Chuyển đổi cây trồng - Hướng đi phù hợp

(Baonghean) - Xác định việc nâng cao hiệu quả thu nhập trên đơn vị diện tích là cốt lõi trong quá trình chỉ đạo sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ năm 2005, Đảng bộ huyện Nghi Lộc đã có Nghị quyết số 05 về chuyển đổi giống cây trồng và nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Thực hiện nghị quyết này, huyện Nghi Lộc đã áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất…

Huyện Nghi Lộc có hơn 12.000 ha đất nông nghiệp nhưng chỉ có khoảng 40 hồ đập lớn nhỏ với tổng trữ lượng 20 triệu m3 nước. Vậy nên vào mùa khô hạn, chỉ có khoảng ½ số diện tích này có thể tạm chủ động nước tưới (phụ thuộc vào hệ thống bara Nam Đàn), số diện tích còn lại hoàn toàn “nhờ trời”. Vào mùa mưa bão, huyện thường xuyên đối mặt với tình trạng ngập úng cục bộ. Tất cả điều này đã gây khó khăn lớn đến việc canh tác, sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân… Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Nghi Lộc buộc phải lựa chọn chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với từng loại đất, khí hậu, kể cả tập quán và trình độ lao động.

                  Mướp đắng - loại rau hàng hóa cho hiệu quả cao ở Nghi Lộc.

Đối với vùng đất lúa, Nghi Lộc đã tiến hành thay thế dần các giống lúa trước đây (sản lượng cao) bằng các giống lúa cho chất lượng tốt mang tính hàng hóa, thương phẩm. Huyện đã liên doanh, liên kết các đơn vị như Công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An, Công ty Giống cây trồng Nghệ An, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương để thực hiện cơ chế xây dựng cánh đồng mẫu (xác lập mối quan hệ liên kết giữa nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông). Đến nay, Nghi Lộc đã xây dựng được trên 50 cánh đồng mẫu với diện tích mỗi cánh đồng trên 30 ha. Những cánh đồng này đều được cấy bằng các giống lúa chất lượng cao.

Tính riêng vụ xuân vừa rồi, Nghi Lộc đã có gần 1.000 ha lúa chất lượng cao (trong tổng số 7.000 ha lúa). Những giống lúa này đã thực sự cho hiệu quả cao, lão nông Trịnh Văn Linh, xã Nghi Đồng cho hay về kết quả ông rút ra sau khi gieo thử các giống lúa mới: So với các giống trước thì các loại lúa RVT, AC5 mà huyện đưa vào cho chúng tôi trồng thì chỉ đạt 2,8 -3 tạ/sào, song được cái là giá cao; lúa lai nếu bán giá 50 thì lúa hàng hóa này được giá 80, giá trị sản xuất nâng lên 1,5 lần mà đầu ra các loại lúa này cũng rất dễ.

Ở các vùng đất màu, thời gian qua, Nghi Lộc chủ trương đưa về những giống lạc tốt như L23, L26 còn mở rộng thêm các loại rau màu, ngô… Cụ thể là, từ năm 2006, mô hình trồng dưa hấu lần đầu tiên đưa về trồng thử nghiệm 5 ha tại xóm 13 xã Nghi Long. Bước đầu, người dân chưa mấy mặn mà với dưa hấu vì còn lạ, chưa kịp thích nghi, nhưng khi được sự hỗ trợ của huyện như cho đường điện, giếng nước đào, giống và phân bón, tập huấn kỹ thuật  cộng thêm bán được giá cao nên dưa hấu nhanh chóng bén đất Nghi Long (không kể 2 năm mất mùa do thiên tai - năm 2008 và năm nay, thì mỗi vụ người trồng dưa thu lãi ít nhất cũng 7 - 8 triệu đồng/sào, 100 - 150 triệu đồng/ha). Từ 5 ha đầu tiên, đến nay diện tích trồng dưa vụ rồi ở xã Nghi Long là 50 ha. Mô hình trồng dưa hấu nhanh chóng lan tỏa đến các xã Nghi Thịnh, Nghi Trường, Nghi Khánh; dưa hấu đã được tập trung chỉ đạo thành quy mô lớn, 2 năm trở lại đây, vào vụ xuân hè, toàn huyện Nghi Lộc có trên 200 ha dưa.

Ở vụ đông, Nghi Lộc tập trung phát triển cây ngô nếp lai hàng hóa có chất lượng cao như MX2, MX4 trên đất hai lúa để bán cho thị trường phụ cận Thành phố Vinh và Thị xã Cửa Lò. Ngoài ra, đã có nhiều mô hình rất thành công khác như trồng dưa gang, dưa leo ở xã Nghi Diên, các loại rau màu ở Nghi Thạch, rau cải ở Nghi Khánh, mướp đắng, hành tăm ở Nghi Thuận. Tất cả đều thu lãi gấp 2 đến 3 lần trồng lúa. Anh Nguyễn Văn Cường, một nông dân xã Nghi Hoa cho hay: Vụ đông trước, gia đình trồng 3 sào dưa chuột, mỗi sào 1.000 gốc, tính ra mỗi sào thu lãi ròng 8 triệu đồng. Còn trồng ngô nếp thì mỗi bông bán ngay tại ruộng là 2.000 - 2.200 đồng.

Trận mưa to do ảnh hưởng bão số 2 những ngày cuối tháng 6 vừa rồi đã làm phần lớn dưa hầu sắp đến kỳ thu hoạch bị úng thối. Ước tính cơn mưa đã “cướp trắng” khoảng 75% vụ dưa hấu của bà con nông dân huyện Nghi Lộc, tổng thiệt hại kinh tế ở xã Nghi Long là vào khoảng 4-5 tỷ đồng, toàn huyện là trên 15 tỷ đồng. Thiên tai bất khả kháng, song không vì thế mà bà con nông dân nói riêng và huyện Nghi Lộc nói chung nản lòng.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: Thời gian tới, Nghi Lộc tiếp tục thực hiện các giải pháp để hạn chế những rủi ro do thiên tai gây ra như áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống mới, rút ngắn thời vụ chu kỳ sản xuất, thực hiện các biện pháp như ươm ngô, dưa hấu trong bầu để có thể thu hoạch trước thời kỳ bão lụt thường xảy ra. Ngoài ra, huyện sẽ không ngừng xây dựng, sửa chữa các công trình đê sông, đê biển, hệ thống tiêu úng để giảm thiểu tối đa cho nhân dân trong sản xuất.

Thiền Thanh

Tin mới