất làm đường”, “Dồn điền, đổi thửa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Hàng loạt phong trào đều được thể chế hóa dưới hình thức sân khấu, tiểu phẩm, xây dựng thành tiêu chí, mô hình. Có thể nói, đến nay, hành động thi đua yêu nước ở Sơn Thành đã trở thành cao trào với những việc làm cụ thể có lợi cho dân, cho quê hương. Rất nhiều những điển hình cá nhân được Đảng và chính quyền tạo điều kiện để phát huy năng lực, sở trường phấn đấu cống hiến cao...
Một góc xã Sơn Thành.
Một góc xã Sơn Thành.
Sơn Thành có 3 hợp tác xã và hàng chục doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, có sức lan tỏa để thu hút con em về quê hương đầu tư, giải quyết việc làm tại chỗ cho số lao động trên địa bàn. Như doanh nghiệp Dũng Thủy sau hơn 8 năm lao động ở nước ngoài, có vốn liếng, mỗi lần về thăm quê thấy con em vì mưu sinh phải bỏ quê vào các khu công nghiệp phía Nam, ông đã về quê đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng 2 nhà xưởng may mặc xuất khẩu thu hút trên 80 lao động là con em trong xã và vùng phụ cận, mức lương bình quân 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Hiện cơ sở của ông còn nhận 3 nhân công bị tật nguyền vào bố trí công việc phù hợp với sức khỏe và sở trường... Hay ông Lê Văn Hạnh ở xóm 12 đầu tư xây dựng lán trại quy mô, vừa làm phôi giống, vừa sản xuất nấm hương thương phẩm, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với mức thu nhập 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng, hàng năm cung cấp cho thị trường tiêu dùng hàng chục tấn nấm mỡ, nấm rơm, nấm sò tím, mộc nhĩ; hiện cơ sở này đã sản xuất nấm linh chi, sản phẩm đang được khách hàng ưa chuộng... Nhờ triển khai nhiều cơ chế, chính sách và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, trên địa bàn xã Sơn Thành còn có hàng chục mô hình làm kinh tế giỏi, tạo việc làm tại chỗ cho con em địa phương, là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, đưa mức thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 39 triệu đồng/năm.
Về phong trào thi đua yêu nước ở Sơn Thành, ông Ngô Trí Hóa, Bí thư Đảng ủy rất tâm đắc: “Có thể khẳng định thi đua yêu nước ở xã chúng tôi đã trở thành cao trào với rất nhiều điển hình, nhất là trong phong trào hiến đất mở đường và giải phóng mặt bằng. Ông Trần Ngọc Năm (70 tuổi) ở xóm 12, đảng viên, là thường trực Hội Người cao tuổi của xã đi đầu vận động các hộ hiến đất, dỡ bỏ bờ bao, tường rào để giải phóng mặt bằng không đòi hỏi đền bù. Riêng gia đình ông hiến gần 200m2 đất thổ cư mặt đường 534 là vùng đất có giá trị sinh lợi cao trị giá trên 300 triệu đồng, tự tay dỡ bỏ tường rào, bờ bao...”. Từ những nghĩa cử, hành động của “đảng viên đi trước”, anh Nguyễn Hữu Bảy (sinh năm 1980), vừa xây xong nhà năm 2011 thì năm 2012 tự nguyện phá dỡ cắt đôi ngôi nhà của mình để trả mặt bằng cho đơn vị thi công; giáo dân Trần Bá Đào (sinh năm 1966) ở  xóm 16 tự nguyện hiến 84m2 đất bám mặt đường tỉnh lộ trong số chưa đầy 200m2 đất của gia đình mình; ông Nguyễn Trí Long xóm 11 hiến 650m2 đất thổ cư, ông Nguyễn Hữu Minh hiến trên 100m2...
Phân xưởng may của doanh nghiệp Dũng Thủy ở xã Sơn Thành (Yên Thành).
Phân xưởng may của doanh nghiệp Dũng Thủy ở xã Sơn Thành (Yên Thành).
Tất cả những nghĩa cử hiến đất, tài sản ấy được bắt đầu từ phong trào “Hiến đất làm đường, dồn điền đổi thửa” và “Nói không với đền bù giải phóng mặt bằng” cùng đồng nghĩa với phong trào “Lấy sức dân lo cho dân xây dựng kết cấu hạ tầng”, trong số 60,5 ha đất dân hiến có 50 ha đất 64 do dân góp vốn bằng đất, còn lại 10,5 ha đất ở, trên 400 hộ phải giải phóng mặt bằng, 22 hộ phải dời nhà, 107 cổng kiên cố, 22.000m tường rào và hàng vạn cây cối với tổng trị giá là 50 tỷ đồng, nhưng chỉ hỗ trợ trong việc giải phóng mặt bằng 1,8 tỷ đồng cho các đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo... Còn nhiều nữa những điển hình đóng góp bằng tiền, vật chất (xây cầu, nhà văn hóa, đập tràn...) tại quê nhà và của con em ở nước ngoài gửi về. Cũng không thể không nhắc đến nghĩa cử của 5 người con xa quê cung tiến tượng Bác Hồ ở trước trụ sở làm việc của xã. Bức tượng còn có ý nghĩa mỗi ngày nhắc nhở những người con của quê hương Sơn Thành thi đua yêu nước.
Nhờ sự đoàn kết, đồng thuận cao và những bước đi thích hợp, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Sơn Thành đã gặt hái được nhiều thành tích để nhận những phần thưởng xứng đáng như: 10 năm liên tiếp đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu; được tặng Cờ thi đua yêu nước của tỉnh; là 1 trong 134 đơn vị điển hình của cả nước về việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”;  trong 27 đơn vị xuất sắc của cả nước được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và hiện vật 1 tỷ đồng bằng giá trị công trình và nhiều Bằng khen của Trung ương, của bộ, tỉnh và huyện...
Đạm Phương

Tin mới