Đừng quên trả lại tiền lẻ

(Baonghean) - Lấy lý do không có tiền lẻ để trả lại tiền thừa, nhiều siêu thị, cửa hàng kinh doanh đưa cho khách vài ba chiếc kẹo thay cho 500 -1.000 đồng, thậm chí là 2.000 đồng. Không ít người tiêu dùng cảm thấy bức xúc với cách thức giao dịch trên...

Mua chục gói mỳ tôm hết 48.000 đồng tại một siêu thị mi - ni trên đường Phùng Chí Kiên - TP Vinh, chị Nguyễn Thị Thúy (giáo viên Trường Mầm non Hưng Lộc) đưa  tờ tiền mệnh giá 50.000 đồng thì được trả lại 4 chiếc kẹo cao su Cool Air, tương ứng với 2.000 đồng. Chị kể, cô nhân viên thu ngân không hỏi chị lấy tiền trả lại hay kẹo, mà cứ đưa mấy chiếc kẹo như đó là điều hiển nhiên. Chị Phan Bích Hạnh (ở khối Tân Lâm - phường Hưng Dũng) cũng “được” trả lại kẹo Oishi thay cho tiền thừa 1.000 đồng khi thanh toán hóa đơn hàng trong Siêu thị Maximax. "Hóa đơn thanh toán của tôi là 478.500 đồng, khi đưa tờ 500.000 đồng thì được trả lại 20.000 đồng rồi cô nhân viên bỏ luôn 3 cái kẹo vào túi hàng mà không có lời giải thích, để khách hàng tự hiểu " -  chị Hạnh cho biết. Giải thích về điều này, một nhân viên thu ngân của siêu thị cho hay: "Vì không có tiền lẻ trả lại nên phải dùng kẹo để thay thế. Bây giờ tiền lẻ khan hiếm, trong khi các mặt hàng trong siêu thị đều được niêm yết giá chính xác từng trăm đồng. Việc phải trả lại 1.000 đồng, 500 đồng, thậm chí có lúc chỉ 200 đồng đã gây khó khăn cho thu ngân. Nếu không dùng kẹo với giá trị tương đương thì không thể đủ tiền lẻ trả lại khách".

Theo chị Thúy, việc nhân viên tại các quầy thu ngân ở siêu thị hay chủ kinh doanh nhỏ lẻ không hỏi ý kiến xem khách có chấp nhận trả lại tiền thừa bằng kẹo hay không là thiếu tôn trọng người tiêu dùng: "Thừa 500 - 1.000 đồng cũng là đồng tiền mồ hôi công sức. Bắt khách hàng lấy kẹo thay thế tiền lẻ như là điều hiển nhiên, đó là thể hiện người bán hàng không tôn trọng ý kiến cũng như đồng tiền của khách".

Khách mua hàng tại Siêu thị Big C được nhân viên trả lại 500 đồng tiền thừa bằng 1 chiếc kẹo ổi Oshi.  (Ảnh chụp tại Siêu thị BigC lúc 16h20 ngày 22/5/2013).

Nắm được tâm lý chuộng đồ rẻ, nhiều cửa hàng niêm yết giá lẻ 99.000 đồng, 999.000 đồng... Song, khi nhân viên bán hàng không trả lại 1.000 tiền thừa thì "chiêu" kinh doanh này mang lại hiệu ứng ngược. Trong một lần đi mua điện thoại di động tại cửa hàng lớn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai - TP Vinh,  chị Nguyễn Thị Hà (công nhân may của Công ty CP may Minh Anh - Kim Liên) rất bất bình khi mua chiếc điện thoại Nokia X1 giá 999.000 đồng nhưng không được nhân viên trả lại 1.000 đồng tiền thừa. Chờ mãi chẳng thấy người bán hàng nói câu gì, chị Ngọc lên tiếng hỏi thì cô nhân viên mới rút từ ngăn kéo ra xấp tiền lẻ và đưa trả cho chị một tờ 1.000 đồng. "Nếu không có tiền lẻ, người bán cũng nên nói lời thông cảm hoặc giải thích rõ chứ không nên lờ đi.

Việc cô ta có một xấp tờ 1.000 đồng nhưng không đưa ngay, chứng tỏ họ cố tình móc túi khách hàng" - chị Ngọc bức xúc cho hay. Không ít người tiêu dùng đã gặp phải những tình huống tương tự, nhưng vì ngại hoặc không muốn tranh cãi nên họ chọn phương án im lặng, chịu ấm ức và thiệt thòi về phía mình. Anh Nguyễn Văn Mạnh (cán bộ Viễn thông Vinh) khi đi mua một chiếc áo trẻ em ở một cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Cừ, ngoài đề rõ: "Duy nhất một giá 89.000 đồng", nhưng khi anh đưa 90.000 đồng, họ cầm cả không trả lại tiền thừa. "Tôi cũng định hỏi nhưng nghĩ không lẽ lại đôi co vì 1.000 đồng, người ta lại đánh giá mình đàn ông con trai mà bủn xỉn. Nhưng bản thân tôi cho rằng nhân viên bán hàng đó hành xử vậy là thiếu tôn trọng khách hàng ".-  anh Mạnh chia sẻ.

“Trào lưu” niêm yết giá lẻ như 69.000 đồng, 99.000 đồng, 199.000 đồng, 999.000 đồng... xuất hiện ở trên địa bàn Nghệ An chừng 5 năm trở lại đây và được nhiều người kinh doanh ưa chuộng. Về thực chất, mức giá 99.000 đồng không khác gì nhiều so với 100.000 đồng, 999.000 đồng và một triệu đồng cũng vậy... không giúp người mua tiết kiệm được bao nhiêu, lợi nhuận của người kinh doanh không suy chuyển là mấy. Nhưng do đánh trúng vào tâm lý thích giá rẻ của người tiêu dùng nên chiêu kinh doanh đó hút khách hơn. Nhưng khi nhân viên bán hàng lờ đi số tiền thừa 1.000 đồng của khách thì chủ kinh doanh sẽ nhận được hiệu ứng ngược. Đứng ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Hồ Đức Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Phú Hưng, doanh nghiệp áp hình thức kinh doanh con số 99 không phải để miễn trả lại khách hàng tiền thừa, mà đơn giản là đánh vào tâm lý người mua bởi con số 99 tạo cảm giác rẻ hơn 100. Việc người bán hàng không trả lại tiền thừa do cách quản lý nhân viên chưa nghiêm, dẫn đến khách hàng bị thiệt thòi, chủ kinh doanh mất dần uy tín.

Thiết nghĩ, các cửa hàng kinh doanh, nhất là các trung tâm thương mại, siêu thị, nơi có lượng khách hàng giao dịch tiền tệ hằng ngày lớn cần chuẩn bị đầy đủ nguồn tiền mặt bảo đảm cho công tác thanh toán và thường xuyên nhắc nhở nhân viên đừng "quên" trả tiền lẻ cho khách hàng. Bởi đó là điều đầu tiên trong văn minh giao dịch, tạo cảm tình đối với khách hàng.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Tin mới