Lường trước những rủi ro khi xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc

(Baonghean) - Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang có sức thu hút lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Nghệ An. Tuy nhiên, thị trường này vẫn luôn tiềm ẩn những rủi ro khiến các doanh nghiệp phải cẩn trọng trong tìm hiểu đối tác.

ỉnh Nghệ An hiện có khoảng 50 doanh nghiệp có kinh doanh với thị trường Trung Quốc. Năm 2014 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh đạt 411 triệu USD, trong đó xuất sang thị trường Trung Quốc 183,8 triệu USD, chiếm 44,7%; và 7 tháng đầu năm 2015 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 237 triệu USD, trong đó thị trường Trung Quốc 103,8 triệu USD, chiếm 43,8%. Hàng năm các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xuất bán sang thị trường Trung Quốc hơn 13 mặt hàng, một số mặt hàng có kim ngạch lớn như tinh bột sắn, dăm gỗ, dệt may, linh kiện điện thoại, thủy sản.

Tổng Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan nhiều năm nay luôn có hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chiếm 30% tỷ trọng hàng xuất khẩu của doanh nghiệp này. 8 tháng đầu năm 2015, tổng sản lượng sợi xuất khẩu trên 4.700 tấn sợi các loại, đạt kim ngạch hơn 11,2 triệu USD. Ông Phan Xuân Hợi, quyền Tổng Giám đốc Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan chia sẻ: Từ khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, việc xuất khẩu hàng hóa của công ty vào thị trường Trung Quốc khó khăn hơn do chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ. Tại thời điểm tháng 6, tháng 7/2015, giá sợi 32CD (cotton): 2,62 USD/1kg, sau đó giảm xuống 2,59 USD/1kg,  ngày 11/8 (do Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ) đến nay giá rớt xuống chỉ giao động từ 2,45 USD - 2,48 USD/1kg. Giá sợi giảm đã ảnh hưởng đến kim ngạch và doanh thu của doanh nghiệp. Trước đây, bình quân mỗi tháng công ty xuất khẩu sang Trung Quốc trên 15 container, nay chỉ xuất được 10 container/tháng. 8 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của công ty giảm từ 20 -30% về lượng và giảm 17% về tỷ giá so cùng kỳ năm 2014. Nhìn chung, việc phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc làm cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đều bị ảnh hưởng về sức mua và về giá. Đặc biệt khi có những biến động về thị trường kinh tế thế giới thì doanh nghiệp xuất khẩu dễ gặp rủi ro vì các khách hàng Trung Quốc đòi hỏi khắt khe hơn về mẫu mã, chất lượng sản phẩm để ép doanh nghiệp giảm giá hoặc hủy bỏ hợp đồng.

Sản xuất sợi xuất khẩu tại Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan.
Sản xuất sợi xuất khẩu tại Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan.

Ông Trần Anh Sơn, Giám đốc Tổng Công ty nông sản XNK Nghệ An cho biết: “Công ty chúng tôi chuyên xuất khẩu tinh bột sắn sang thị trường Trung Quốc, năm nay thành lập thêm 1 công ty “con”, kỳ vọng năng lực xuất khẩu sang thị trường này tăng gấp đôi nhưng do sức tiêu thụ giảm sụt so với năm trước nên tổng sản lượng xuất khẩu của công ty chưa cao. 8 tháng đầu năm 2015, công ty xuất khẩu sang Trung Quốc 25.500 tấn tinh bột sắn, giá trị hơn 10 triệu USD”. Đối với Công ty TNHH chế biến phụ phẩm thủy sản Xu Ri Việt Trung lâu nay chuyên xuất khẩu bột cá sang Trung Quốc, ông Lê Thái, Giám đốc công ty chia sẻ kinh nghiệm: “Ký kết với doanh nghiệp Trung Quốc phải tìm hiểu kỹ năng lực của đối tác, nhất là về năng lực tài chính và tính minh bạch của họ. Chúng tôi có lợi thế đã làm ăn với Trung Quốc lâu năm, trước khi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, doanh nghiệp đã hơn 10 năm tham gia xuất khẩu tiểu ngạch nên khá am hiểu cách làm của một số doanh nghiệp Trung Quốc, từ đó giúp chúng tôi tìm hiểu kỹ và lựa chọn đối tác thuận lợi hơn. Năm 2014, đơn vị xuất khẩu bột cá sang Trung Quốc đạt hơn 10 triệu USD; 8 tháng/2015 kim ngạch xuất khẩu sang nước này đạt gần 11 triệu USD. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh giảm giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, doanh nghiệp xuất khẩu sang nước này bị thiệt hơn, giảm giá trị hợp đồng”.

Một số doanh nghiệp cho rằng khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Trung Quốc là khâu thanh toán. Bên cạnh vấn đề trả chậm tiền, Trung Quốc quản lý ngoại tệ rất chặt, thanh toán bằng USD hạn chế. Điều đáng nói nữa là Trung Quốc hầu như chưa thực hiện phổ biến hình thức thanh toán theo thông lệ quốc tế bằng L/C (Thư tín dụng) nên mức độ an toàn trong thanh toán không cao. Và trên thực tế, ngay cả phương thức thanh toán thông qua mở LC vẫn được nhiều doanh nghiệp cho là nảy sinh không ít hệ lụy như thanh toán khá mất thời gian, hoặc nhiều khi hàng xuất đi đã được giải phóng tại cảng, đối tác nhận hàng nhưng doanh nghiệp xuất khẩu thì chưa nhận được tiền. Ngoài ra, cũng có hiện tượng như sau khi nhận đủ hàng, bên Trung Quốc tìm mọi cách ép giá xuống, trả chậm tiền, gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Phía doanh nghiệp Trung Quốc còn có "chiêu" cùng câu kết với nhau "dìm" giá mua xuống thấp.

Để tăng thị phần và tránh rủi ro khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, bà Võ Thị An, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: Doanh nghiệp Nghệ An cần quan tâm: Có hợp đồng thu mua nông sản ổn định trung và dài hạn (đối với doanh nghiệp chế biến hàng nông sản); Có chiến lược thâm nhập và phát triển mặt hàng trên thị trường Trung Quốc và có chiến lược xây dựng, quảng bá, đăng ký thương hiệu trong, ngoài nước. Đồng thời phải chủ động tìm hiểu đối tác bằng cách thuê các doanh nghiệp đặc biệt của Trung Quốc có khả năng thẩm định lý lịch và khả năng tài chính của doanh nghiệp nước này; Khi ký hợp đồng, doanh nghiệp không nên chấp nhận mẫu hợp đồng mà doanh nghiệp Trung Quốc đưa sẵn và phải yêu cầu trọng tài kinh tế phía Việt Nam hoặc nước thứ ba. Đối với vấn đề thanh toán, doanh nghiệp xuất khẩu cần yêu cầu doanh nghiệp Trung Quốc thanh toán ngay 30% giá trị hợp đồng và chỉ ký hợp đồng khi đối tác đã mở LC. Ngoài ra, doanh nghiệp không nên thỏa thuận điều khoản thanh toán LC trả chậm vì dễ bị đối tác lấy lý do không đạt chất lượng để ép giá; Đối với các doanh nghiệp Trung Quốc dù là nhà nhập khẩu hay xuất khẩu, trước khi ký kết hợp đồng thương mại đầu tiên, doanh nghiệp nên chủ động dành kinh phí cử đoàn khoảng 2- 3 người sang trực tiếp thẩm định văn phòng, hệ thống nhà xưởng, hệ thống phân phối...

Nhìn chung, thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng luôn là mảnh đất màu mỡ thu hút các doanh nghiệp tham gia kinh doanh xuất, nhập khẩu nhưng cũng luôn chứa đựng những rủi ro rất lớn. Vì vậy các doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược kinh doanh, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng sản phẩm và chú trọng đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Quỳnh Lan

Tin mới